Bữa tiệc điên rồ ở Argentina

11/06/2015 11:00 GMT+7

Được đề cử cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar năm nay, Wild tales dĩ nhiên không vượt qua nổi tuyệt phẩm Ida để giành chiến thắng, song bản thân nó vẫn cứ là một món quà thú vị đến từ Argentina.

Được đề cử cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar năm nay, Wild tales dĩ nhiên không vượt qua nổi tuyệt phẩm Ida để giành chiến thắng, song bản thân nó vẫn cứ là một món quà thú vị đến từ Argentina. 

Bữa tiệc điên rồ ở Argentina
Wild tales của đạo diễn Damian Szifron có nhiều điểm tương đồng với A touch of sin của đạo diễn Giả Chương Kha. Cùng khai thác bạo lực, nếu như bốn câu chuyện trong A touch of sin là những ẩn ức làm nên một Trung Quốc đương đại thì sáu câu chuyện báo thù trong Wild tales đã thực sự vẽ lên một bức tranh toàn cảnh về sự điên rồ đang lan tỏa khắp xử sở điệu nhảy tango.
Từ lâu rồi người ta đề cập đến khoảng mờ thuộc phạm trù đạo đức và báo thù là một điển hình. Hành vi trả đũa trong Wild tales không mang màu sắc rùng rợn như trilogy báo thù của Park Chan-wook mà khá lạ lùng khiến người xem vừa kinh hãi vừa bật cười. Ở câu chuyện đầu tiên, hai hành khách gặp nhau trên máy bay và sau vài câu chào hỏi, họ phát hiện cả hai cùng quen một thanh niên tên Gabriel Pasternak. Thật tình cờ, họ không phải là hai người duy nhất biết Pasternak. Các hành khách khác của chuyến bay ít nhiều đều có liên quan đến nhân vật ấy: Người là bạn gái cũ phụ tình anh ta, người là nhà phê bình âm nhạc trong hội đồng thẩm định đã đánh trượt anh ta tại một kỳ thi tuyển, người từng là giám đốc cũ đã sa thải anh ta, người là bác sĩ trị liệu tâm thần cho anh ta suốt thời gian dài... Tóm lại ai cũng đã một lần gây thù chuốc oán với Pasternak. Đương lúc mọi người linh cảm thấy điềm xấu thì cô tiếp viên run rẩy thông báo, vị cơ trưởng hôm nay chính là Gabriel Pasternak và anh ta hiện tại đã khóa chặt buồng lái.
Ở câu chuyện thứ hai, bạo lực dần hiện thân. Một gã đàn ông cho vay nặng lãi, và bây giờ hắn đang chạy đua chức thị trưởng thành phố trong đêm mưa gió bão bùng đã bước vào nhà hàng gọi đồ ăn. Cô phục vụ nhà hàng ngay lập tức nhận ra đây là kẻ năm xưa đã bức bố cô tự sát và còn đẩy mẹ con cô đến cảnh biệt xứ. Người đầu bếp nhà hàng đề nghị bỏ thuốc chuột vào đồ ăn của hắn. Song rốt cuộc, sau những xô xát, gã đã nằm giãy đành đạch trên vũng máu với hàng chục nhát chém thay vì co giật do ngộ độc thuốc chuột. Có thể nhận thấy, Wild tales có chút ảnh hưởng phong cách của đạo diễn lừng danh Quentin Tarantino, đặc biệt là ở tác phẩm Pulp fiction về cách gom nhặt những chi tiết và lời thoại đúng nghĩa “tào lao” rồi dẫn dắt thành một câu chuyện cực kỳ hấp dẫn. Điều này càng rõ ràng ở câu chuyện thứ ba, trên một đoạn đường vắng giữa Salta và Cafayate, một gã nhà quê cục súc cố tình lạng lách làm khó không cho chiếc xe sang trọng của Diego đi qua. Diego cuối cùng cũng vượt lên được và kịp thời buông lại một câu chửi thề. Câu chửi thề đó đã làm nên cuộc rượt đuổi không điểm dừng, hễ kẻ này thất thế thì kẻ kia lao tới và ngược lại. Câu chuyện kết thúc đúng nghĩa với “pulp fiction” bằng giả thuyết mang đầy tính giật gân của cánh truyền thông: “Tội ác niềm đam mê” khi tại hiện trường chỉ còn hai cái xác cháy rụi ôm siết lấy nhau trong xe. Đây có lẽ là câu chuyện xuất sắc nhất Wild tales về lối làm phim. Tất cả các câu chuyện trong Wild tales gần như đều bắt nguồn từ sự bộc phát, nhưng ở câu chuyện thứ ba này thì mỗi giây của sự bộc phát đã được tính toán hoàn toàn chính xác từng milimet, và quan trọng hơn thảy là, sự tính toán không hề phá đi chất ngẫu hứng mạnh mẽ của tác phẩm.
Đạo diễn Damian Szifron có vẻ là một tay tinh quái dù là kể một câu chuyện phiếm hay một câu chuyện mang tính khái quát cả nền chính trị của đất nước mình, mà liên quan vấn đề chính trị thì dường như sự trào phúng đã được đẩy lên tầm cao mới. Câu chuyện thứ tư là cuộc báo thù của kỹ sư Simon dành cho cơ quan nhà nước bởi chiếc xe ô tô của anh nhiều lần bị kéo đi dẫn tới nhiều hệ lụy khác, mặc dù chỗ đậu xe không có vạch vàng. Từ hành động được xem là “khủng bố”, Simon đã nghiễm nhiên trở thành người hùng của đất nước và nhiều cuộc biểu tình nổi dậy kêu gọi trả tự do cho anh. Trong một diễn biến khác, cô con gái bé nhỏ của Simon thoải mái mang chiếc bánh sinh nhật vào nhà tù ăn mừng sinh nhật bố giữa tiếng hò reo của toàn thể tù nhân. Sang câu chuyện thứ năm, Damian Szifron tiếp tục làm công việc vạch trần tình trạng quan liêu và tham nhũng của bộ máy pháp luật Argentina bằng những tình huống hài hước.
Câu chuyện thứ sáu, đỉnh cao của hỗn loạn đã làm nên cái kết vô cùng hoàn hảo cho Wild tales. Tại bữa tiệc cưới, cô dâu biết được chồng mình thời gian gần đây đã từng dan díu với một trong số những khách mời của họ. Một phiên bản “cô dâu báo thù” không kiếm Nhật và kungfu, chỉ có chất điên từ sâu thẳm bản chất đã được Damian Szifron khéo léo lôi ra trưng bày. Và điệu tango, đáng lẽ, tuyệt vời của lễ cưới đã biến thành những vòng quay chóng mặt. Cô nàng sụt sịt đáng thương vài phút trước đã lột xác thành kẻ nổi loạn đáng sợ. Sự độc đáo của bộ phim không phải là anh điên ra sao mà chính là anh đã hân hoan trong cái điên ấy như thế nào. Damian Szifron, thông qua Wild tales, đã tiến vào hàng ngũ những kẻ vẫn giữ được vẻ quyến rũ cho sự điên cuồng. Một thứ trở nên nguy hiểm bội phần là khi nó khoác lên người vẻ quyến rũ, đủ để người ta bất chấp mọi đau thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.