'Bông hoa rừng' Pa Kôh tỏa hương trên hành trình 'gieo chữ'

Lê Hoài Nhân
Lê Hoài Nhân
20/11/2022 17:28 GMT+7

Là người con của núi rừng A Lưới (Thừa Thiên - Huế), hơn ai hết 'Bông hoa rừng' Pa Kôh Trương Thị Khánh Hòa thấu hiểu hành trình đến trường của học sinh vùng cao còn lắm nhọc nhằn. Vì thế, cô không ngừng nỗ lực đưa các em gần hơn với con chữ ở địa ngàn Trường Sơn...

Hơn 11 năm trên hành trình "gieo chữ" trên non, cô Trương Thị Khánh Hòa (34 tuổi, giáo viên ngữ văn Trường THPT A Lưới) đã đạt hàng loạt thành tích, được ví von như một "bông hoa rừng" giữa đại ngàn.

Những câu chuyện hạnh phúc

Tiếng trống trường vừa dứt, đôi mắt sáng, nụ cười tươi, cô Hòa niềm nở đón chúng tôi trong trang phục truyền thống của đồng bào Pa Kôh.

Ký ức những ngày học sinh bụng đói lên nương cùng mẹ, đôi môi khô cứng khi phải đi bộ hàng chục cây số đến trường trong trời đông lạnh buốt... ùa về. Nhưng giờ đây, cũng chính ký ức in sâu ấy đã khiến cô giáo vùng cao càng thêm thôi thúc để tìm cách đưa con chữ gần hơn với bản làng.

Cô giáo Trương Thị Khánh Hòa

LÊ HOÀI NHÂN

Ngoài giờ lên lớp, không ít lần cô Hòa vượt suối, băng rừng để vào tận nhà học sinh, vận động các em ra lớp. Qua lời kể của cô, đường đến trường của học trò sao mà gập ghềnh, phải băng những ngọn đồi cao tít, đôi khi chỉ kịp mang theo vỏn vẹn một nắm cơm rừng.

“Tôi từng chủ nhiệm lớp có một bạn nam học rất tốt nhưng thường xuyên vắng học. Bạn là người đồng bào thiểu số, ở rất xa nên gọi điện liên lạc vô cùng khó khăn. Cô trò lớp tôi quyết định phải đến tận nhà để tìm hiểu... Nhưng ngôi nhà bạn đó lọt thỏm giữa thung lũng, để vào tận nơi phải vượt qua nhiều con dốc", cô Hòa nhớ lại lần đi vận động học trò ra lớp.

Cô Hòa tìm đến đúng mùa bắp, em học trò đó đang lên nương cùng mẹ, sập tối mới về. "Về nhà, thấy cô ngồi đó nên em có chút ngại ngùng. Sau cuộc trò chuyện, tôi mới biết bạn nghỉ học vì hoàn cảnh quá khó khăn, một phần vì đường đến trường xa mà không có xe để đi”, cô Hòa nhớ lại.

Trở lại thị trấn, cô giáo Pa Kôh trăn trở mãi câu chuyện của cậu học trò nghèo nên tức tốc liên hệ với hội chữ thập đỏ huyện để xin 1 chiếc xe đạp. Từ ngày có xe, cậu học trò nghèo đã chăm đi học trở lại...

Đó chỉ là một trong vô vàn câu chuyện hạnh phúc mà cô Hòa đã trải qua trong hơn 11 năm trên hành trình đi "gieo chữ".

Hạnh phúc từ những nụ cười trong veo

Không chỉ giỏi công tác chuyên môn, cô Hòa còn là người đóng vai trò gắn kết các em qua các hoạt động Đoàn, ngoại khóa. Nhận thấy học sinh người đồng bào thiểu số còn thiếu các kỹ năng sống, thiếu tự tin, cô liên tục tổ chức nhiều cuộc thi, chương trình ngoài giờ thú vị như “A Lưới hot check in”, “Cuộc thi nét đẹp văn hóa A Lưới qua lăng kính thanh niên”…

“Cũng là người đồng bào thiểu số, hơn ai hết tôi hiểu rõ các em. Học sinh vùng cao thường rụt rè, hay mặc cảm, có những chuyện mà các bạn khó giãi bày… Vì vậy tôi luôn tìm cách kết nối, để khoảng cách giữa cô và trò được gần hơn”, cô Hòa nói.

Cô Hòa gắn kết học sinh qua các hoạt động Đoàn

LÊ HOÀI NHÂN

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THPT A Lưới, cũng nhìn thấy ở cô Hòa rất nhiều nguồn năng lượng.

“Cô Hòa năng nổ với công tác Đoàn, là người phát động rất nhiều cuộc thi cho các em tham gia. Những hoạt động này đã phát triển rất nhiều kỹ năng sống cho học sinh. Giáo viên xem học trò như con mình. Cũng vì cảm nhận được sự yêu thương đó nên các em tự giác, chăm ngoan, học giỏi hơn”, cô Hằng nói.

Năm 2021, cô giáo Trương Thị Khánh Hòa được Bộ GD-ĐT trao chứng nhận “Đã có sản phẩm tham gia cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử”. Theo cô Hằng, bài giảng điện tử tham gia dự thi của cô Hòa sau đó được chọn vào kho học liệu của ngành giáo dục cả nước.

Cô Hòa vui chơi cùng học trò ngoài những giờ lên lớp

Mới đây, niềm vui như vỡ òa khi cô giáo Hòa được vinh danh là 1 trong 68 giáo viên tiêu biểu toàn quốc trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022” do T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

“Đó là một niềm tự hào to lớn. Cô Hòa là một giáo viên nhiệt huyết và giỏi chuyên môn. Ngoài các thành tích cấp trường, cô giáo thường xuyên tham gia các cuộc thi do sở, ngành, trường tổ chức và đạt được những thành tích cao. 5 năm liên tục, những đề tài về xã hội hành vi do cô Hòa hướng dẫn đều đạt giải thưởng cấp tỉnh và rất nhiều thành tích khác… Cô là tấm gương sáng cho các thế hệ sau tiếp bước”, cô Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ thêm về cô giáo Hòa.

Cô giáo người Pa Kôh luôn tìm những cách dạy mới để truyền kiến thức dễ hiểu đến học sinh

LÊ HOÀI NHÂN

Các em học sinh cũng dành tình cảm đặc biệt cho cô giáo Pa Kôh. Em Hồ Hiếu Huyền Trân (học sinh lớp 10B4) nói: “Em là người Pa Kôh nên vừa vào lớp 10 em còn rụt rè, nhưng khi được cô Hòa giảng dạy em cảm thấy rất thoải mái và tự hào. Nhờ các thầy cô trong trường thương yêu, đặc biệt là cô Hòa, mà những bài học dễ tiếp thu hơn, học được nhiều kiến thức mới ngoài xã hội, tự tin hơn trên chặng đường phía trước”.

Ngoài những giờ lên lớp, cô Hòa còn thường xuyên tâm sự cùng các học sinh dân tộc thiểu số để hiểu hơn các em

LÊ HOÀI NHÂN

Còn với “bông hoa rừng” Trương Thị Khánh Hòa, có niềm vui thầm lặng mỗi khi được nhìn thấy học sinh trưởng thành, thấy nụ cười trong veo của các em sau những giờ lên nương vất vả. Tình thương ấy, bình dị và mộc mạc như những đùm ngô, quả trứng gà... mà học trò mang tặng cô giáo Pa Kôh trong ngày 20.11.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.