Bức 'Thiếu nữ choàng khăn' của danh họa Lê Phổ bán hơn 1,1 triệu USD

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
25/05/2021 06:53 GMT+7

Đúng như dự đoán của giới chuyên môn, tối 24.5 (giờ Việt Nam), phiên đấu giá của nhà Christie’s Hồng Kông đã diễn ra rất gay cấn, kịch tính.

Ở lần đấu giá tiêu điểm xuân hè này, nhà Christie’s Hồng Kông đưa ra 75 lô hàng và dành vị trí đặc biệt cho tranh lụa Việt Nam. Vì là phiên đặc biệt vào buổi tối nên các lô hàng của Việt Nam được đứng chung sàn với nhiều tên tuổi nổi tiếng thế giới như Pablo Picasso, Zao Wou-Ki (Triệu Vô Cực), Jean-Michel Basquiat, Sanyu (Thường Ngọc), Yoshitomo Nara, Yayoi Kusama, Banksy, Zeng Fanzhi (Tăng Phạm Chí)…
Bức đầu tiên của Việt Nam là Les Teinturières (Thợ nhuộm) của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh có giá ước định từ 2 - 3 triệu HKD (khoảng hơn 257.000 - 386.000 USD). Tác phẩm là một bức tranh quê giàu hoài niệm được họa sĩ Nguyễn Phan Chánh thực hiện vào năm 1931, khắc họa nét đời sống xưa cũ của một không gian làng bình yên với 3 người phụ nữ cạnh nhau. Danh họa Lê Phổ góp mặt trong buổi đấu giá với hai tác phẩm: bức Jeune femme attachant son foulard (Thiếu nữ choàng khăn, 1938) được ước định giá từ 6,8 - 8,8 triệu HKD (khoảng 875.000 - 1,1 triệu USD) và bức Le Bol Bleu (Cái bát xanh, 1930) được định giá từ 1,6 - 2,6 triệu HKD (khoảng 206.000 - 334.000 USD).
Bức Thiếu nữ choàng khăn của danh họa Lê Phổ bán hơn 1,1 triệu USD 1

Bức tranh lụa Việt Nam vừa được đấu giá thành công Thiếu nữ choàng khăn

ẢNH: T.L CỦA NHÀ SƯU TẬP LÝ ĐỢI

Ngoài ra, phiên đấu giá này còn có bức La Joconde (Mona Lisa, 1974) của danh họa Mai Trung Thứ có giá sàn ước định từ 2,5 - 3,5 triệu HKD (hơn 321.000 - 450.000 USD). “Nếu sức hấp dẫn của bức La Joconde của Leonardo da Vinci có phong cảnh nền phía sau là vùng giao thoa của Umbria và Tuscany ở Ý - theo xác định của sử gia nghệ thuật Angelo Conti - thì điểm độc đáo trong La Joconde của Mai Trung Thứ, các phong cảnh có tính chắt lọc từ vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh”, nhà nghiên cứu Lý Đợi miêu tả. Trước đây, một bức khác cũng có tên là Mona Lisa (1961) của Mai Trung Thứ từng lên sàn Sotheby’s Singapore ngày 4.10.2010, kết quả bán hơn 17.000 USD (gần 400 triệu đồng). Vài ngày trước khi diễn ra buổi đấu giá, người trong giới sưu tầm dự đoán bức tranh của danh họa Mai Trung Thứ có thể được gõ búa bán ở mức từ 1 - 1,2 triệu USD, dù lần lên sàn đấu công khai gần đây nhất của bức này là tại Sotheby’s Singapore ngày 3.10.1998 (lô hàng số 55) chưa đạt giá như mong muốn. Giới sưu tầm còn bắn tin cho nhau rằng kịch tính của 4 lô hàng Việt Nam tại phiên đấu giá của nhà Christie’s Hồng Kông sẽ rơi vào Thiếu nữ choàng khăn của Lê Phổ và Mona Lisa của Mai Trung Thứ.
Bức Thiếu nữ choàng khăn của danh họa Lê Phổ bán hơn 1,1 triệu USD2

Bức tranh lụa Việt Nam vừa được đấu giá thành công Mona Lisa

ẢNH: T.L CỦA NHÀ SƯU TẬP LÝ ĐỢI

Kết quả của phiên đấu giá, bức Thợ nhuộm của Nguyễn Phan Chánh được gõ búa bán hơn 563.000 USD (khoảng 12,9 tỉ đồng), hai bức của danh họa Lê Phổ lần lượt là Thiếu nữ choàng khăn được bán giá tương đương hơn 1,1 triệu USD (hơn 25,3 tỉ đồng) và Cái bát xanh bán hơn 354.000 USD (hơn 8,16 tỉ đồng). Còn bức Mona Lisa danh họa Mai Trung Thứ được “chốt” ở mức giá hơn 724.000 USD (hơn 16,7 tỉ đồng).
Bức Thiếu nữ choàng khăn của danh họa Lê Phổ bán hơn 1,1 triệu USD3

Bức tranh lụa Việt Nam vừa được đấu giá thành công Cái bát xanh

ẢNH: T.L CỦA NHÀ SƯU TẬP LÝ ĐỢI

“Quan sát phiên đấu, cả 4 bức đều có người Việt tham gia đấu giá, nhưng không sôi động như từng xảy ra với bức Chân dung cô Phương hồi tháng 4. Bức Thợ nhuộm đã được một người Việt đấu thành công qua điện thoại, hy vọng sẽ hồi hương trong tương lai. Trước khi lên phiên đấu, bức này thuộc bộ sưu tập tư nhân ở Pháp. Việc nhà Christie’s Hồng Kông dành một vị trí đặc biệt cho tranh lụa Việt thời kỳ đầu cũng sẽ thêm sự khích lệ cho tranh lụa đương thời. Bởi đến cuối thế kỷ 20, tranh lụa Việt gần như thất thế, có rất ít họa sĩ tài năng kế tục và phát triển. Tình hình thay đổi khi hơn 10 năm trở lại đây, đã có một số họa sĩ thành công với tranh lụa, góp phần đem lại sức sống mới cho chất liệu đi từ truyền thống sang hiện đại này. Việc có những tranh lụa bán giá triệu USD có thể giúp chất liệu lụa bớt bị “lép vế” một cách oan uổng trước sơn dầu, sơn mài… như lâu nay từng thấy”, ông Lý Đợi nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.