Bông giờ trong mùa bão giông

01/12/2020 10:00 GMT+7

Không biết có phải xuất thân dân dã nơi miệt biển bình yên, nên bông giờ thấm cái e thẹn mà chỉ “kết tình thân” với các loài rau trái vườn quê...

- Chị à, năm nay bão nhiều mưa nhiều, bông giờ xứ nẫu giập hết, thương quá. Mà rồi lời hứa đúc bánh xèo với bông giờ ở Sài Gòn đãi chị xem như lỗi hẹn, đợi mùa sau…
Giọng em buồn buồn trong điện thoại, nghe đâu xa lắc, mà còn có tiếng ù ù… Ôi thì ra em đang ở Phú Yên, miệt biển Long Thủy nhà em, đang bão, cơn bão mùa số 7…
Nhớ lại năm ngoái, cũng tháng này, đọc trên facebook của em, thấy khoe những bức hình mộc mạc chân quê về loài hoa có cái tên ngồ ngộ là lạ ở quê: Bông giờ, nhìn trong hình hao hao giống hoa gừng, hoa nghệ mà hình như có gì đó không giống bởi cái sắc tím nhạt dịu dàng thùy mị thấy thương, lại chen chút nhụy vàng như một đốm nắng mật ngọt ngào mà quyến rũ. Em ghi là hoa của một cõi nhớ trong ký ức quê… Bỗng dưng bông hoa lạ lại như gây lưu luyến đầy cảm xúc trong tôi.
- Bông giờ là bông gì vậy em? Nghe ngộ quá.
- Dạ, là loài hoa mộc mạc dân dã của mùa thu xứ nẫu miệt biển Phú Yên quê em.
- Bông để chưng chơi? Mà nào giờ có thấy hoa này bày ở đâu đâu?
- Ôi, chị ơi, bông giờ không chưng bình cắm lọ làm kiểng. Loài “hoa rau” trời ban cho quê em đó, một thứ đặc sản quà tặng mùa thu, chằng níu, móc nối cho những người xa quê luôn đau đáu ngược ký ức, ngược kỷ niệm, ngược thời gian mà nhớ mà thương mà luôn tìm cách sao đó để ít nhất chạm vào hương vị bông giờ…
Tò mò quá…
Gần 700km đường bộ, em nâng niu túi bông giờ mang vào Sài Gòn để biếu tôi một hương vị quê độc đáo mà thân thương. Ngắm những ngọn bông tươi rói hình như còn ngậm sương, cánh tím mỏng trong suốt, thương chi thương lạ đến nao lòng…, thoang thoảng mùi hương rất khó gọi tên, như có hương cay ấm của gừng, hương nồng thơm của sả, hương hăng ngọt của nghệ, mà hình như không phải, giống hệt một bản hòa tấu êm ái các hương vị những loại rau lá thơm, cho cảm giác ấm áp mà gần gũi thân quen…
Em cười vui: “Ăn xong hoa này là thành thần tiên đó à nha”.
Bông giờ quê em mỗi năm chỉ nở một lần vào mùa thu, khi mưa xuống, đất mềm mượt, hoa như từ dưới đất mọc lên, rồi mới thấy lá, và khi lá sum suê thì hoa tàn. Lạ nữa, chỉ trồng một lần, sau một mùa hoa đầu, gốc cội hoa âm thầm đâu dưới lớp đất sâu suốt mùa nắng rát bỏng, cứ tự phát tán len lỏi dưới tầng đất, và khi những giọt mưa thu rắc đều xuống, hoa đồng loạt trồi lên như nấm, từng búp nõn nà tím nhạt, như một vạt tím hư ảo nhuộm cả sắc chiều buông, thẹn thùng, gợi cảm đến se lòng… Đọc trong sách về thực vật, thì cây bông giờ thuộc loài thân thảo, có bà con với nghệ, thuộc họ nhà gừng, mỗi năm nở từ tháng 7 tới tháng 10 âm lịch.
Em nói, bông giờ có thể chế ra rất nhiều mỹ vị nhân gian. Những nhà làng chài Long Thủy quê em hay kho bông giờ với cá rô bí, cá trầu cẩn, cá sặc, cá trắng đến cá đá trứng béo ngậy, thường bữa cơm má nấu có bông giờ kho cá là phải thêm vài nắm gạo cho các con thỏa sức lua. Cao hơn thuộc “đặc sản” nằm trong thực đơn các nhà hàng là bông giờ nướng với thịt heo, thịt gà trong ống tre hay lá chuối, thêm chút xíu rau rừng, thành món ngon không phải ai cũng có thể thưởng thức. Món sáng của trẻ quê Phú Yên mùa bông giờ cũng độc đáo: bắc chảo lên phi chút dầu ăn, đổ bông giờ, thêm giá vào xào vài phút, cho thêm xác đậu, nêm nước mắm, gia vị, xào vài phút, rồi lấy bánh tráng nhúng nước cuốn chấm nước mắm tỏi ớt chua ngọt - là thành bữa sáng nhà quê thịnh soạn, chắc dạ đến trường. Đặc biệt, bông giờ đúc bánh xèo được người vùng quê Phú Yên ưa chuộng, và chính vì thế món bánh xèo có một hương vị lạ độc đáo mà kết nhớ kết thương cho người xa quê, kết tương tư cho khách một lần đến xứ nẫu được chủ nhà đãi món dân dã này...
Không biết có phải xuất thân dân dã nơi miệt biển bình yên, nên bông giờ thấm cái e thẹn mà chỉ “kết tình thân” với các loài rau trái vườn quê như bầu, bí, mướp, mùng tơi, rau dền cơm, lá bát, rau ngót, làm thành món canh rau cực phẩm chỉ có ở đất Phú Yên mới định hương vị chuẩn. Còn như muốn có chút nâng cấp thì cho vài ngọn bông vào nồi cháo cá, hay dĩa mì xào, hoặc trộn chung với hột vịt rồi chiên lên. Các cô cậu teen có cách thưởng thức bông giờ rất “nẫu”: cho vài cánh hoa vào ly sinh tố, hay thả vài bông vào xoong chè ngọt, hoặc muốn tạo hương vị cực “cool” thì ngắt vài ngọn rắc lên nồi cơm khi vừa cạn nước…
Một mỹ vị miệt biển quyến rũ là lạ không bao giờ quên, để chỉ một lần thôi, đủ nhớ đất và người Phú Yên đến đậm lòng, khó mà không muốn ghé qua ghé lại lần nữa, thêm một lần nữa, rồi “kết” tình với người Phú Yên hồi nào không hay.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.