Bóng đá nữ Việt Nam: Rào cản cơ chế khiến nguồn lực đang bị lãng phí

16/02/2022 08:57 GMT+7

Việc trọng dụng nhân tài là các cầu thủ nữ Việt kiều chưa được quan tâm đúng mức khiến bóng đá nữ Việt Nam đang lãng phí nguồn lực lớn.

Đều tha thiết được khoác áo tuyển nữ Việt Nam

Có ít nhất 3 ứng viên sáng giá từng bày tỏ mong muốn về nước cống hiến cho tuyển nữ Việt Nam từ trước khi chúng ta đoạt vé đi World Cup. Năm 2019, 2 cầu thủ đang sống tại Mỹ là Lê Chelsea và Lê Kyah đã được ông nội và bố (là người Việt Nam) nhân chuyến về thăm quê hương, đưa đến tập luyện thử 10 buổi tại U.19 Việt Nam ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Hà Nội). Hai cô gái đã để lại ấn tượng rất tốt cho HLV đội U.19 Việt Nam Akira, thậm chí ông còn bày tỏ mong muốn: “Hy vọng đến năm 2023 khi Chelsea 22 tuổi, tôi mong cô ấy không ngừng nỗ lực để có thể cùng thi đấu cho tuyển nữ Việt Nam”.

Còn ông Lê Lâm, bố của 2 cầu thủ nữ, bày tỏ: “Gia đình tôi rất mong phản hồi từ Việt Nam, nếu được tin tưởng về chuyên môn, chúng tôi sẽ hợp tác để làm các thủ tục cần thiết, mong sao Chelsea và Kyah được thi đấu cho Việt Nam”. HLV Mai Đức Chung khi đó còn chia sẻ rằng nếu đội nữ Việt Nam vào được World Cup năm 2023 mà có được 1 đến 2 cầu thủ Việt kiều nữ thì chắc chắn sức mạnh sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, mong muốn của cha con nhà ông Lê Lâm và HLV Mai Đức Chung vẫn chỉ là giấc mơ. Lê Chelsea đang chơi bóng cho Trường ĐH Gonzaga (Mỹ), còn Lê Kyah đang đá cho CLB RES Roma (Ý).

Alexandra Huỳnh (trái) và Lê Chelsea rất muốn được khoác áo tuyển Việt Nam

WC Wanderers FC - Trần Tuấn Anh

Cũng không thể không nhắc đến Alexandra Huỳnh (Alex Huỳnh, tên Việt Nam là Huỳnh Bảo Yến) - trung vệ dày dạn kinh nghiệm từng chơi cho CLB Napoli (Ý), được xem có thể đem đến đóng góp chất lượng ngay lập tức cho tuyển nữ Việt Nam. Cao 1,67 m, Alex Huỳnh sinh ra và lớn lên, tập bóng đá tại Úc. Sau khi rời CLB Napoli, cô đã ký hợp đồng với CLB Fortuna Hjorring (Đan Mạch) - 1 trong 2 đội bóng thành công nhất Đan Mạch với 11 danh hiệu, từng đá chung kết giải nữ UEFA Cup 2002 - 2003. Từ tháng 1.2022, cô gái sinh năm 1994 này đã lần thứ 3 trở về chơi cho CLB Western Sydney Wanderers (Úc).

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, cô được gọi vào các đội U.17, U.20 và tuyển nữ Úc. Khá thú vị khi Alex Huỳnh từng đến Việt Nam một lần năm 2011, khi cô mới 17 tuổi trong màu áo U.19 Úc dự giải vô địch U.19 nữ châu Á ở TP.HCM, tranh vé dự U.20 World Cup 2012. Alex Huỳnh từng chia sẻ: “Trải nghiệm ở Việt Nam đã thôi thúc tôi muốn học tiếng Việt để tôi có thể tìm hiểu thêm một chút về lịch sử của mình. Nghĩ đến việc có thể chơi cho tuyển nữ Việt Nam, tôi cảm thấy hạnh phúc. Nhưng tôi biết, thủ tục để trở thành một tuyển thủ nữ Việt Nam không phải là điều dễ dàng”.

Tâm sự của Alex Huỳnh cũng là suy nghĩ trăn trở của HLV Mai Đức Chung. Cô chính là nhân tố mà ông Chung nhắc đến mới đây, ngay sau khi cùng đội nữ Việt Nam giành tấm vé dự World Cup 2023.

Không biết có kịp cho World Cup nữ 2023?

HLV Mai Đức Chung chia sẻ với Thanh Niên: “Bản thân tôi và một số lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đều mong muốn có cầu thủ nữ Việt kiều về thi đấu. Trở ngại lớn nhất chính là thủ tục nhập tịch. Tôi rất mong Việt Nam có cơ chế cởi mở hơn trong việc đón nhận những tài năng xa xứ. Họ rất tha thiết được cống hiến cho Tổ quốc. Nên chăng Việt Nam có cơ chế đặc biệt cho những tài năng đặc biệt. Chúng ta có nguồn lực khá dồi dào ở nước ngoài mà không trọng dụng thì lãng phí vô cùng. Tại World Cup 2023, chúng ta đối đầu với những đội bóng rất mạnh, đẳng cấp thế giới nên nếu có được 1 trung vệ tốt (cầu thủ đang thi đấu tại Úc) thì rất tuyệt vời. Ngoài ra, có 1 tiền vệ cũng đang sinh sống tại Úc, mang dòng máu Việt Nam. Làm thế nào để sớm nhập tịch cho họ kịp trước World Cup khởi tranh vào tháng 7 năm sau”.

Vướng mắc nằm ở đâu?

Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi, bổ sung ban hành tháng 6.2014, đã đưa ra khá nhiều quy định dành cho công dân nước ngoài muốn có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam, thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây: “Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam. Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam. Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam. Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam”.

Nếu dựa trên các điều kiện này thì những cầu thủ nữ vừa kể ở trên khó lòng được nhập quốc tịch trước World Cup 2023 nếu như họ vẫn giữ nguyên ý định xin khoác áo tuyển Việt Nam. VFF cũng từng có kế hoạch xin nhập tịch cho cầu thủ gốc Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài nhưng lại vướng quy định của luật nhập tịch. Các cầu thủ này không được cấp thẻ thường trú tại địa phương - nơi mà ông bà, cha mẹ họ từng sinh sống khi còn ở Việt Nam hoặc hiện tại vẫn có nhà ở Việt Nam nhưng họ không về ở trong một thời gian nhất định. Đây được xem là rào cản lớn nhất vì không một cầu thủ nào có thể bỏ hết công việc tại quốc gia mình đang sinh sống để về Việt Nam ở trong ít nhất 5 năm.

Một quan chức VFF cho biết theo luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi, bổ sung, người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch mà không cần điều kiện phải thường trú ở Việt Nam 5 năm, không cần phải biết tiếng Việt Nam nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam. Theo quan chức này, điều kiện như vậy cũng rất khó cho các cầu thủ nữ Việt Nam đang sống ở nước ngoài bởi cha mẹ họ hiện đều không phải công dân Việt Nam.

Yêu cầu của AFC “mỗi đội V-League phải nuôi thêm 1 đội nữ” chưa được ủng hộ

Không phải vô cớ mà năm 2021, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã bổ sung những tiêu chí mới về cấp phép CLB chuyên nghiệp và yêu cầu các liên đoàn bóng đá thành viên, trong đó có VFF, phải từng bước tuân thủ nghiêm túc. Theo đó, mỗi CLB V-League phải có ít nhất một đội bóng đá nữ tham gia giải ở cấp độ quốc gia, khu vực hoặc địa phương. Đây là quy định rất mới và được AFC xếp ở tiêu chí C khuyến khích thực hiện nhưng sẽ trở thành tiêu chí bắt buộc trong những năm tới. Các đội như Hà Nội FC, CLB TP.HCM, HAGL… phải đầu tư để nuôi thêm một đội bóng đá nữ. Quy định mới này đã vấp phải phản ứng của khá nhiều CLB Việt Nam. Lãnh đạo một CLB ở khu vực miền Bắc cho biết: “Chúng tôi mỗi năm lo mấy chục tỉ đồng để nuôi đội nam cũng đã bạc cả tóc, giờ bắt nuôi thêm đội nữ thì lấy đâu ra tiền”. Còn một CLB ở miền Trung chia sẻ rằng AFC không thấu hiểu tình cảnh của bóng đá Việt Nam nên đưa ra quy định trái khoáy. Nếu để có 1 đội nữ thì không khó nhưng nuôi cho tử tế như đội nam thì lại là cả vấn đề.

Tuy nhiên theo một quan chức VFF, kinh phí nuôi 1 đội nữ không cao như đội nam. Nếu đội nam cần ít nhất khoảng 60 - 120 tỉ đồng/năm thì đội nữ có thể chỉ cần 15 - 20 tỉ đồng/năm vì hiện đội nữ không có chuyển nhượng cầu thủ nên cũng bớt được một khoản lớn chi phí.

Trung Ninh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.