Cà Mau: Dừng phương án đưa nước mặn vào vùng ngọt cứu công trình

Gia Bách
Gia Bách
26/02/2020 15:05 GMT+7

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh đã không đồng ý phương án đề xuất 'đưa nước mặn vào vùng ngọt để hạn chế tình trạng sụt lún'.

Ngày 26.2, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Bí thư Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau không đồng ý phương án đưa nước mặn vào vùng ngọt để hạn chế sụt lún. 

Nói không với đề xuất "đưa nước mặn vào vùng ngọt để cứu công trình"

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết sau khi trực tiếp báo cáo về đề xuất “tạm thời đưa một lượng nước mặn nhất định” để hạn chế tình trạng sạt sụt lún vùng ngọt hóa và đê biển Tây, Bí thư và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau không đồng ý phương án này.

Trước đó, Cà Mau đề xuất phương án đưa nước mặn vào vùng ngọt cứu công trình vì qua theo dõi thực tế hệ thống kênh trong ô thủy lợi xã Khánh Hải (nằm trong vùng ngọt hóa), khi cống Trùm Thuật bị rò rỉ đáy, nước mặn tràn vào, thì hiện tượng sụp lún, sạt lở không xảy ra như các khu vực khác.

Đoàn công tác cũng đi khảo sát sụt lún ở tuyến đường đê biển Tây

Ảnh: Gia Bách

Chủ tịch tỉnh Cà Mau tiếp tục “đặt hàng” với các chuyên gia, cơ quan chuyên môn của Bộ NN- PTNT hỗ trợ tỉnh Cà Mau đưa ra các giải pháp để xử lý tình trạng cấp bách sụt lún để biển Tây và vùng ngọt hóa.

Theo các cơ quan chuyên môn Bộ NN-PTNT, trước hết cần khoan thăm dò địa chất, cơ quan có thẩm quyền kết luận nguyên nhân dẫn đến sự cố sụt lún đê biển Tây, khi đó mới đưa ra giải pháp chuẩn xác.

Không để người dân thiếu nước sinh hoạt

Tính đến giữa tháng 2 vừa qua, hơn 41.000ha lúa của Cà Mau được đánh giá là thiệt hại và có nguy cơ bị thiệt hại. Trong đó, khoảng 18.000 ha lúa đã bị thiệt hại. Địa phương này cũng đang có hơn 20.500 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.

Phát biểu trong buổi làm việc ngày 26.2, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đề nghị tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm vấn đề nước ngọt phục vụ người dân trong mùa hạn hán, trong bất cứ trường hợp nào cũng không để người dân thiếu nước.

“Tái cơ cấu cũng hết sức quan trọng. Vùng trữ ngọt của Cà Mau phổ biến đang canh tác 2 vụ lúa một vụ màu. Kể cả màu cũng phải dùng nước, còn vụ lúa trong mùa khô phải bơm toàn bộ lượng nước trong kênh mương lên. Đáng ra, đó là lượng nước để dự trữ. Nếu chúng ta không dùng cho sản xuất, sẽ có nước ngọt đảm bảo đời sống sinh hoạt. Cà Mau có thể phải giãn vụ hoặc chuyển đổi qua cây trồng khác”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định.

Tính đến thời điểm hiện tại, Cà Mau đã có 907 vị trí sụt lún với tổng chiều dài hơn 21.600 m, tập trung gần như hoàn toàn ở huyện Trần Văn Thời với 905 vị trí, chiều dài 21.300 m. Đáng báo động là 2 vụ sụt lún tuyến đê biển Tây với chiều dài gần 200 m thuộc địa bàn xã Khánh Bình Tây (H.Trần Văn Thời), với nhiều vị trí lún sâu khoảng 2 m, giao thông bị chia cắt hoàn toàn, nguy cơ nước mặn xâm nhập vùng ngọt hóa.
Tại vị trí sụt lún trên tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (thuộc ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây), ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học - Địa chất - Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN-MT), nhận định nguyên nhân có thể do mực nước ở dưới kênh dẫn bị hạ thấp quá nhiều so với hằng năm và việc sạt lở đường chỉ xảy ra ở từng đoạn, cho thấy phía sau đường chắc chắn sẽ có một cái ao hoặc hồ nước, dẫn đến sự chênh lệch mực nước giữa trong và ngoài gây ra sạt lở, còn về mặt kỹ thuật làm đường đều ổn định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.