Cả làng vác cuốc ra đồng đào một loại sâu đất về làm món ăn

14/12/2020 21:10 GMT+7

Khi những cánh đồng mì ven sông Phước Giang (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) vừa thu hoạch xong, cũng là lúc người dân mưu sinh bằng nghề săn sùng đất (con lậy) bắt tay vào việc.

Tờ mờ sáng giờ sáng, trên bãi ven sông nơi đám mì vừa thu hoạch xong, đã có hàng chục người chia nhau từng góc dùng cuốc hì hục đào liên tục. Chẳng mấy chốc, một người đàn ông cúi xuống, nhặt lên vài con sùng đất, chúng có màu trắng ngà, 6 chân, to bằng ngón tay người lớn. “Sùng đất đấy, nhìn nó xấu xí vậy thôi chứ làm mồi nhậu thì ngon hết ý”, ông Lê Anh Đá (76 tuổi, ở xã Hành Tín Đông) nói.
Ông giải thích thêm, chúng là loại ấu trùng của bọ rầy (loài sâu bọ phá hoại mùa màng), khi bọ rầy đẻ trứng trong đất một thời gian sau trứng nở ra ấu trùng ăn hết củ mì, cỏ, rồi phát triển thành nhộng. Hết vòng đời, nhộng sẽ thành bọ rầy chui lên mặt đất.
Những người đào sùng đất lâu năm cho biết, gốc cây mì hư hại, đen rễ thì sẽ có nhiều sùng đất. Hàng năm nếu được mùa mì thì sùng đất ít, mất mùa thì sùng đất nhiều. Chính vì thế, để nhận diện những nơi nhiều sùng đất, người đi đào thường để ý những đám mì có nhiều gốc đen, củ mì bị đục lỗ. Loại ấu trùng này cắn rễ, gây chết cây mì hàng loạt, là loại phá hoại cây trồng. Do vậy, việc đi bắt sùng đất cũng chính là tiêu diệt được một ít sâu bọ gây hại mùa màng cho bà con nông dân.
Người đi đào sùng đất chỉ cần cuốc xẻng, xô đựng, bao tay để “hành nghề”. Sùng đất nằm trong lòng đất cách bề mặt vài chục xăng ti mét, cứ bới đất theo luống mì đã thu hoạch là bắt gặp. Vì loài sùng chỉ ở những nơi đất mềm, tơi xốp nên khi đào sùng cũng không quá mất sức. Kinh nghiệm đào là nhát cuốc phải vừa tay để sùng đất không bị đứt hay sứt mẻ, bán mới có giá. Nhiều người kỳ công hơn, phủ lớp cát lên xô để trữ sùng đất.
Sùng đất ở bãi bồi ven sông huyện Nghĩa Hành từ lâu đã trở thành đặc sản của người dân nơi đây. Vài năm gần đây các nhà hàng, quán nhậu ở TP.Quảng Ngãi đã thu mua với giá cao để chế biến món ăn, phục vụ nhu cầu của khách hàng. Sùng đất có rất nhiều sữa và chất béo nên có thể dùng để chế biến thành nhiều món ăn.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh (67 tuổi, ở xã Hành Tín Đông) cho biết: “Có vô vàn món ngon được chế biến từ sùng đất như luộc, rang hay băm nhỏ đúc bánh xèo…, nhưng để giữ được mùi thơm, vị béo ngậy của sùng thì nướng muối ớt là tốt nhất”. Ngoài ra bà Anh còn cho biết thêm, món sùng đất chiên giòn cuốn lá lốt là món khoái khẩu của những người thích nhậu. Nhiều người con khen sùng đất chính là loại “hải sâm trên cạn”.

Những chú sùng đất béo ngậy

ẢNH: THANH QUÂN

Ở Hành Tín Đông chỉ cần trời bắt đầu vào mùa mưa là cả làng đổ xô đi đào sùng đất. Giá sùng đất năm nay cao, lên đến 250.000 đồng/kg, khiến người đi săn sùng đất dày đặc khắp bãi bồi. Thời điểm khan hiếm, loại đặc sản này có thể ở mức gần 300.000 đồng/kg. Bà Anh cho biết, nếu đào trúng những đám mì có nhiều sùng đất thì mỗi ngày một người được từ 2 - 4 kg, có hôm nhiều người được hơn 5 kg. Năm nào bà cũng kiếm được vài triệu đồng từ bán sùng đất.
Hiện nay các chủ quán ăn đang ráo riết tìm mua sùng khắp nơi chính vì thế cứ đến mùa có rất nhiều người dân vác cuốc đi đào sùng. Một số xã lân cận như Hành Tín Tây, Hành Thiện… người dân cũng đi đào sùng rất nhiều. Tuy nhiên số lượng sùng đất vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thu mua ngày càng tăng của các quán ăn. Chính vì vậy gần đây giá sùng đất đang được đẩy lên rất cao.
Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Phó chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, cho biết: “Hàng năm cứ đến mùa sùng đất là có hơn 200 hộ dân trong xã đi đào. Giá sùng hiện tại cũng tăng rất cao so với các năm trước, nhiều nhà hàng ở TP.Quảng Ngãi lên tận đây để tìm mua nhưng vẫn không mua được.”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.