Bùi Cường với tiếng cười Chí Phèo để đời

03/10/2015 14:41 GMT+7

(TNO) Cũng giống như NSƯT Đức Lưu, người vào vai Thị Nở, một thời gian sau khi thủ vai Chí Phèo trong Làng Vũ đại ngày ấy , Bùi Cường cũng không còn xuất hiện trên màn ảnh.

(TNO) Cũng giống như NSƯT Đức Lưu, người vào vai Thị Nở, một thời gian sau khi thủ vai Chí Phèo trong Làng Vũ đại ngày ấy, Bùi Cường cũng không còn xuất hiện trên màn ảnh.

Chi-PheoChí Phèo do Bùi Cường đóng

Không xuất hiện trên màn ảnh nữa nhưng nhắc tới Bùi Cường, người ta nhớ ngay tới tiếng cười của "anh Chí" ngày nào.

Không quá lời khi nói, Bùi Cường đã làm nên một Chí Phèo duy nhất. Có lẽ, sau này, khó ai có thể vượt qua cái bóng của ông. Một vai diễn ghi dấu đậm nét sự sáng tạo của người nghệ sĩ với tiếng cười của Chí Phèo.

Bùi Cường cho biết, một tháng anh chỉ nghĩ làm sao để ra được tiếng cười của Chí Phèo. “Tôi mới chợt nghĩ hay thử so sánh tiếng cười của Chí Phèo với tiếng một con vật. Và nếu vậy sẽ là con vật gì?", Bùi Cường kể. Và rồi ông nghĩ đến hình ảnh con chó bị dồn vào chân tường thì sẽ cắn càn như thế nào. “Tôi đã tìm ra tiếng cười cho Chí Phèo là tiếng cười như con chó bị hóc xương cứ ằng ặc nghèn nghẹn ở cổ, nuốt không được, ặc không ra”, Bùi Cường nói rồi ông cười một điệu, khiến người đối diện như thấy hình ảnh Chí Phèo đang hiện ra trước mắt.

Cách đây vài năm, Bùi Cường có dịp trở về nơi đã quay những thước phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Ông bảo: “Lúc đó tôi cảm thấy như đoàn làm phim như mới ở đây ngày hôm qua thôi. Nhưng giờ chẳng còn mấy người nữa, đạo diễn, chủ nhiệm phim, nhiều diễn viên… đã thành người thiên cổ cả rồi. Hơn ba mươi năm rồi còn gì nữa”.

Ông kể, lúc ấy cảm giác như có ai đó nói với mình: “Nam Cao đã cho anh một vai diễn để đời với Chí Phèo, còn anh sẽ đền đáp lại gì cho nhà văn?”. Thế rồi, ông và một người bạn là Đoàn Lê đã cùng viết kịch bản phim truyện Lão Hạc dựa theo truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. “Đó sẽ là một bộ phim nghệ thuật”, ông nói.

Năm năm ấp ủ, kịch bản Lão Hạc đang có hy vọng được đưa lên trên những khuôn hình. “Năm 2016, tôi đang cố gắng để có thể trả “nợ” cho Nam Cao”, “anh Chí” Bùi Cường nói.

Nổi lên từ thời “phim mỳ ăn liền”

“Tôi mê làm đạo diễn từ lâu rồi. Đến lúc không “nhịn” được nữa thì bung ra”, NSƯT Bùi Cường giải thích vì sao lại từ bỏ nghiệp diễn ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ông kể “xin” được vợ gần 100 triệu đồng để làm phim, may mắn là gia đình không phản đối mà lại ủng hộ. Thế là, bộ phim đầu tay Người hùng râu quặp được ra đời. Nghệ sĩ Minh Vượng tham gia vai chính trong bộ phim này của ông, cho đến giờ bà vẫn hay được nhắc với biệt danh “người hùng râu quặp” là bởi vậy. Đến ông cũng không ngờ, bộ phim được phát hành ở cả miền Bắc lẫn miền Nam. Nhưng tiền lời chả được là bao vì nhà phát hành không chịu trả cho ông tiền lãi chiếu phim.

Sau bộ phim đầu tiên, ông tìm hiểu thị hiếu khán giả rồi làm tiếp 3 bộ phim truyện hài, tâm lý xã hội về đề tài kế hoạch hóa gia đình: Kẻ cướp cô dâu, Chuyện tình ngôi sao, Con bạc cháu vàng. “Thời ấy, 100 triệu là to lắm. Như người ta để dành tiền mua đất, mua vàng ngay. Tôi thì chẳng như người ta, bỏ tiền đấy để làm phim”, “anh Chí” của Làng Vũ Đại ngày ấy nói như thể không ai “khùng” như ông.

dao-dien-Bui-Cuong
Bùi Cường làm đạo diễn hướng dẫn cho các diễn viên
Có lẽ, ông là một trong những đạo diễn tiên phong cho “phim mỳ ăn liền” ở Hà Nội. Cái duyên làm phim truyền hình đến với ông cũng từ đó. Những bộ phim của ông khiến khán giả - đặc biệt là khán giả miền Nam, thích mê. Rồi ông vào TP.HCM làm phim.
Đã 70 tuổi mà “Chí Phèo” Bùi Cường vẫn là một trong số các đạo diễn “đắt hàng” nhất. Năm nào cũng vậy, ông đi lại liên tục giữa Hà Nội và TP.HCM. Gia đình ông vẫn ở Hà Nội, còn ông thì cứ rong ruổi ở các tỉnh, thành trong Nam để làm phim. Đến giờ, ông đã có trong tay đến cả trăm bộ phim. “Anh Chí” của Làng Vũ Đại ngày ấy nay đã là một đạo diễn thức thời: “Giờ người ta sòng phẳng lắm, chứ không như thời bao cấp nữa. Làm phim mà không có khán giả xem thì người ta chẳng mời nữa đâu”.
NSƯT Bùi Cường không đến với điện ảnh ngay từ đầu, ông theo học Trung cấp Điện, vào làm ở Xí nghiệp Điện cơ thống nhất. Ông yêu thích diễn xuất và tham gia trong đội kịch của thành phố. Đến năm 1973, ông mới tham gia thi tuyển khoa diễn viên của Trường Điện ảnh Việt Nam.
Chính đạo diễn Phạm Văn Khoa (người sau này làm đạo diễn phim Làng Vũ đại ngày ấy) có mặt trong thành phần ban giám khảo hôm đó. Năm 1982, đạo diễn Phạm Văn Khoa gặp Bùi Cường ở Xưởng phim truyện Việt Nam. Đạo diễn chăm chú nhìn anh chàng diễn viên với mái tóc dài ngang vai rồi bảo: “Bùi Cường dám cắt tóc không, có vai này hay lắm”. “Nếu được nhận vai hay, bác nói cháu cạo trọc cháu cũng làm”, Bùi Cường đáp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.