Bỗng dưng thành nhân vật quảng cáo thuốc ‘rối loạn cường dương'

Thanh Đông
Thanh Đông
21/02/2020 09:17 GMT+7

Sau một cuộc điện thoại mời mua thuốc trị bệnh trĩ , khổ chủ bị tung họ tên, số điện thoại trên các trang bán những loại thuốc “nhạy cảm” như rối loạn cường dương, bồi bổ sinh lực...

Đầu năm gặp chuyện... trời ơi

Bà Lâm Thị Mỹ Dung, sinh năm 1977, quê ở TP.Châu Đốc, An Giang, khổ sở trình bày: “Lúc 8 giờ 44 phút ngày 7.2, có một cô gái gọi điện thoại cho tôi để tư vấn về việc mua thuốc đông y điều trị bệnh trĩ mà tôi đang mắc phải. Nghe xong, tôi bảo đang điều trị thuốc tây, không quan tâm rồi cúp máy”.
Thế nhưng, vài ngày sau, họ tên và số điện thoại của bà Dung xuất hiện đầy trên các trang bán thuốc cường dương, bồi bổ sinh lực. Nhưng với tên thì ghi sai chính tả tùy tiện là Làm thì Mỹ dung, còn số điện thoại thì đúng của bà.
Bà Dung bức xúc: “Nhiều người quen gọi điện đến hỏi tại sao tôi phải mua thuốc nhạy cảm đó, tôi bảo tôi không mua thì họ vặn vẹo, không mua sao tên và số điện thoại xuất hiện ở mục đặt hàng của các trang web chuyên bán loại thuốc này”?
Để tìm hiểu, bà Dung và người nhà vào các trang bán thuốc như demmenhmong..., ladi.demo... thì thật “nóng mặt” khi ở các trang quảng cáo các loại thuốc “nhạy cảm” này, ngoài tên và số điện thoại của bà Dung xuất hiện ở mục đặt hàng hoặc tư vấn còn đính kèm vô số hình ảnh phòng the nhìn muốn... thẹn.
Không biết kêu cứu ở đâu, bà Dung và người nhà tìm đến Báo Thanh Niên nhờ lên tiếng, hỗ trợ để bà tránh xa chuyện xui rủi dịp đầu năm mới.

Vi phạm quyền nhân thân

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc an ninh mạng Athena, chia sẻ: “Thực trạng các trang bán hàng dùng họ tên, số điện thoại thật của khách để tạo hiệu ứng người thật, việc thật hòng thu hút lòng tin những người mua hàng khác là rất phổ biến. Tuy nhiên, chiêu trò dùng họ tên và số điện thoại thật của bà Dung khi bà không biết, không đồng ý là vi phạm quyền nhân thân của bà, là hành vi vi phạm an ninh mạng”.
Theo ông Thắng, để bảo vệ mình trên môi trường mạng, tránh xảy ra trường hợp tương tự, bạn đọc cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân. Tìm hiểu kỹ đối tác hoặc người yêu cầu cung cấp thông tin trước khi cung cấp. Từ đó, giảm nguy cơ bị lợi dụng thông tin cá nhân vào các giao dịch bất hợp pháp. Song song đó, chỉ nên giao dịch với các thương hiệu có uy tín, có tuổi đời lâu năm.
Trước câu hỏi bà Dung hoặc bạn đọc rơi vào trường hợp tương tự cần làm gì để buộc các trang bán hàng phải chấm dứt hành vi vi phạm và tiến đến việc buộc các đối tượng vi phạm phải chịu trách nhiệm, ông Võ Đỗ Thắng chia sẻ: “Bà Dung hoặc bạn đọc rơi vào tình huống tương tự, cần tìm lại số điện thoại đã gọi đến để mời mua hàng. Bên cạnh đó, trên các trang bán hàng luôn có số điện thoại để khách liên hệ. Bà Dung có thể gọi đến các số điện thoại đó và yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm. Nếu họ vẫn cố tình vi phạm thì tiến hành lập vi bằng về hành vi vi phạm của họ rồi tố cáo đến cơ quan chức năng như Sở Thông tin - Truyền thông sở tại, cảnh sát kinh tế, cục an ninh mạng để các cơ quan này xem xét, có những biện pháp xử phạt, truy tố, bồi thường thiệt hại (nếu có)”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.