Nghẹn lòng nghe bác sĩ kể chuyện theo dõi F0 tại nhà

08/09/2021 07:00 GMT+7

Chưa ngày nào được trọn bữa ăn, tối ôm điện thoại ngồi ngủ vì sợ nhỡ cuộc gọi từ F0, một tuần có người sụt đến 3kg… là những gì mà các bác sĩ trong đội hình theo dõi F0 điều trị tại nhà đã phải trải qua.

Tôi đã nghẹn lòng khi nghe được câu chuyện bác sĩ cũng phải mời chuyên gia tâm lý để giải tỏa những căng thẳng và vấn đề tâm lý cho chính đội ngũ y bác sĩ trong suốt quá trình theo dõi và điều trị F0 tại nhà.
“Đa phần bác sĩ khi tham gia vào nhiệm vụ này, khoảng thời gian đầu ai cũng bị stress, có người sụt đến 3kg chỉ trong 1 tuần đầu nhận nhiệm vụ. Vì công việc này là làm bất kể ngày đêm, khi bệnh nhân bị nặng là họ hoảng loạn và gọi cho mình bất cứ lúc nào. Nghe điện thoại nhiều quá mà ám ảnh luôn tiếng chuông báo điện thoại, nhưng chưa lúc nào chúng tôi dám rời khỏi điện thoại vì sợ nhỡ cuộc gọi của bệnh nhân F0. Tối đến, nửa đêm nghe cuộc gọi cầu cứu của F0 này xong, chưa kịp chợp mắt thì điện thoại lại reo, thế là nghe xong và ôm luôn điện thoại ngồi ngủ luôn”, tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tuyết Hạnh (Bộ môn mô phôi - giải phẫu bệnh Trường ĐH Y Dược TP.HCM), chia sẻ.

Muôn kiểu... F0

Bác sĩ Tuyết Hạnh là một trong nhiều bác sĩ đã nhận công việc theo dõi F0 điều trị tại nhà do Khoa Y Trường ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức được gần 2 tháng nay. Mỗi nhóm gồm các bác sĩ và sinh viên y sẽ đảm nhận một phường, và mỗi ngày họ sẽ nhận danh sách F0 từ phường gửi về, sau đó liên lạc với từng bệnh nhân để cập nhật tình hình sức khỏe, các triệu chứng…và gọi điện, theo sát mỗi ngày để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho F0 điều trị tại nhà cho đến khi bệnh nhân âm tính và khỏe mạnh trở lại bình thường.

Gần 2 tháng nay, cứ đến tối là bác sĩ Hạnh ôm máy tính, điện thoại ra phòng khách suốt cả đêm, nhiều khi ôm luôn điện thoại ngồi ngủ vì sợ nhỡ điện thoại của em F0

Mặc dù bỏ ra nhiều thời gian và công sức để hằng ngày, hằng giờ hỗ trợ chăm sóc, theo dõi miễn phí, nhưng bác sĩ Hạnh cho biết cũng có muôn kiểu F0. Có những người rất dễ thương và hợp tác rất tốt với đội ngũ bác sĩ, nhưng cũng có những F0 đã từ chối ngay từ đầu khi nhận được cuộc gọi của bác sĩ và mọi người phải giải thích, thậm chí thuyết phục để bệnh nhân đồng ý nhận sự theo dõi và hỗ trợ điều trị.
“Lúc đầu thì bệnh nhân rất sợ khi mà mình gọi điện cho họ, vì họ sợ bị bắt đi cách ly tập trung, hoặc là sợ bị người khác biết mình dương tính rồi xa lánh, kỳ thị. Thế nên mình gọi tới là họ từ chối ngay và khăng khăng bảo với mình là “tôi không có bệnh gì hết”, mà trong khi họ là F0 đã có kết quả dương tính từ phường đưa qua cho mình. Những lúc đó phải giải thích cho họ biết mình là đội ngũ y tế, chỉ muốn hỗ trợ gia đình về vấn đề chăm sóc sức khỏe và điều trị tại nhà. Rồi cũng có những bệnh nhân, những ngày đầu mới nhiễm chưa có triệu chứng gì nên cho rằng mình không cần bác sĩ, nhưng đến khi trở nặng là gọi mình bất kể ngày đêm…”, bác sĩ Hạnh kể về những tình huống dở khóc, dở cười.
Bác sĩ Hạnh cho biết khi xác định làm công việc này là không còn biết ngày đêm là gì nữa. Khi mà bệnh nhân bị nặng thì họ hoảng loạn và gọi bác sĩ bất kể ngày đêm. Và vì ở nhà, để chuông điện thoại thì ảnh hưởng đến giấc ngủ cả nhà mà để im lặng thì sợ nhỡ cuộc gọi từ bệnh nhân, nên bác sĩ Hạnh kể gần 2 tháng qua phải ra phòng khách ngồi một mình cả đêm để xử lý công việc, rồi để sẵn cái gối trên ghế, lúc không có bệnh nhân gọi thì ôm điện thoại ngồi ngủ.

Những trường hợp bệnh nhân nặng là theo dõi sát từng giờ, từng phút

“Khi chưa quen thì xử lý cũng mệt lắm vì có nhiều tình huống bất ngờ. Tuỳ theo phường, nếu quản lý bệnh nhân mà ở phường vừa nghèo, vừa nhiều người lớn tuổi thì số ca trở nặng rất nhiều. Có một bác sĩ trong đội, một đêm địa bàn bạn đó phụ trách có 12 ca trở nặng và coi như nguyên đêm đó là trắng đêm luôn vì không ngủ được. Cứ ngủ chập chờn là bệnh nhân gọi, vì bệnh này thường trở nặng về đêm. Mình dễ ngủ nên có thể ngủ được mọi tư thế, ngồi ôm điện thoại ngủ cũng được, nhưng có những bác sĩ khó ngủ thì coi như nửa đêm bệnh nhân gọi là không thể nào ngủ lại được. Chính vì thế, nên đa phần các bác sĩ đều bị stress và phải mời bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý về để giải quyết vấn đề tâm lý cho chính đội ngũ bác sĩ trong đội hình”, bác sĩ Hạnh kể.
Rồi bác sĩ Hạnh hài hước chia sẻ thêm: “Vì thiếu ngủ nên gần 2 tháng qua mình sụt 4kg, nhưng có chị bác sĩ kia, nhận nhiệm vụ về Q. Bình Tân và phụ trách một phường ở đó mới một tuần mà sụt 3kg. Nên tụi mình hay chọc nhau là giờ ai về làm trưởng phường (trưởng đội theo dõi F0 điều trị tại nhà của một phường) thì coi như là khỏi đi tập thể dục”.

Lao đao với những bệnh nhân tự ý uống thuốc rồi trở nặng

Cũng theo bác sĩ Hạnh, đa phần bệnh nhân khi nhiễm bệnh và đặc biệt trở nặng thì đều hoảng lên và đi kèm với đó là gọi điện cầu cứu bác sĩ bất kể ngày đêm.
“Nhưng trở nặng cũng có 2 trường hợp, có trường hợp trở nặng thật, nhưng cũng có những trường hợp do bệnh nhân quá lo sợ, cứ nghĩ là mình trở nặng. Rồi gọi cho mình cầu cứu: “bác sĩ ơi, bác sĩ cứu con với, con không thể nào thở được nữa”. Những lúc đó mình phải gọi video call để đánh giá xem bệnh nhân khó thở thật hay do quá lo lắng. Nếu như ở nhà bệnh nhân không có máy đo Spo2 thì mình bảo bệnh nhân đếm, đếm từ 1-10 mà đếm được tức là ca đó không có nặng. Nhất là những trường hợp phụ nữ, họ lo lắng nhiều lắm, nên cứ tưởng là bị nặng nhưng thật ra là không phải”, bác sĩ Hạnh kể.

Ngoài việc tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thì bác sĩ Hạnh cho biết một điều rất quan trọng là luôn trấn an và động viên tinh thần của bệnh nhân mỗi ngày

Trong quá trình theo dõi F0 tại nhà, điều gây cản trở và khó khăn nhất cho các bác sĩ là có những trường hợp bệnh nhân từ đầu vì quá hoảng sợ mà tự ý dùng thuốc lung tung: “Không biết một số bác sĩ “lang băm” nào đó in sẵn toa thuốc rồi bán cho bệnh nhân, bệnh nhân thủ sẵn toa thuốc tào lao đó, đến khi mới bị nhiễm là đã uống vô tội vạ. Nên khi mình tiếp nhận những ca đó thì họ đã uống từa lưa thuốc rồi, cuối cùng khi họ thật sự cần uống thuốc đó thì nó lại phản tác dụng và bệnh trở nặng. Có những ca qua đến ngày thứ mười mấy rồi mà vẫn còn nặng và phải theo dõi sát là do họ tự ý uống theo những đơn thuốc tào lao này. Nếu ai mà tuân thủ tốt, tin tưởng bác sĩ là họ điều trị tốt và rất nhanh hết. Còn ngược lại thì tốn rất nhiều thời gian và còn bị trở nặng nên điều trị khá vất vả”.

Vui cùng niềm vui và đau với nỗi đau của bệnh nhân

Dù công việc làm có vất vả và nhiều căng thẳng nhưng niềm hạnh phúc của các bác sĩ nhận nhiệm vụ này là mỗi khi chia tay mỗi gia đình, bệnh nhân khi họ đã âm tính và khoẻ mạnh trở lại.
“Có trường hợp bạn đó còn trẻ nhưng bị béo phì, và lại uống toa thuốc tào lao nào đó. Uống đâu được 5 ngày, đến ngày mình tiếp nhận thì bệnh nhân trở nặng, phải điều trị rất vất vả và dùng thuốc liều cao nhất, cuối cùng đến hôm nay sau 14 ngày thì đã khoẻ lại, không còn phải thở ôxy. Hay có trường hợp của cặp vợ chồng này cũng còn rất trẻ, vợ đang có thai, chồng thì bị suyễn, từ đầu mình kê đơn thuốc nhưng lại chủ quan không uống vì nghĩ bản thân còn khỏe. Đến khi bệnh trở nặng, bạn này đã khóc cầu cứu, mình cũng phải bằng mọi cách và cuối cùng cũng cứu được cả 2 vợ chồng qua khỏi…Rất nhiều những bệnh nhân trở nặng nhưng rồi cũng qua khỏi, đó là niềm vui và động lực rất lớn cho tụi mình”, bác sĩ Hạnh bày tỏ.

Vô vàn những lời cảm ơn ấm lòng từ bệnh nhân và người nhà khi đã khỏi bệnh là động lực rất lớn để đội ngũ các y bác sĩ trong đội hình luôn cố gắng hết mình mỗi ngày

Sau mỗi lần chia tay một gia đình bệnh nhân nào đó khi họ khỏi bệnh hoàn toàn để chuyển qua những bệnh nhân F0 mới, thì những bịn rịn, lưu luyến kèm theo những lời cảm ơn tận đáy lòng của bệnh nhân, dù là những điều rất giản đơn, nhưng các bác sĩ thật sự thấy ấm áp và có thêm động lực. Cứ như vậy, mỗi sáng mai thức dậy bao nhiêu mệt mỏi tiêu tan hết, và họ lại lại lao vào công việc để cứu giúp cho các bệnh nhân F0.
“Tuy nhiên, cũng có những gia đình không được may mắn như vậy, sau khi trở nặng chuyển team 2 (đội cấp cứu hiện trường của mô hình theo dõi F0 điều trị tại nhà) rồi chuyển đi bệnh viện điều trị, được mấy ngày thì bệnh nhân mất trong bệnh viện. Và chúng tôi lại cùng đau với nỗi đau của người nhà, một em sinh viên trong nhóm tôi đã hụt hẫng, dằn vặt, đau khổ và không dám đối diện với người nhà. Người nhà chỉ nhắn được “xót xa quá bác sĩ ơi” và tôi cũng chỉ biết nhắn lại “anh muốn khóc thì cứ khóc đi”. Không có nỗi đau mất người thân nào bằng mất người thân trong mùa Covid, cô đơn, lạnh lẽo và bất lực. Chúng ta và bệnh nhân đều hiểu, vậy nên ai chưa nhiễm hãy luôn thực hiện tốt 5k, hạn chế tối đa việc ra ngoài khi không cần thiết. Tất cả chúng ta hãy cùng chung tay đẩy lùi Covid-19”, bác sĩ Hạnh gửi gắm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.