Cà Mau: “Phản pháo” Kiểm toán Nhà nước khu vực 5 kết luận về đê biển Tây

Gia Bách
Gia Bách
15/09/2020 20:44 GMT+7

UBND tỉnh Cà Mau có công văn hỏa tốc, gửi Kiểm toán Nhà nước khu vực V, đề nghị dùng từ ngữ tránh hiểu lầm trong kết luận kiểm toán đê biển Tây về số tiền 278 tỉ đồng.

Ngày 15.9, UBND tỉnh Cà Mau phát công văn hỏa tốc, gửi Kiểm toán Nhà nước khu vực 5 (KTNN KV 5), "phản pháo" một số vấn đề mà KTNN KV 5 kết luận  kiểm toán về hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng vốn đầu tư dự án đầu xây dựng nâng cấp đê biển Tây tại Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh này. 

Đề nghị KTNN KV 5 sửa cách dùng từ, ghi chú để tránh hiểu nhầm

Công văn do ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký. Theo đó có 3 điểm mà UBND tỉnh này chưa đồng thuận với kết luận của KTNN KV 5.
Tỉnh Cà Mau cho rằng về kết luận "ngoại trừ 278 tỉ đồng" là chưa rõ ràng, gây hiểu nhầm cho dư luận. Từ đó Cà Mau đề nghị KTNN KV 5 sửa cách dùng từ, ghi chú cụ thể để tránh hiểu nhầm, gây bức xúc trong dư luận.
Theo tỉnh Cà Mau, số tiền 278 tỉ đồng là tổng giá trị các gói thầu KTNN có ý ngoại trừ đề nghị UBND tỉnh Cà Mau kiểm tra dấu hiệu sai phạm, chứ không phải là tiền sai phạm. Từ các căn cứ trên, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị KTNN KV 5 xem xét lại cho thấu tình đạt lý, đúng luật, rõ ràng hơn.
Tỉnh Cà Mau cũng lý giải về phần kết luận tỉnh này để lãng phí 25 tỉ đồng trong quá trình thực hiện dự án nâng cấp đê biển Tây. Cà Mau cho rằng năm 2010, tỉnh phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp đê biển Tây và tiến hành ngay hoạt động đo vẽ bản đồ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn.
Đến 2011, do thấy có phương án tốt hơn nên tỉnh đã điều chỉnh dự án. Việc điều chỉnh đã giảm diện tích giải phóng mặt bằng 112 ha, kéo theo giảm được chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 110 tỉ đồng và nhiều tiết kiệm khác rất lớn như chi phí xây dựng.
Trong số 25 tỉ đồng, có 19,78 tỉ đồng là tiền rà phá bom mìn và được sử dụng cho các dự án khác nên không thể xem là lãng phí. Chỉ có 5,62 tỉ đồng tiền rà phá bom mìn, đo vẽ là không được sử dụng.
Còn về kết luận Cà Mau vi phạm điều cấm của luật Đê điều, Cà Mau giải thích: Khoản 10 Điều 7 luật Đê điều mà Kiểm toán dẫn chiếu là áp dụng đối với các đối tượng không liên quan đến xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều mà phải áp dụng Điều 25 của luật Đê điều.
Theo Điều 25 luật Đê điều thì UBND tỉnh có thẩm quyền cấp phép cho khai thác đất đá, sỏi, khoáng sản khác ở lòng sông, nạo vét luồng lạch trong phạm vi đê điều.

Đê biển ngàn tỉ xảy ra nhiều vụ sụt lún

Đê biển Tây Cà Mau dài khoảng 108 km nằm trên địa phận các H.Trần Văn Thời, H.Phú Tân và H.U Minh. Ngoài vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, tuyến đê này còn có nhiệm vụ ngăn mặn để bảo vệ hơn 26.000 hộ dân với gần 129.000ha đất sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, đặc biệt khu vực rừng tràm U Minh Hạ. Nhưng thời gian gần đây, tuyến đê biển Tây Cà Mau liên tục xảy ra sụt lún dù trong quá trình củng cố, nâng cấp với vốn đầu tư gần 1.700 tỉ đồng.
Cụ thể như hồi tháng 2.2020, tại khu vực ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời, tuyến đê biển Tây bị sụt lún 180 m. Trong đó, đoạn sụt lún nghiêm trọng dài khoảng 100 m, sụt sâu gần 2 m so hiện trạng.
Ngày 19.3.2020, tuyến đê biển Tây đoạn đi qua Kênh Mới hướng về Đá Bạc (cách cống Kênh Mới khoảng 800 m - PV) đi qua địa bàn xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời có hiện tượng sụt lún về phía biển với chiều dài khoảng 30 m, chiều sâu 8-10 cm.
Đầu tháng 5.2020, đê biển Tây đi qua địa bàn xã Khánh Tiến, H.U Minh bị sụt lún mặt đê với chiều dài 1.670 m. Trước đó, vào tháng 8.2017, tại xã Khánh Tiến, H.U Minh, 130 m đường trên đê mới làm xong đã sụt lún, nơi sâu nhất gần 2 m.
Những kết luận ban đầu của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau về nguyên nhân sụt lún đường trên đê biển Tây Cà Mau là do hạn hán, biến đổi khí hậu.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có quyết định ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây trên địa bàn H.U Minh và H.Trần Văn Thời.
Như Báo Thanh Niên đã thông tin (qua bài Dự án xây dựng nâng cấp đê biển Tây: Nhiều sai sót nghiêm trọng, đăng ngày 5.9.2020), KTNN KV 5 đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện dự án xây dựng nâng cấp đê biển Tây đi qua tỉnh Cà Mau với số tiền sai phạm phải thu hồi nộp ngân sách, giảm thanh toán và giảm giá trị hợp đồng lên đến gần 96 tỉ đồng. Trong đó hơn 90 tỉ đồng sai phạm do dự toán được duyệt sai dẫn đến thanh toán sai; thanh toán sai so với khối lượng thi công thực tế khoảng 5,4 tỉ đồng. 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.