Cả nước có 40 tàu cá vỏ thép hư hỏng khi vừa đóng mới

01/08/2017 11:01 GMT+7

40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 bị hỏng khi vừa đóng mới hiện đang được sửa để đưa vào hoạt động trở lại trong cuối tháng 8, sau đó xem xét xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT, chia sẻ thông tin trên tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định 67/2014 của Chính phủ ban hành ngày 7.7.2014 về một số chính sách phát triển thủy sản. Hội nghị do Bộ NN - PTNT tổ chức sáng nay, 31.3, với sự chủ trì của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Bộ NN - PTNT cho biết, theo báo cáo của các địa phương, 27/28 tỉnh ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu. Trong đó, tàu đóng mới là 1.150 chiếc (tàu vỏ thép và vật liệu mới là 768 chiếc, tàu vỏ gỗ là 742 chiếc). Số tàu cá được phân theo nhóm nghề, gồm tàu làm nghề câu là 85 chiếc; nghề lưới rê là 420 chiếc; nghề lưới vây là 427 chiếc; nghề lưới chụp là 341 chiếc và tàu dịch vụ hậu cần là 237 chiếc. Số tàu nâng cấp là 438 tàu.
Cho đến ngày 31.7, các địa phương đã có 671 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động. Trong đó có 31 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào sản xuất.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT cho biết, sau 3 năm Nghị định 67 đi vào cuộc sống, tai nạn tàu cá giảm đáng kể, ngư dân yên tâm bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Theo thống kê và rà soát của Bộ NN - PTNT, ở các địa phương đã thống kê có 40 tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 bị hư hỏng. Trong đó, tỉnh Bình Định nhiều nhất với 19 tàu, tỉnh Thanh Hoá có 18 tàu, tỉnh Phú Yên có 2 tàu, tỉnh Quảng Nam có 1 tàu. Các hư hỏng của tàu chủ yếu là rỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, ca bin, van ống. Một số tàu hỏng cả máy chính, máy phát điện, trang thiết bị và hầm bảo quản.
“Các tàu cá bị hỏng hiện đang được các cơ sở đóng tàu, ngư dân và các đơn vị liên quan khắc phục, sửa chữa theo quy định. Dự kiến đến cuối tháng 8, các tàu hỏng sẽ hoàn thành sửa chữa đưa vào hoạt động trở lại. Ưu tiên lớn nhất hiện nay là giúp ngư dân sớm có phương tiện đảm bảo an toàn, chất lượng để khôi phục sản xuất, sau đó là xem xét trách nhiệm để xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan”, ông Tám nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.