Bùi Lan Hương 'kể tội' nhạc sĩ Đức Trí

29/08/2022 11:01 GMT+7

Chia sẻ cùng khán giả đêm nhạc Musique de Salon số 2 – Nhìn những mùa thu đi , Bùi Lan Hương liên tục trách khéo nhạc sĩ Đức Trí rằng cô bị anh “hành hạ” trong suốt thời gian hợp tác khi làm phim Em và Trịnh .

Theo Bùi Lan Hương, trong thời gian thu âm cho phim Em và Trịnh, nhạc sĩ Đức Trí (giám đốc âm nhạc của phim) đưa những bản thảo chữ viết tay ngoằn ngoèo khó đọc cho hát, vỡ bài chỉ cần nhìn nốt nhạc rồi hát theo chứ chưa được nghe qua demo, thu âm mấy chục bài liên tục, làm việc trong phòng thu từ sáng đến tối mịt không có thời gian nghỉ hay thậm chí thời gian chụp cùng một bức hình nào trong quá trình thu âm. Những lời “kể tội” này khiến Đức Trí đã hóm hỉnh: “Cô này rất giỏi việc cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Thậm chí, sáng qua cô ấy còn cả gan đòi ghim tôi lên tường!”.

Nhạc sĩ Đức Trí dẫn chuyện cho đêm nhạc Nhìn những mùa thu đi, bên cạnh vai trò sản xuất âm nhạc, hòa âm phối khí và đánh piano

thiên anh

Musique de Salon số 2 – Nhìn những mùa thu đi (diễn ra hai đêm cuối tuần 28, 29.8 tại nhà hát VOH, TP.HCM). Chương trình có sự tham gia của 4 tiếng hát: Lê Hiếu, Trọng Bắc, Nguyên Hà và Bùi Lan Hương. Có thể gọi đây là đêm nhạc của những… mùa thu lỡ hẹn bởi trước đó, Đức Trí và Gia Định Audio dự tính phát hành LP Một chiều thu vào đúng mùa thu năm 2021 nhưng vì vướng dịch Covid-19 nên đĩa được phát hành vào… mùa đông. Đến 2022 thì đêm nhạc Nhìn những mùa thu đi dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới nhưng cuối cùng lại thực hiện vào cuối mùa hạ vì lịch nhà hát đã kín.

Giọng hát Lê Hiếu vẫn luôn tình và ấm...

thiên anh

Khác với lần đầu, ở số thứ 2 này, nhạc sĩ Đức Trí đảm nhiệm luôn phần dẫn chuyện ngoài công việc thường thấy của anh trong các đêm nhạc (sản xuất âm nhạc, biên tập, hòa âm – phối khí và chơi piano). Có lẽ đây cũng là điều đặc sắc nhất của chương trình khi người xem được chính Đức Trí chia sẻ những mẫu chuyện nhỏ về hành trình anh chạm đến những ca khúc ra sao.

Đó là những sáng tác “rút ruột” của anh cũng như quá trình anh làm nghề, tiếp xúc với những tên tuổi lừng lẫy của nhạc Việt như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi anh còn đánh đàn ở quán nghệ sĩ của ông lúc còn đôi mươi; hay khi được nhạc sĩ Trần Tiến giao phó “đứa con tinh thần” mới vừa sáng tác – Sắc màu, để anh khoác lên chiếc áo hòa âm phối khí đầu tiên với chi chít những lời nhắn nhủ cẩn thận từ chính tác giả, trong đó phải có một câu dạo nhạc tạo dấu ấn xuyên suốt bài để khán giả ghi nhớ; hoặc chỉ đơn giản là việc anh tôn vinh nhạc sĩ Bảo Chấn với dự án mới nhất của mình – đang hoàn thành một album Bảo Chấn với những ca từ đầu tiên (chưa được chỉnh sửa hay viết lại) từ tập bản thảo mà anh đã giữ hơn 20 năm…

Chính những mẩu chuyện nhỏ nhưng sống động ấy qua giọng kể của một người rất duyên dáng, hóm hỉnh khiến chương trình bỗng nhiên gần gũi hơn với khán giả và góp phần dẫn ca sĩ vào cảm xúc để trình bày bài hát.

Lê Hiếu – một giọng hát đẹp của nhạc tình mở màn bằng Khúc thụy du, Biển cạn theo phong cách jazz rồi sau đó đắm mình với ballad trong Khoảnh khắc, Mưa hồng và chào khán giả bằng màn song ca Hoa cỏ mùa xuân với Nguyên Hà. Ban nhạc với biên chế 11 nhạc công nhưng đã dành tới 5 vị trí cho bộ hơi: dàn kèn bốn chiếc, một sáo tây và đặc biệt là contrabass (một nhạc cụ ít đất diễn trong trình diễn nhạc pop và hiếm khi được mang lên một sân khấu pop) cho thấy sự tính toán chủ đích của người sản xuất âm nhạc – muốn đưa chất jazz - blues vào đêm diễn.

Ban nhạc với biên chế 11 nhạc công nhưng đã dành tới 5 vị trí cho bộ hơi: dàn kèn bốn chiếc, một sáo tây

thiên anh

Tiếc là không hẳn nghệ sĩ nào cũng hợp với cách tung tẩy, ngẫu hứng của jazz, cả Lê Hiếu lẫn Nguyên Hà dường như quá “nhẹ nhàng” với chất nhạc da màu này, nhất là Nguyên Hà, khi cô được giao phó khá nhiều bài jazz như: Những lời buồn, Vết lăn trầm, Có đôi lần nên cảm giác như “chưa đã” với người nghe. Ấn tượng mà Nguyên Hà để lại có lẽ nằm ở sáng tác mới nhất của Đức Trí: Giá như, một bản ballad tự sự với ca từ chân phương, giản dị mà lại sâu sắc dường như được viết riêng cho quãng giọng cũng như cách hát nhẹ nhàng mà thật chạm của cô.

Dư vị mà Nguyên Hà để lại cho Musique de Salon chính là sáng tác mới của Đức Trí: Giá như

thiên anh

Trọng Bắc, giọng nam gắn bó với loạt LP của Đức Trí và Gia Định Audio ngay từ chiếc vinyl đầu tiên cách đây gần 10 năm đến với chương trình qua: Cô đơn, Biệt khúc, Ghen Ước gì. Anh hoàn thành phần biểu diễn của mình rất cảm xúc và chừng mực qua từng câu chữ.

Trọng Bắc là một trong những ca sĩ xuất hiện đều đặn trong các LP của Gia Định Audio trong gần 10 năm qua

thiên anh

Nghe Trọng Bắc hát, có lẽ khán giả đã hiểu vì sao anh lại được ưu ái như vậy bởi không chỉ hợp với cách làm nhạc audiophile mà anh đầu tư nghiêm túc cho mỗi lần xuất hiện.

Với nền tảng kỹ thuật thanh nhạc vững chắc cùng 3 năm du học về nhạc jazz ở Singapore đã chứng minh Bùi Lan Hương đủ trình để hát tốt nhạc jazz

thiên anh

Điều đặc biệt nhất của đêm nhạc được dành đến phút cuối cùng – đó là sự xuất hiện của Bùi Lan Hương. Một giọng ca chưa bao giờ thu LP (như cô hóm hỉnh vì “chưa bao giờ được mời, dù mong muốn lắm!”), cô chỉ mới hợp tác với nhạc sĩ Đức Trí qua bộ phim Em và Trịnh cũng như được khen hát hay và mới nhạc Trịnh Công Sơn. Với nền tảng kỹ thuật thanh nhạc vững chắc cùng 3 năm du học về nhạc jazz ở Singapore đã chứng minh cô đủ trình để hát tốt nhạc jazz, điêu luyện với các kỹ thuật scat, melisma, growl…

Bùi Lan Hương làm sáng bừng không gian Musique de Salon

thiên anh

Có thể nói, Bùi Lan Hương làm sáng bừng không gian Musique de Salon với So dance Samba của Antonio Carlos Jobim và ghi điểm gần như tuyệt đối với It don’t mean a thing, hát ra được chất ngẫu hứng, tung tẩy của jazz. Nhưng, giá như, với phần nhạc Việt mà cụ thể là loạt bài hát của Trịnh Công Sơn: Nhìn những mùa thu đi, Ta thấy gì đêm nay, Hạ trắng, Tình sầu, Bùi Lan Hương ít… nhìn màn hình nhắc chữ trên sân khấu hơn, có lẽ, phần biểu diễn của cô đã tự nhiên và đẹp hơn trong mắt người yêu nhạc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.