Bữa ăn có còn quan trọng ?

05/08/2018 08:11 GMT+7

Hiện nay, số đông người trẻ xem nhẹ bữa ăn sáng, hay ăn qua loa, chọn thức ăn nhanh thay cho các bữa ăn trong ngày, khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: “Bữa ăn có còn quan trọng với người trẻ?”.

Ngủ dậy muộn là nhịn luôn
Trong một lần ngồi nghỉ tại tầng trệt của một trường ĐH ở TP.HCM, nơi vừa là không gian của quán cà phê, vừa là nơi đọc sách và thư giãn, chúng tôi thấy nhiều sinh viên (SV) người ăn bánh mì, người thì ăn qua loa một gói bánh ngọt gì đấy rồi đắp sách, đắp áo lên mặt ngủ trưa.
Đem câu chuyện này hỏi nhiều SV khác, đa phần họ đều thừa nhận thường chọn thức ăn nhanh thay cho các bữa ăn trong ngày và nhiều bạn cho biết bỏ luôn bữa ăn sáng.
Hồ Thị Ngọc Hương, SV năm thứ 3 Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, nói: “SV mà, tối thức khuya, không cày phim thì cũng chát chít các kiểu, nên sáng đâu có dậy sớm nổi. Nếu không đi học buổi sáng thì ngủ luôn nguyên buổi, trưa dậy ăn bữa 2 trong 1”.
“Con trai tụi em có đứa nào nấu ăn đâu, thế nên đồ ăn nhanh luôn là lựa chọn hàng đầu. Khi nào đông đông thì rủ nhau đi ăn bữa cho hoành tráng, chứ trưa nắng đi một mình ra quán cơm cũng ngại”, Nguyễn Ngô Lâm, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tự nhận là một khách hàng thân thiết của các cửa hàng thức ăn nhanh.
Bữa ăn chính của thanh niên có xu hướng giảm
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu thanh niên công bố vào tháng 3.2018 về hành vi nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của thanh niên, hiện nay có 8 vấn đề đáng quan ngại của thanh niên. Trong đó đáng lưu ý là các con số về hành vi ăn uống đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thanh niên. Cụ thể, cuộc điều tra trên 1.200 thanh niên tại 5 tỉnh thành: Cao Bằng, Hà Nội, Kon Tum, Bình Thuận và Đồng Tháp cho thấy: 1/4 số thanh niên chưa đề cao tầm quan trọng của bữa sáng. Số bữa ăn chính trong 1 ngày của thanh niên có xu hướng giảm: 56,6% thanh niên có từ 2 bữa ăn chính trong 1 ngày, chỉ có 43,4% ăn 3 bữa chính trong 1 ngày; 1/3 thanh niên đồng tình với việc sử dụng đồ ăn nhanh.
Đến một cửa hàng tiện lợi trên đường Nguyễn Văn Cừ (Q.1, TP.HCM) liên tiếp 3 ngày, chúng tôi thấy nhiều bạn trẻ thường xuyên tới đây. Dường như những bạn trẻ này cũng giống Ngô Lâm, đều là khách hàng thân thiết của các cửa hàng tiện lợi.
Thấy Lê Thị Thảo Giang, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, vừa ăn mì ly vừa bấm điện thoại lúc 14 giờ, tôi hỏi ăn trưa hay ăn xế, Giang trả lời: “Trưa chứ ạ. 10 giờ ăn sáng nên giờ ăn trưa là vừa”.
Cũng lúc 14 giờ, và cũng là bữa trưa nhưng Hoàng Thị Minh Nguyệt, SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, chỉ ăn vài miếng bánh mì ngọt. “Ăn trưa bằng bánh ngọt thôi à?”, tôi thắc mắc. Nguyệt nói: “Miễn sao không thấy đói thôi ạ. Chứ ăn gì mà chẳng được. Hơn nữa em cũng hảo ngọt”.
Nhiều hệ lụy
Dưới góc độ chuyên môn, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên (Khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM) cảnh báo: “Hiện nay một bộ phận không nhỏ người trẻ bỏ bữa sáng vì nhiều lý do. Bỏ bữa ăn sáng có thể làm mất nhịp cơ thể về cảm giác đói và no. Nếu cơ thể không nhận được năng lượng đầu ngày, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, đuối sức do thiếu năng lượng, và có thể dẫn đến ăn quá mức vào các bữa ăn khác trong ngày”.
Ngoài ra, bác sĩ Niên còn chỉ ra ăn sáng trễ làm thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể về nhịp ngày - đêm, thay đổi về chuyển hóa năng lượng và có thể làm tăng BMI (chỉ số khối cơ thể) ở người tiểu đường loại 2. Bên cạnh đó, do khuynh hướng dậy trễ hơn trong lối sống đô thị, nhiều người chọn thức ăn nhanh thay vì bữa ăn sáng truyền thống. Bữa ăn lành mạnh gồm đủ các thành phần dinh dưỡng như carbohydrate, protein, chất béo tốt, chất xơ, vitamin, khoáng chất. Thức ăn nhanh, nếu không lựa chọn tốt, có thể dẫn đến các nguy cơ như tăng chất béo xấu trong máu, tăng nguy cơ rối loạn đường huyết và đái tháo đường, ảnh hưởng đến việc kiểm soát sự ngon miệng...
“Khi bỏ bữa, cơ thể sẽ cảm thấy thiếu năng lượng, đường huyết giảm, dẫn đến mệt mỏi, đau đầu, tập trung kém. Bỏ bữa cũng khiến cảm thấy đói hơn vào bữa ăn sau, dẫn đến ăn nhiều hơn, hoặc ăn những thực phẩm không có lợi cho sức khỏe do đang ở trạng thái đói. Bỏ bữa lặp đi lặp lại trong thời gian dài dẫn đến tình trạng nhiễm toan, cơ thể lấy chất béo làm năng lượng, dẫn đến các tác dụng phụ tiêu cực như buồn nôn, mệt mỏi, táo bón, cơ thể giảm chuyển hóa, giảm khối cơ...”, bác sĩ Niên nhấn mạnh.
Nhìn nhận về thói quen bỏ bữa và chọn thức ăn nhanh thay cho các bữa ăn chính, thạc sĩ giáo dục học - chuyên gia tham vấn tâm lý Chế Dạ Thảo, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng lối sống hiện đại, bận rộn và đa dạng về đặc điểm của ngành nghề - công việc ảnh hưởng không ít đến lối sống, lịch sinh hoạt và hành vi của con người. Đặc biệt các bạn trẻ có xu hướng lựa chọn sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian.
“Điều này dẫn đến không chỉ hệ quả về sức khỏe, vẻ đẹp hình thể mà công việc và học tập cũng giảm sút. Sức khỏe là nền tảng của mọi thứ, sức khỏe có vấn đề thì hoạt động và tâm lý cũng bị kéo theo hướng tiêu cực”, bà Thảo nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.