Bóng đá Hàn Quốc mất nhiều hơn được sau khi sa thải HLV Klinsmann

20/02/2024 15:42 GMT+7

Sa thải HLV Klinsmann, Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc (KFA) tạm thời xoa dịu dư luận trong nước, nhưng kỳ thực những điều họ mất đi từ vụ sa thải người chóng vánh này không ít.

Đầu tiên, KFA mất tiền, rất nhiều tiền khi sa thải HLV Jurgen Klinsmann hôm thứ Sáu (16.2) tuần trước. Theo ước tính, KFA phải chi khoảng 7,5 triệu USD (hơn 184 tỉ đồng) bao gồm tiền bồi thường hợp đồng trước thời hạn, cộng với tiền phạt khi sa thải chuyên gia nước ngoài, khi họ tuyên bố đuổi HLV Jurgen Klinsmann. Ngay cả khi KFA rất giàu, đây vẫn là con số không nhỏ.

Bóng đá Hàn Quốc mất nhiều hơn được sau khi sa thải HLV Klinsmann- Ảnh 1.

KFA mất rất nhiều tiền khi sa thải HLV Klinsmann

AFP

Cái mất tiếp theo của bóng đá Hàn Quốc sau vụ Klinsmann đó là uy tín. Ở thời điểm bị sa thải, thành tích của vị HLV người Đức đối với đội tuyển Hàn Quốc không tệ.

Cụ thể, ông Klinsmann đưa đội bóng được mệnh danh là "mãnh hổ châu Á" vào đến bán kết Asian Cup 2023, tức là vượt qua thành tích của chính đội này ở kỳ giải gần nhất dưới thời HLV Paulo Bento (người Bồ Đào Nha). Ở Asian Cup 2019, Hàn Quốc bị loại ở tứ kết. Còn bàn về ngôi vô địch, trong suối 64 năm qua, từ năm 1960 đến nay, chưa có HLV nào giúp Hàn Quốc vô địch châu Á, đâu riêng gì HLV Klinsmann.

Những lý do mà KFA đưa ra để sa thải HLV Klinsmann có thể hợp lòng giới bóng đá và người hâm mộ ở Hàn Quốc, nhưng chưa đủ thuyết phục giới chuyên môn, người hâm mộ trung lập trên toàn cầu.

Ví dụ như ông Klinsmann còn một mục tiêu nữa đối với đội tuyển Hàn Quốc, đó là thi đấu ấn tượng tại World Cup 2026. Giải đấu này vẫn chưa diễn ra, về lý thuyết vị HLV người Đức vẫn còn thời gian và vẫn có khả năng thực hiện được mục tiêu đấy.

Trước mắt, Hàn Quốc đang toàn thắng tại vòng loại World Cup, ghi được 8 bàn thắng và chưa để thủng lưới bàn nào sau 2 trận thuộc vòng loại thứ 2 (thắng Singapore 5-0 và thắng Trung Quốc 3-0). Cũng về lý thuyết, đội bóng của ông Klinsmann đang trên con đường thênh thang giành vé vào vòng chung kết World Cup.

Việc một bộ phận chuyên môn và phần đông người hâm mộ Hàn Quốc chỉ trích HLV Klinsmann thiếu thành tích trước khi dẫn dắt đội tuyển Hàn Quốc càng không đúng. Bởi vì trước đó, vị HLV này từng đưa đội tuyển Đức vào đến bán kết World Cup 2006, giữa giai đoạn mà bóng đá Đức có dấu hiệu suy thoái. Sau đó, ông Klinsmann đến Mỹ, giúp đội Mỹ vô địch Gold Cup (giải vô địch bóng đá khu vực Bắc, Trung Mỹ và Caribe CONCACAF) năm 2013.

Bóng đá Hàn Quốc mất nhiều hơn được sau khi sa thải HLV Klinsmann- Ảnh 2.

Đội tuyển Hàn Quốc thi đấu thiếu thuyết phục ở Asian Cup 2023

AFP

Rốt cuộc, HLV Klinsmann bị sa thải chủ yếu vì bất đồng quan điểm, không làm vừa lòng giới bóng đá và người hâm mộ Hàn Quốc, chứ không phải do thành tích.

Chẳng hạn như chuyện một vài người công khai chỉ trích ông Klinsmann khi ông ở Mỹ và ở châu Âu nhiều hơn ở Seoul (Hàn Quốc), trong thời gian ông nắm đội tuyển Hàn Quốc khoảng 1 năm qua.

Rồi khi đội tuyển Hàn Quốc bị Jordan đánh bại tại bán kết Asian Cup 2023, người ta lại thấy ông Klinsmann… cười. Hoặc khi đội tuyển Hàn Quốc bị đối thủ rất yếu Malaysia cầm hòa 3-3 ở vòng bảng giải vô địch châu Á vừa rồi, người ta lại thấy HLV Klinsmann dửng dưng như không.

Thái độ đấy của HLV Klinsmann khiến giới bóng đá Hàn Quốc khó chịu, cộng thêm việc ông này công khai đáp trả các chỉ trích từ phía giới chuyên môn tại Hàn Quốc ngay trước Asian Cup khởi tranh, khiến người ta càng muốn dồn sức ép về phía HLV Klinsmann.

Dù vậy, như đã nói, đây chỉ là khác biệt về mặt quan điểm. Những ai quen với hình ảnh của HLV Klinsmann từ ngày ông này còn là cầu thủ cho đến khi trở thành HLV, sẽ không khó bắt gặp nụ cười thường trực trên môi vị HLV người Đức này. Thay vì ôm mặt khóc nức nở sau những thất bại giống các ngôi sao bóng đá Hàn Quốc ngày nay, ông Klinsmann thường tươi tỉnh hơn.

Việc HLV Klinsmann từ chối bình luận về quyết định sa thải ông do KFA đưa ra, càng chứng tỏ HLV Klismann đang nắm ưu thế trong sự việc này.

Ông không cần giải thích, chỉ có KFA và bóng đá Hàn Quốc mới đang khó nhọc giải thích với dư luận quốc tế, nhất là với giới chuyên môn tại châu Âu, rằng tại sao một HLV không hề thất bại về mặt chuyên môn vẫn bị bóng đá Hàn Quốc sa thải bằng… 1 cú điện thoại? Rồi tại sao hơn 30 năm qua, có đến 7/9 đời HLV ngoại ở đội tuyển Hàn Quốc phải rời đội này rất chóng vánh, trong vòng chưa đầy 2 năm cầm quân?

Một khi câu chuyện các HLV ngoại không thể tại vị lâu dài ở đội tuyển Hàn Quốc mang tính lặp đi lặp lại, thì lỗi chưa chắc thuộc về người bị sa thải. Vả lại, lần này, sau khi đuổi HLV Klismann đi rồi, bóng đá Hàn Quốc cực khó thuyết phục các HLV ngoại có tầm cỡ hợp tác với họ trong tương lai!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.