Bóng đá trẻ xứ Nghệ, bao giờ mới lại có Phan Văn Đức?

07/05/2020 20:47 GMT+7

Trong quá khứ, Sông Lam Nghệ An từng được xem là lò đào tạo bóng đá trẻ số 1 của bóng đá Việt Nam với hàng loạt danh hiệu vô địch. Thế nhưng trong thời gian gần đây, bóng đá trẻ xứ Nghệ lại đang có dấu hiệu đi xuống

Sự xuất hiện của các lò đào tạo trẻ được đầu tư chuyên nghiệp và bài bản như Hà Nội, PVF, HAGL hay Viettel cùng với những chế độ đãi ngộ hấp dẫn khiến cho các lò đào tạo này trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút được các tài năng trẻ từ khắp mọi miền đất nước về đầu quân. Trong khi đó lò đào tạo Sông Lam Nghệ An vẫn với mô hình cũ đã không còn là “điểm đến ưa thích” của các gia đình muốn gửi gắm con em để đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp.

Chính vì thế cho nên không có gì là ngạc nhiên khi các đội trẻ của Sông Lam Nghệ An trong thời gian gần đây không còn là một thế lực ở các giải trẻ quốc gia. Thành tích tốt nhất của bóng đá trẻ Nghệ An ở các giải trẻ quốc gia trong vòng 5 năm trở lại đây khá khiêm tốn với chỉ duy nhất 1 lần giành ngôi á quân tại giải U.17 quốc gia 2018. Thậm chí không ít lần các đội trẻ xứ Nghệ còn không vượt qua được vòng loại để góp mặt ở các vòng chung kết.

Lực lượng trẻ của Sông Lam Nghệ An đang không còn khẳng định được ưu thế

CTV

Như vòng loại U.21 quốc gia năm rồi, lực lượng trong tay HLV Nguyễn Đình Dũng vừa yếu về chuyên môn, vừa thiếu về kinh nghiệm. Họ không chỉ kém đối phương ở trình độ, mà còn thua ở bản lĩnh trận mạc. Đây là điều dễ hiểu, bởi có khá nhiều cầu thủ của U.21 Sông Lam Nghệ An không thường xuyên được ra sân thi đấu ở các đội bóng tại V.League và hạng Nhất quốc gia. Mùa này dù có 5 cầu thủ trẻ 21 tuổi được đôn lên đội chính nhưng chỉ có Đặng Văn Lắm sớm tìm được chỗ đứng còn lại Thái Bá Sang, Mai Sỹ Hoàng, Nguyễn Văn Việt và Trần Ngọc Ánh may lắm mới được đăng ký vào danh sách dự bị. Còn ở vòng loại giải U.19 quốc gia năm nay, đội bóng xứ Nghệ đang xếp sau Thanh Hóa ở bảng B và rất khó chen chân dự Vòng chung kết nếu không vươn lên được đầu bảng.

Trong khi đó, các lò đào tạo trẻ khác với sự đầu tư đúng hướng đều đã vươn lên mạnh mẽ và gặt hái được những kết quả hết sức đáng khích lệ. Thanh Hóa, Viettel, HAGL đều đã 1 lần giành chức vô địch ở các giải trẻ quốc gia (Thanh Hóa và Viettel với lứa U.17, HAGL với lứa U.21), Đồng Tháp cũng có 2 lần đăng quang (với lứa U.17 và U.19), PVF còn gây ấn tượng hơn với 3 lần bước lên ngôi cao nhất (2 lần với lứa U.17, 1 lần với lứa U.19). Xuất sắc nhất phải kể đến lò đào tạo Hà Nội của bầu Hiển khi có tới 7 lần bước lên ngôi cao nhất (3 lần với lứa U.19, 4 lần ở lứa U.21) - một thành tích chứng tỏ chất lượng đào tạo cực tốt của lò đào tạo của Thủ đô.

Trần Mạnh Quỳnh cầu thủ U.19 chơi nổi bật, nhưng anh vẫn chưa thể sốc được SLNA vươn lên

Khả Hòa

Điều đó giải thích tại sao trong suốt hơn 2 năm qua, dưới triều đại của HLV Park Hang-seo chỉ có đúng 2 cầu thu trẻ xứ Nghệ được triệu tập vào các đội U.23 và Olympic Việt Nam tham dự các giải đấu khu vực và châu lục là Phạm Xuân Mạnh và Phan Văn Đức. Và đến khi 2 cầu thủ này chấn thương và quá tuổi thì không còn bất cứ 1 cầu thủ trẻ Sông Lam Nghệ An nào được góp mặt trong thành phần đội tuyển U.22 và U.23 Việt Nam tại SEA Games 30 cũng như vòng chung kết U.23 châu Á 2020 nữa - điều chưa từng bao giờ xảy ra trong lịch sử kể từ khi bóng đá Việt Nam quay trở lại hội nhập với sân chơi khu vực và châu lục.

Liệu đến bao giờ thì bóng đá trẻ SLNA mới có thể lấy lại được vị thế của mình như ngày xưa? Câu trả lời xin được dành cho những người làm bóng đá trẻ xứ Nghệ.

                                                                       

 

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.