Cá nhân chuyển nợ vay mua nhà, ô tô… có khả thi?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
19/08/2023 07:05 GMT+7

Kể từ ngày 1.9, quy định cho phép cá nhân vay mua nhà, ô tô… có thể chuyển khoản nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác giúp khách hàng có tín nhiệm cao được chọn lựa nhà băng.

Tuy đó là quy định thông thoáng hơn trước, nhưng có khả thi hay không thì còn phụ thuộc ngân hàng (NH) có chịu hay không.

Cá nhân chuyển nợ vay mua nhà, ô tô… có khả thi? - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay mua nhà, ô tô…

NGỌC THẮNG

Khách hàng sợ thủ tục, chi phí cao

Thông tư 06/2023 (TT 06) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016 (TT 39) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (gọi chung ngân hàng - NH) đối với khách hàng của Ngân hàng Nhà nước. TT 06 bổ sung quy định NH được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại NH khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống. Tại TT 39 hiện hành, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại NH khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống. 

Vì thế, quy định này được đánh giá là thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho khách hàng lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các NH. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi lãi suất giảm nhanh mà lãi vay nợ cũ vẫn cao. Đơn cử các NH liên tục tung ra các gói tín dụng mua nhà, mua xe, sửa nhà… với lãi suất vay ưu đãi từ 8 - 9%/năm. Trong khi đó, những khách hàng vay cũ đang ở mức 11 - 15%/năm. Câu hỏi đặt ra là quy định mới liệu có tạo ra xu hướng chuyển dịch các khoản nợ vay từ NH này sang NH khác?

Là người từng làm NH và đang có khoản vay 1 tỉ đồng ở NH với mục đích mua nhà, chị Nguyễn Thùy (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho hay số tiền này đang vay ở Vietcombank với lãi suất ở mức gần 11%/năm, trong khi nhà băng này đang cho vay mới với mức lãi suất từ 9,5 - 10%/năm, còn các NH khác áp dụng các gói cho vay 8%/năm. Với quy định mới từ TT 06, chị Nguyễn Thùy cũng tính lên tính xuống về việc chuyển nợ. 

"Nhưng chỉ sợ "tính già hóa non" vì lãi suất vay hiện nay sẽ không đủ bù chi phí khi chuyển khoản nợ sang NH khác. Cụ thể như phí phạt hợp đồng khi trả nợ trước hạn, phí công chứng hợp đồng, đăng ký tài sản đảm bảo, thẩm định tài sản đảm bảo… Chỉ sợ rằng khi TT 06 cho phép cá nhân được chuyển nhóm nợ khi lãi suất vay quá cao thì nhà băng lại siết quy định về phí phạt trả nợ trước hạn, tăng cao hơn so với trước đây", chị Thùy phân tích.

Đó là chưa kể các NH đưa ra lãi suất thấp 7 - 8%/năm chỉ trong thời gian ưu đãi khá ngắn, 3 tháng, 6 tháng, dài lắm là 12 tháng. Lãi suất sau đó tính lại, thường lấy lãi suất cơ sở ở mức cao cộng thêm biên độ từ 3,5 - 4,5% là lên đến 13 - 14%/năm thì cũng "chết điếng".

Mặc dù vậy, chị Nguyễn Thùy vẫn đánh giá quy định cho phép cá nhân chuyển nợ đã mở ra thêm sự lựa chọn đối với khách hàng trong trường hợp NH tính lãi vay cao quá. Chỉ là các NH nên có quy trình chuyển nợ sao cho thuận tiện đối với khách hàng vay. Theo kinh nghiệm của chị Thùy, mấy năm trước đây chị có vay một khoản tiêu dùng ở NH, lúc này NH tính lãi vay cao quá. Để chuyển nợ này qua NH khác chị đã phải vay nợ người thân trả, sau đó đi xóa thế chấp và làm các thủ tục thế chấp vào NH sau. Với quy định mới này, nếu không có quy định phối hợp giữa 2 NH làm sao chuyển nợ, mà phải thực hiện theo cách cũ thì cũng rất mất thời gian.

Chuyển nợ không dễ

Tổng giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng cho biết việc chuyển nợ từ NH này sang NH khác đã được TT 39 quy định đối với khách hàng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Nay TT 06 bổ sung thêm đối tượng cá nhân cho mảng tiêu dùng thì cũng không quá khó đối với NH về mặt quy trình. TT 06 đã đưa ra thêm lựa chọn cho khách hàng khi tìm kiếm NH vay và hợp thức hóa việc chuyển các khoản nợ tiêu dùng.

Theo ông Tùng, thực tế thời gian qua các cá nhân vay mua nhà, ô tô… đều có thể thực hiện chuyển nợ từ NH này sang NH khác, chẳng hạn vay mượn người thân trả nợ tại NH A, xong qua NH B làm thủ tục vay; hoặc thỏa thuận giữa 2 NH mua bán lại khoản nợ… Đó là trong trường hợp đồng thuận, còn trường hợp NH A không chấp nhận cho khách hàng chuyển nợ sang NH khác, lúc này khách hàng sẽ phải thực hiện một số thủ tục (như xác nhận công nợ, cam kết thế chấp tài sản cho NH B…). Khi TT 06 có hiệu lực thi hành, các NH sẽ phải tìm cách giữ khách hàng, không những mời chào các chương trình khuyến mãi mà ngay cả cách tính lãi suất sau đó cũng sẽ phải xem xét sao cho phù hợp với thị trường.

Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng quy định này khả thi trong thời gian tới và giúp khách hàng vay có thể tiếp cận được tín dụng giá rẻ. Quan điểm của TT 06 khá thông thoáng nên kỳ vọng điều này sẽ giúp môi trường cạnh tranh giữa các NH được rõ ràng, minh bạch hơn. NH quan tâm nhiều hơn đến khách hàng, những cái nào còn bất cập hay lãi suất cao quá thì điều chỉnh cho phù hợp để giữ khách.

Dù vậy, theo ông Thịnh, quy định này có tạo thành xu thế chuyển dịch hay không đối với các khoản vay tiêu dùng trong thời gian tới cũng cần phải quan sát thêm. Bởi hiện nay những NH đưa ra lãi suất cho vay thấp thường kèm theo những điều kiện khá cao như mức độ tín nhiệm khách hàng cao, nguồn thu nhập, tài sản thế chấp… Đối với những NH cho vay lãi suất cao thì ngược lại, họ xét duyệt hồ sơ cũng như điều kiện vay dễ hơn. Chính vì vậy mà nhiều khi khoản vay cũ lãi suất cao muốn chuyển qua NH khác để hưởng lãi thấp hơn cùng không phải dễ. NH nhận lại nợ sẽ còn thẩm định lại hồ sơ vay. Chính vì vậy chuyện chuyển nợ từ NH này sang NH khác cũng không phải dễ.

Tăng trưởng tín dụng sụt giảm

Tính đến ngày 3.8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,44 triệu tỉ đồng, tăng 4,29% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, theo công bố từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6 tăng 4,7%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng của ngành NH đang sụt giảm, đồng thời cũng chỉ tăng chưa bằng một nửa so với năm ngoài, thời điểm các nhà băng hết hạn mức tín dụng, không tăng trưởng cho vay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.