Cá lụt không rủ cũng đã về

03/11/2020 20:34 GMT+7

Cá nước lụt con nào con nấy căng tròn mới nhìn đã biết thịt nhiều, mang về đến nhà còn bơi nhảy đành đạch, béo óng ánh. Lẫn bên trong mớ cá rô, suốt, ngạnh... là mấy con tôm, tép tươi rói cong mình búng nhảy.

Mấy hôm rồi, Hội An (Quảng Nam) quê tôi liên tục phải đón những cơn bão và áp thấp nhiệt đới khiến mưa dầm dề, cánh đồng và con sông trước nhà ngập trắng nước lụt. Cánh giăng câu không chuyên trong xóm nhấp nhổm đứng ngồi không yên, trông ngừng mưa, nước yên để bắt cá. Thường những ngày này, nước lên nhanh, cô lập quanh xóm làng, thanh niên không đi làm được nên rục rịch rủ nhau hạ ghe, sửa lại lưới cá đã rách vài chỗ vì dùng qua bao mùa lũ, rồi làm thêm vài chiếc vó bằng tấm mùng cũ cùng mấy cái vợt lưới để ra đồng bắt cá.
Những hôm đi lưới hay cất vó trúng đậm, chợ ven sông xuất hiện đủ loại cá lụt, nhiều kích cỡ, lớn nhỏ trộn lẫn vào nhau. Cá lụt là cá từ nước lụt, vì nhiều loại khác nhau từ mương, từ đồng nên được gọi chung như vậy. Người ta đong nhau từng chén cá chứ không cân ký như cá biển, càng không trả giá bởi chỉ mười ngàn đã được một ơ cá đầy. Người mua kẻ bán chủ yếu chia nhau chút lộc thiên nhiên ban tặng trong mùa mưa lụt đầy khó khăn này.
Cá nước lụt con nào con nấy căng tròn mới nhìn đã biết thịt nhiều, mang về đến nhà còn bơi nhảy đành đạch, béo óng ánh. Lẫn bên trong mớ cá rô, suốt, ngạnh... là mấy con tôm, tép tươi rói cong mình búng nhảy. Công đoạn làm cá khá rộn ràng bởi được huy động hết lực lượng trong nhà phụ cắt đầu, nặn bỏ ruột, rửa sạch, để ráo nước đợi lên món. Cá lụt có nhiều kích cỡ khác nhau và rất dễ chế biến. Tính sơ qua đã có cả chục món ngon được chế biến từ loài cá này như chiên dầu, kho tiêu, kho nghệ, kho với đọt măng, kho với lá gừng non, kho với rau chuối cây... hay xay chung với thịt ba chỉ để làm chả cá viên.
Trong số các món kể trên, tôi vẫn thích món cá lụt kho nghệ, nấu canh khế hơn hết. Bởi lẽ “nhất cử lưỡng tiện”, nghệ vốn sẵn trong vườn nhà chỉ cần ra nhổ vài bụi vừa có củ, vừa có lá. Đặc biệt cá nước lụt khi kết hợp với loại dược liệu này, hương vị như được thăng hoa thêm, thơm đượm, màu sắc thêm phần bắt mắt, tính dược liệu của món ăn cũng được phát huy thêm.
Cá đã ráo nước ướp cùng đường, muối, ớt, nghệ tươi, tiêu chừng mươi lăm phút. Không quá khi nói rằng, lá nghệ là “linh hồn” trong món này. Lót dưới đáy nồi một lớp dày lá nghệ rồi xếp cá lên trên. Đun cho mẻ cá sôi bùng rồi hạ lửa thật nhỏ, khi gia vị thấm đổ thêm một ít nước vào kho tiếp, xốc nhẹ mẻ cá đôi ba lần. Nước cá sền sệt, thịt cá mềm ăn cả xương là được.
Cũng mớ cá ấy, sau 2/3 kho lá nghệ, phần còn lại đem nấu canh khế chua. Lúc chờ cá thấm tiêu hành nước mắm, chân vội lui sau vườn hái vài ba trái khế, nhúm rau răm. Khế cắt lát mỏng, rau răm rửa sạch, vò nhẹ. Nấu sôi nước, cho khế và cá đã ướp vào, nêm thêm gia vị cho vừa ăn. Rắc rau răm lên trên khi cá canh chín tới và tắt lửa nhấc xuống.
Canh cá lụt nấu khế hay kho lá nghệ để dùng khi nóng mới ngon. Tô canh còn bốc khói, đĩa cá kho bình dân mà đủ sắc, đủ hương nghi ngút, từng vá canh, từng chú cá kho đậm đà cứ thế “hô biến” cùng nồi cơm nóng khi nào chẳng biết. Những câu chuyện, buồn có, vui có của ngày lụt hòa cùng những tiếng cười ấm áp chứa bao ân tình trong mâm cơm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.