Bóng đá thế giới trong năm 2021: Những giá trị cũ thống trị

31/12/2021 09:02 GMT+7

Khi nói những giá trị cũ tiếp tục thống trị bóng đá đỉnh cao, thì không nhất thiết cứ phải là sự thống trị của các lão tướng. Đừng chờ đợi nét mới đặc sắc nào, càng không thể có những cuộc cách mạng!

Như một hình ảnh tiêu biểu trong năm, ngôi sao trẻ nhất, mới mẻ nhất, cũng là hay nhất của bóng đá Anh Bukayo Saka dũng mãnh, tự tin tấn công, rốt cuộc chỉ để ngã vật trong sự tuyệt vọng vì hành động nắm cổ áo kéo ngược về sau của lão tướng Ý đã 37 tuổi Giorgio Chiellini. Và Ý thắng Anh trong trận chung kết EURO 2020 - trận đấu quan trọng nhất của bóng đá thế giới trong năm 2021.

Bóng đá là môn thể thao của muôn vàn quan điểm hoặc cách thưởng thức khác nhau. Đấy là Chiellini xấu xa, ti tiện, bẩn thỉu, hay đấy là Chiellini già dặn kinh nghiệm, bản lĩnh, tinh ranh, tùy mắt mỗi người. Nhưng tóm lại, chắc chắn đấy phải là một vai diễn phản diện. Và vai diễn ấy cuối cùng đã thắng. Tà thắng chính. Cũ thắng mới. Hiệu quả thắng vẻ đẹp.

Dù đã 34 tuổi nhưng Messi vẫn nổi bật trong làng bóng đá thế giới năm 2021

AFP

Bóng đá đỉnh cao không có nhiều gương mặt mới xuất sắc như Saka, dù gượng gạo thì cũng có thể điểm danh hẳn những “top 5”, “top 10”. Ở tuổi 34, Lionel Messi vẫn lập kỳ tích đoạt “Quả bóng vàng” lần thứ 7. Kỳ phùng địch thủ của anh suốt chục năm qua, Cristiano Ronaldo, tiếp tục đi vào huyền thoại bằng kỷ lục thật đáng tự hào về việc ghi bàn cho đội tuyển quốc gia, ở tuổi 36. Robert Lewandowski (33 tuổi) xô ngã kỷ lục ghi bàn trong một mùa bóng ở Bundesliga của huyền thoại Gerd Mueller. Karim Benzema trở lại hàng ngũ “Les Bleus” sau 5 năm vắng bóng, chơi thật xuất sắc trước khi lãnh giải cầu thủ Pháp hay nhất trong năm. Anh còn tỏa sáng để giúp Real Madrid bỏ xa mọi đối thủ ở La Liga. Đến Ibrahimovic, những 40 tuổi, vẫn ghi bàn một cách đầy ấn tượng trong màu áo AC Milan. Điểm danh những Saka, Pedri, Jude Bellingham, Mason Greenwood… cũng chẳng để làm gì, khi mà những ngôi sao trẻ như thế đều không có gì cụ thể để sánh với những “ông già gân”.

Khi nói những giá trị cũ tiếp tục thống trị bóng đá đỉnh cao, thì không nhất thiết cứ phải là sự thống trị của các lão tướng. Đừng chờ đợi nét mới đặc sắc nào, càng không thể có những cuộc cách mạng!

Cuộc cách mạng lớn nhất trong làng bóng chuyên nghiệp là nỗ lực tách rời khỏi các thế lực cũ, tự lập giải vô địch riêng, của ESL (European Super League) với 12 thành viên sáng lập là các CLB giàu mạnh nhất châu Âu hiện nay. Đấy là dự án kinh thiên động địa về chất lượng chuyên môn của một giải đấu. Nhưng đấy cũng là cuộc so găng chấn động của giới cầm quyền trong bóng đá đỉnh cao. Và kết cục, phe mạnh hơn về quyền lực đã thắng phe có tính chất bóng đá nhiều hơn. UEFA bóp chết ESL ngay từ trứng nước. Đồng nghĩa với việc sẽ không có một cái mới hoành tráng nào, kiểu như các CLB Anh tách khỏi FA để hình thành Premier League hàng chục năm trước.

Christian Eriksen đổ gục xuống sân, nhưng rốt cuộc vẫn thắng tử thần tại EURO 2020. UEFA tự gây scandal trong lễ bốc thăm vòng 1/8 Champions League. Đấy là những câu chuyện riêng rẽ, đáng nhớ. Cảm động có. “Thuyết âm mưu” cũng có. Nhưng nét mới quan trọng thì không. Argentina vô địch Copa America, trở lại ngôi cao ở đấu trường Nam Mỹ lần đầu tiên sau 28 năm. Ý còn phải chờ lâu hơn: Mất 53 năm để trở lại ngôi vô địch châu Âu. Tổng quát hơn thì bóng đá đỉnh cao vẫn vậy: tiền bạc và quyền lực vẫn là những chi tiết lớn nhất, quan trọng nhất chi phối môn thể thao vua từng được nâng tầm lên hàng nghệ thuật. Tiền và quyền càng trở nên quan trọng trong cái thời buổi mà kinh tế bóng đá đã suy thoái suốt 2 năm liền vì ảnh hưởng của cơn đại dịch trên toàn cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.