Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?

Chí Nhân
Chí Nhân
04/03/2023 19:12 GMT+7

Chiều 4.3, tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?". Đây là hội thảo trong khuôn khổ chương trình "Tôn vinh cà phê Việt" lần 1 - năm 2023 báo Người Lao Động tổ chức.

Ông Thái Như Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, tổng diện tích trồng cà phê cả nước khoảng 710.000 ha nhưng thu hoạch chỉ khoảng 650.000 ha và chế biến sâu với tỷ lệ rất thấp. Chính vì vậy, giá trị mang lại không cao. Đặc biệt, ở các quốc gia trồng cà phê nổi tiếng, cà phê đã được bảo hộ. "Việt Nam là nước có cà phê Robusta lớn nhất thế giới nhưng cà phê vẫn chưa được bảo hộ. Đây là việc các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm để tăng giá trị cà phê. Vốn cũng là vấn đề then chốt cần tháo gỡ vì hiện nay, doanh nghiệp làm nông nghiệp đang phải vay vốn với lãi suất 12%/năm thì sao họ làm được", ông Hiệp nhấn mạnh.

Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới? - Ảnh 1.

Bộ Trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo

C.N

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở giao dịch Cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, nói: Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới với 60% thị phần nhưng nghịch lý lại không phải là người quyết định giá cả thị trường.

"Cà phê của Việt Nam không có thương hiệu, giá trị gia tăng của nông dân cực thấp so với người bán lẻ, người rang xay. Vậy, tại sao chúng ta không làm được sở giao dịch cà phê? Việc thành lập Sở giao dịch hàng hóa của Việt Nam với mặt hàng đầu tiên là cà phê sẽ góp phần nâng giá trị cho cà phê cũng như các hàng hóa khác", ông Hải phân tích..

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi "Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới?" và cho rằng, đây là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ để tiếp tục đi sâu vào chế biến, tạo ra tính cạnh tranh cho sản phẩm. "Thế giới chuộng dòng Arabica nhưng Việt Nam lại mạnh về cà phê Robusta. Chúng ta muốn định vị lại vị trí trên bản đồ cà phê thế giới phải xác định phát triển dòng Abarica hay vẫn theo Robusta, hay phối trộn 2 dòng này lại?", ông đặt vấn đề.

Cũng theo ông Hoan, cần xem cà phê là một chuỗi giá trị chứ không chỉ có sản phẩm duy nhất là hạt cà phê, có thể kể ra như mật ong hoa cà phê, phân bón từ bã cà phê; thuốc nhuộm vải, sợi, giày… cũng có thể làm từ cà phê.

"Thế giới đã làm được nhiều chuyện từ cà phê nhưng chúng ta đang làm thô. Còn không gian mênh mông để chúng ta tạo ra giá trị cà phê. Không gian này bỏ trống hoàn toàn hoặc chỉ mới manh nha khai thác. Với giá trị cốt lõi là sản phẩm cà phê phải đi từ cảm xúc gắn với văn hóa. Tôi muốn nói với doanh nghiệp rằng, muốn xây dựng thương hiệu phải định vị lại, phải biết kể câu chuyện để gieo vào cảm xúc người tiêu dùng", ông đúc kết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.