Cà Mau tạo bứt phá trong thu hút đầu tư sau đại dịch

28/04/2020 16:21 GMT+7

Là một trong bốn tỉnh trọng điểm của ĐBSCL, Cà Mau được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển.

Tuy nhiên, hiện Cà Mau đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng hạn hán và dịch Covid-19. Để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch, tỉnh Cà Mau đang nỗ lực tận dụng tiềm năng, tạo môi trường thân thiện để thu hút các nhà đầu tư.
Tháo gỡ nút thắt
Với vị trí là tỉnh địa đầu cực nam Tổ quốc, Cà Mau là điểm đầu của giao thông biển kết nối với các nước Đông Nam Á. Ngoài vùng biển rộng lớn, tỉnh còn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, kinh tế thủy sản, nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, khai thác khí đốt, dầu khí và dịch vụ cảng biển.

Diện tích nuôi tôm toàn tỉnh Cà Mau hiện khoảng 280.000 ha

Ảnh: Phú Hữu

Bên cạnh đó, Cà Mau hiện có trên 4.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang sản xuất, kinh doanh, đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 43.300 tỉ đồng. Theo đánh giá của UBND tỉnh Cà Mau, đa số các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến thủy sản, nuôi trồng xuất khẩu thủy sản, khí - điện - đạm Cà Mau, du lịch… Liên tục trong 5 năm qua, Cà Mau xuất khẩu khoảng 600.000 tấn thủy hải sản mỗi năm tới 40 quốc gia, giá trị đạt 5,6 tỉ USD, vươn lên dẫn đầu về xuất khẩu mặt hàng tôm với kim ngạch bình quân 1,2 tỉ USD/năm.
Tuy nhiên, theo ông Trương Đăng Khoa, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Cà Mau, hiện tỉnh vẫn tồn tại một số hạn chế, như chưa thu hút được các dự án đầu tư lớn; việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh còn chậm; kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, công tác cải cách thủ tục hành chính mặc dù tỉnh rất quan tâm, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế… Bên cạnh đó, Cà Mau cũng là địa phương dễ bị tổn thương bởi tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh, khốc liệt. Đặc biệt, mùa khô năm nay, tình trạng hạn hán kéo dài đã làm hầu hết kênh, rạch vùng ngọt của tỉnh bị khô cạn, gây sụt lún, sạt trượt, làm hư hỏng nhiều công trình giao thông. Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, từ đầu mùa khô đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 1.140 vụ sụt lún làm hư hỏng công trình giao thông với tổng chiều dài hơn 25.000m. Trong đó, có bảy vị trí sụt lún trên những tuyến đường do tỉnh quản lý, hơn 1.100 điểm sụt lún đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 24.700m.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020, nền kinh tế của Cà Mau bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ông Lê Quang Khánh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau (CASES), cho biết: “Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, hiện các đơn hàng bị ảnh hưởng của công ty trên 50%, các đơn hàng bị hủy khoảng 20%. Hiện nay, thị trường châu Âu đang “sốc” nhưng khi ổn định lại thì sẽ trở thành cơ hội cho chúng ta phát triển. Cũng giống như thị trường Trung Quốc hiện nay đang dần ổn định lại, nhưng do thời gian qua giá tôm giảm cục bộ nên bà con bỏ nuôi rất nhiều, khiến việc mua tôm trong dân phục vụ chế biến gặp khó khăn”.

Cà Mau đã vươn lên dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm với bình quân 1,2 tỉ USD/năm

Ảnh: Phú Hữu

Cũng theo ông Khánh, hiện công ty vẫn đang duy trì hoạt động, không nhận thêm lao động mới. CASES cũng đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện; cụ thể hóa nghị định của Chính phủ cũng như của tỉnh.
Riêng Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thì tình hình sản xuất kinh doanh có phần ổn định hơn, với số đơn hàng hủy chỉ 10%. Tổng giám đốc Công ty Minh Phú Cà Mau Lê Văn Điệp cho biết đa phần là kéo giãn hợp đồng ở các thị trường châu Âu và châu Á; hiện kho chứa của công ty cũng đã đầy hàng. Do có đến hơn 6.300 công nhân nên lãnh đạo tập đoàn đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống dịch của Công ty Minh Phú Cà Mau.
Tạo “cú huých” từ cơ chế
Với quyết tâm đưa Cà Mau trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, UBND tỉnh luôn tạo mọi điều kiện và môi trường đầu tư thuận lợi. Ngoài các chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư theo quy định chung, tỉnh đang tích cực thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo UBND tỉnh Cà Mau đánh giá, doanh nghiệp cụm khu khí - điện - đạm hoạt động hiệu quả

Ảnh: Gia Bách

Bên cạnh đó, Cà Mau tập trung đẩy mạnh việc cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, rút ngắn quy trình, thời gian thực hiện thủ tục cấp quyết định đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tỉnh cũng đã thành lập trung tâm giải quyết thủ tục hành chính công, trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định lãnh đạo tỉnh Cà Mau luôn sẵn sàng lắng nghe, giải đáp những vướng mắc, khó khăn mà các doanh nghiệp, doanh nhân đặt ra. Cà Mau luôn đón nhận những ý kiến đóng góp chân thành, những lời tâm huyết của doanh nghiệp, của nhà đầu tư với tinh thần cầu thị, hướng tới tương lai để xây dựng hình ảnh địa phương là điểm đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp. Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý, không có vùng cấm đối với những cá nhân, cơ quan, đơn vị gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp…“Cà Mau sẽ tiếp tục tập trung vào 3 đột phá chiến lược để thu hút đầu tư, là đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính. Mục tiêu tỉnh đặt ra là làm thế nào rút ngắn đến mức thấp nhất thời gian, thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.
Để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu đề ra, thời gian qua Cà Mau đã có một số thay đổi trong cách thức, phương pháp mời gọi đầu tư từ bị động, sang chủ động. Ông Trương Đăng Khoa chia sẻ: “Đối với việc thu hút đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài FDI, Cà Mau chủ động sắp xếp gặp gỡ bên lề các cuộc hội nghị lớn với một số đại sứ các nước tại Việt Nam nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các đại sứ, làm cầu nối để tỉnh kết nối với doanh nghiệp của nước ngoài, trong lĩnh vực họ quan tâm. Nhờ đó, tỉnh cũng đã gầy dựng được nhiều mối quan hệ đối với doanh nghiệp nước ngoài, đây là bước khởi đầu tốt, đặt nền móng cho sự hợp tác phát triển có lợi cho cả hai trong tương lai”.

Cà Mau sẽ sẵn sàng lắng nghe, giải đáp những vướng mắc, khó khăn mà các doanh nghiệp, doanh nhân đặt ra

Ảnh: Huỳnh Lâm

Ông Quách Văn Ấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Trước mắt chúng ta cần triển khai thực hiện khẩn trương các chính sách để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định phát triển; đồng thời triển khai thực hiện nhanh Nghị quyết của Tỉnh ủy liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược”.
Về góc độ quản lý địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã yêu cầu các cấp, các ngành cần chủ động, mạnh mẽ, cụ thể trong thực hiện “mục tiêu kép”. Trong đó: Vừa quyết liệt phòng, chống, khống chế dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân. Qua đó, chủ động xây dựng kế hoạch công tác “hậu chống dịch Covid-19” để đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả công việc, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020.
Với các giải pháp căn cơ trong chiến lược phát triển cùng với những chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tỉnh Cà Mau hy vọng sẽ tạo ra trợ lực đủ lớn để các nhà đầu tư tin tưởng, tìm đến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.