Cà Mau: Giao đất làm dự án du lịch nhưng chỉ nuôi tôm

Gia Bách
Gia Bách
02/02/2023 20:39 GMT+7

UBND tỉnh Cà Mau giao đất cho 1 doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư du lịch sinh thái kết hợp gây nuôi động vật hoang dã nhưng 11 năm qua chủ đầu tư chỉ nuôi tôm.

Tháng 11.2012, Công ty TNHH Trường Khánh (Công ty Trường Khánh) được UBND tỉnh Cà Mau giao thực hiện dự án đầu tư du lịch sinh thái kết hợp gây nuôi động vật hoang dã tại sân chim Đầm Dơi. Dự án có quy mô hơn 128 ha, tổng vốn đầu tư trên 90 tỉ đồng.

Cà Mau: doanh nghiệp được giao đất làm du lịch nhưng chủ đầu tư chỉ nuôi tôm   - Ảnh 1.

Theo chính quyền địa phương, sau khi nhận đất, chủ đầu xây dựng cống để nuôi tôm

G.B

Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng sau hơn 10 năm chỉ có nuôi tôm

Theo đó, mục tiêu của dự án là khai thác có hiệu quả môi trường rừng tại sân chim Đầm Dơi để phát triển du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước; quản lý và bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, bảo vệ tốt các loài động vật hoang dã hiện hữu...

Nhưng theo ghi nhận của PV Thanh Niên vào ngày 31.1, hiện gần như toàn bộ chu vi của sân chim được đào, lên bờ bao. Ngoài ra, chủ đầu tư đào một số kênh mương, làm 2 cống, 1 căn nhà lá tạm...

Ông L.V.T (65 tuổi), một người được thuê để giữ sân chim Đầm Dơi, nói: "Đây là khu sinh thái chứ thật ra không có gì hết, việc nuôi tôm trong khu vực này cũng không mang hiệu quả, do cây rừng nhiều".

Trong khi đó, ông Trương Quốc Quý (63 tuổi, nhà ở đối diện sân chim Đầm Dơi), cho biết:"Bà con địa phương đã rất phấn khởi khi hay có dự án du lịch, bởi ai cũng mong muốn quê hương có nơi phát triển du lịch sinh thái. Nhưng bà con chờ hơn 10 năm nay, không có khu du lịch nào được hình thành. Sân chim lớn như vậy mà chỉ để nuôi tôm thì quá uổng phí".

Cà Mau: doanh nghiệp được giao đất làm du lịch nhưng chủ đầu tư chỉ nuôi tôm   - Ảnh 2.

Một góc sân chim Đầm Dơi

G.B

Tỉnh thu hồi dự án, doanh nghiệp kiện ra tòa

Tháng 10.2015, Sở KH-ĐT Cà Mau ban hành quyết định (số 413) chấm dứt hoạt động dự án sân chim. Sau đó, với lý do "không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đầu tư", đơn vị này tiếp tục ban hành quyết định (số 458) thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và thông báo về việc chấm dứt hoạt động dự án của Công ty Trường Khánh.

Đến ngày 18.7.2016, ông Nguyễn Trường Khánh, là người đại diện theo pháp luật của công ty, khởi kiện ra tòa án.

Tại bản án sơ thẩm ngày 9.1.2017, HĐXX nhận định, việc Phó giám đốc thay Giám đốc Sở KH-ĐT ký ban hành quyết định (số 413) chấm dứt hoạt động đầu tư đối với Công ty Trường Khánh là sai thẩm quyền.

HĐXX cũng nhận thấy, việc chậm triển khai là có nguyên nhân khách quan của cơ quan nhà nước. Ngoài ra, việc chấm dứt hoạt động đầu tư đối với công ty áp dụng luật chưa đúng và cũng chưa quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại giấy chứng nhận đầu tư…

Do đó, HĐXX cấp sơ thẩm hủy các quyết định số 413, 458 và khôi phục tình trạng pháp lý ban đầu cho Công ty Trường Khánh được tiếp tục hoạt động đầu tư dự án.

Không chấp nhận bản án này, Sở KH-ĐT Cà Mau kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm, TAND cấp cao TP.HCM quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại. Sau đó, TAND tỉnh Cà Mau tuyên ông Khánh thua kiện.

Đến tháng 4.2021, UBND tỉnh Cà Mau ban hành quyết định số 799 thu hồi 1.273.443,7 m2 đất lâm nghiệp và thu hồi rừng với diện tích 1.248.600 m2 (rừng tự nhiên, rừng trồng) thuộc quyền quản lý của Công ty Trường Khánh.

Không đồng tình với quyết định số 799 của UBND tỉnh Cà Mau, Công ty Trường Khánh khởi kiện yêu cầu hủy quyết định số 799 với lý do "chưa bồi thường chi phí đầu tư và giá trị tài sản gắn liền trên đất thu hồi". Cả 2 phiên toàn sơ thẩm và phúc thẩm, HĐXX tuyên bác đơn khởi kiện của công ty này.

Cử tri bức xúc vì dự án du lịch nhưng chỉ nuôi tôm thu lợi

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri ở địa phương, bà con cử tri rất bức xúc việc chủ đầu tư không thực hiện đúng dự án mà chỉ nuôi tôm thu lợi. Cử tri yêu cầu sớm có biện pháp thu hồi dự án, giao cho nhà đầu tư có năng lực thực hiện, tránh hoang phí dự án.

Ngày 2.2, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Như Vàng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân, cho biết: "Sau khi được giao đất, từ năm 2012 đến giờ, chủ đầu tư cơ bản đưa xáng vô đào kênh, bao dí, rồi làm 2 cống để làm vuông, nuôi tôm tới giờ".

Ông Nguyễn Phương Bình, Phó chủ tịch UBND H.Đầm Dơi, xác nhận: "Sau khi bản án có hiệu lực, cuối năm 2022, UBND tỉnh chỉ đạo huyện tổ chức thu hồi đất theo quy định Luật Đất đai. Hiện nay, UBND huyện đang xây dựng phương án thu hồi và sẽ cưỡng chế vì mấy lần tuyên truyền Công ty Trường Khánh không thực hiện".

Cùng ngày, ông Nguyễn Trường Khánh cho biết bản thân ông mong muốn được tiếp tục thực hiện dự án: "Tôi cũng là một người con H.Đầm Dơi, tôi mong muốn làm một khu du lịch sinh thái ở quê hương mình. Tôi sẽ tiếp tục củng cố hồ sơ để yêu cầu tòa cấp cao hơn xử lại vụ án".

Cũng theo ông Khánh, cơ quan chuyên môn cho rằng công ty thực hiện chậm tiến độ, nhưng quá trình thực hiện dự án đã xảy ra nhiều trở ngại. Như sân chim là khu vực rừng đặc dụng, chỉ được tác động không quá 15% tổng diện tích để thực hiện từng hạng mục. Trong khi đó, khi muốn làm hạng mục nào thì phải qua nhiều bước, mất nhiều thời gian.

Lý giải việc dự án chỉ có nuôi tôm, ông Khánh cho rằng: "Trong dự án cho phép tôi nuôi trồng, tôi thuê mặt nước, thuê rừng mà. Tôi phải tận dụng diện tích nuôi tôm để đảm bảo nguồn đóng lãi cho ngân hàng. Có như vậy, tôi mới dám đầu tư dự án".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.