Bữa cơm miền Tây nghĩa tình...

Thúy Hằng
Thúy Hằng
09/04/2023 07:34 GMT+7

Mắm tôm chà Gò Công pha với chanh; nước mắm đường, ớt, tỏi bằm sóng sánh, chấm thịt ba rọi luộc. Cá khoai nấu ngót với cà, cần, củ cải trắng. Bánh vá chiên giòn. Bữa cơm miền Tây ngon quên lối về và ấm áp nghĩa tình của thầy cô giáo nơi đây.

Bữa cơm miền Tây nghĩa tình... - Ảnh 1.

Mắm tôm chà Gò Công ăn kèm thịt luộc, rau sống, đậu rồng thì nhớ mãi...

THÚY HẰNG

7 năm qua, năm nào cũng vậy, Trường THPT Trương Định, thị xã Gò Công, Tiền Giang luôn là điểm kết thúc trong hành trình của một năm Tư vấn mùa thi - chương trình đã có 25 năm tuổi của Báo Thanh Niên. Và có tới 6/7 năm ngôi trường thân thương miền Tây này luôn mời lại đoàn tư vấn của Báo Thanh Niên và thầy cô các trường ĐH, CĐ ăn những bữa cơm "cây nhà lá vườn" do tự tay mình chế biến.

Hôm 2.4, chương trình Tư vấn mùa thi về tới Trường THPT Trương Định đã khép lại vô cùng thành công với khoảng 2.000 học sinh tham gia. Từ đầu đến cuối chương trình, nhiều câu hỏi được đặt ra liên tục cho đội ngũ thầy cô, chuyên gia tư vấn chất lượng từ những trường ĐH hàng đầu khu vực phía Nam.

Ít ai biết rằng, trong khi chương trình diễn ra, ở căng tin, một nhóm các thầy cô, nhân viên, học sinh Trường THPT Trương Định tỉ mỉ nhặt rau, chuẩn bị cho bữa cơm trưa mang đậm hương vị miền Tây để mời khách. Buổi trưa, chương trình xong xuôi, thì ở khu vực căng tin nhà trường, cơm nước đã sẵn sàng.

Bữa cơm miền Tây nghĩa tình... - Ảnh 2.

Cá trắng Gò Công xào tép, sả, tóp mỡ

THÚY HẰNG

Khi được hỏi vì sao thầy cô luôn tự tay nấu nướng chứ không mời khách những món ăn ngoài tiệm, thạc sĩ Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, bộc bạch rằng làm như vậy thì mới thể hiện hết được cái nghĩa, cái tình miền Tây với những người mình thật sự trân quý.

7 năm trước, chính thầy Hải là người kết nối với Báo Thanh Niên, mời tổ chức chương trình Tư vấn mùa thi tại ngôi trường này. Cho tới hôm nay, chương trình luôn là người bạn của hàng ngàn thí sinh Gò Công lúc sắp bước vào ngưỡng cửa ĐH.

Bữa cơm trưa hôm ấy, các thầy cô làm món thịt ba rọi luộc, bánh giá Gò Công để mọi người cuốn với bún, rau sống, bánh tráng, ăn kèm mắm tôm chà Gò Công.

Thêm nữa là một đặc sản mà ai về Gò Công cũng phải ăn thử, ăn rồi thì nhớ suốt đời: cá trắng Gò Công xào sả, tép, tóp mỡ. Món chính còn có cá kèo kho thịt ba rọi, canh cá khoai nấu ngót do chính tay thầy Trương Văn Liêm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, chế biến và tráng miệng bằng trái cây đặc trưng của Gò Công - trái sơ ri.

Bữa cơm miền Tây nghĩa tình... - Ảnh 3.

Bánh giá Gò Công

Bữa cơm miền Tây nghĩa tình... - Ảnh 4.

Mắm tôm chà Gò Công, nhìn đã ứa nước miếng

THÚY HẰNG

Bữa cơm miền Tây không gì còn có thể ngon hơn, không chỉ vì nguyên liệu tươi mới, đặc sản chỉ có ở Gò Công - vùng đất giáp biển mà còn bởi những câu chuyện thú vị về ẩm thực, lịch sử, văn hóa mà các thầy cô mái trường này kể trong bữa ăn, với mỗi món ăn.

Cô Tuyết Vân, giáo viên dạy môn vật lý Trường THPT Trương Định, nói khách quý về Gò Công nhất định phải ăn mắm tôm chà. Gần 200 năm trước, món ăn dân dã này đã theo chân Hoàng Thái hậu Từ Dũ (người con vùng đất Gò Công) vào cung đình Huế, sau đó trở thành món tiến vua từ nửa đầu thế kỷ 19.

Món mắm tôm chà y làm từ tôm đất thiên nhiên còn sống, tỏi, ớt chín đỏ tươi. Người ta có thể ăn mắm tôm chà y (không nêm gia vị gì) với cơm trắng dẻo, chấm với cóc, xoài xanh. Nhưng ngon hơn cả vẫn là mắm tôm chà Gò Công pha với chanh, đường, tỏi, ớt trở thành hỗn hợp sánh mịn, chấm với trái đậu rồng tươi rói, giòn tan hoặc chấm cùng bánh tráng với thịt heo, rau sống kèm chút bún tươi.

Bữa cơm miền Tây nghĩa tình... - Ảnh 5.

Cá kèo kho thịt ba rọi hấp dẫn

Bữa cơm miền Tây nghĩa tình... - Ảnh 6.

Cá khoai tươi rói nấu ngót, món ngon do thầy hiệu phó nhà trường tự tay nấu

THÚY HẰNG

Bữa cơm miền Tây nghĩa tình... - Ảnh 7.

Trái sơ ri Gò Công và trái cây vườn nhà của các cô giáo mang đến trường

THÚY HẰNG

Hay trong bữa trưa, các thầy cô cùng đọc thật nhiều câu ca về Gò Công, giới thiệu những danh thắng, đặc sản vùng miền nơi đây. Như "Gò Công có biển Tân Thành, có lăng Trương Định, có giồng Sơn Quy". "Gò Công giáp biển, nổi tiếng mắm tôm chà". "Từ khi em gái lấy chồng. Anh ăn bánh giá Chợ Giồng với ai?".

Bánh giá (vá) cũng là món đặc sản mà chúng tôi được thưởng thức ngày hôm ấy, phần bánh được chiên giòn rụm cùng tôm, thịt, giá, cuốn vào cùng bánh tráng và một chút rau sống, chấm mắm tôm chà đã nêm thì không gì ngon hơn.

Mỗi năm mỗi lần, khi bữa cơm miền Tây được dọn ra dưới những hàng phượng vĩ đã lốm đốm màu hoa đỏ, chúng tôi biết rằng mùa Tư vấn mùa thi khép lại một hành trình trọn vẹn. Nhưng nghĩa tình với thầy cô, học trò và bà con Gò Công thân thương vẫn được viết tiếp…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.