Bọn buôn người lập trại trên biển giam di dân Rohingya

29/05/2015 19:41 GMT+7

(TNO) Trong khi chính phủ các nước đang cố tìm giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng di dân ở Đông Nam Á, bọn buôn người lập trại tị nạn trên biển, giam giữ họ và tống tiền.

(TNO) Trong khi chính phủ các nước đang cố tìm giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng di dân ở Đông Nam Á, bọn buôn người lập trại tị nạn trên biển, giam giữ những người di cư và tống tiền gia đình họ.

Hàng ngàn người Rohingya vẫn còn bị giam giữ ở ngoài biển - Ảnh: Reuters
The Guardian (Anh) hôm nay 29.5 cho biết hàng ngàn người Rohingya và Bangladesh lênh đênh trên biển ngoài khơi Andama (miền nam Myanmar, miền tây Thái Lan), tính mạng đang bị đe dọa và có nguy cơ chết ngoài biển nếu không được cứu hộ kịp thời.
Tờ báo cho biết sau khi giới chức Malaysia và Thái Lan có chính sách mạnh tay đối với di dân, những đối tượng buôn người cũng thay đổi chiến lược, không cho thuyền nhân vào bờ, giam giữ họ trên những chiếc thuyền lớn và bắt đầu tống tiền họ và người thân.
"Những nhóm buôn người nhất quyết không chịu bỏ cuộc và bắt đầu thành lập trại tị nạn trên biển để giam giữ họ", Chris Lewa - người sáng lập Arakan Project, chương trình giúp đỡ những người tị nạn, phát biểu.
The Guardian phỏng vấn những người sống sót sau khi trốn thoát khỏi những trại tị nạn trên biển này. Một phụ nữ trong số đó kể lại bà và những người khác bị giam giữ trên con tàu lớn có 6 tầng, trong đó có 3 tầng hầm và tất cả mọi người bị đối xử như súc vật.
“Chúng tôi bị bỏ đói, đánh đập và bắt phải gọi điện về gia đình, nộp tiền chuộc cho bọn buôn người, trong khi phụ nữ bị hãm hiếp”, người phụ nữ may mắn thoát nạn kể.
Một nhân chứng khác nói ông ta lênh đênh trên biển 3 tháng trời từ tháng 2 đến tháng 4.2015. Người này cũng trải qua những tháng ngày khốn khổ bị đánh đập, bị bỏ đói. Chỉ khi họ đưa tiền thì mới được yên thân. Nhiều người không chịu được đói khát đã chết ngay phòng giam và bị vứt xác xuống biển, làm mồi cho cá.
Các tín đồ Hồi giáo tại Indonesia biểu tình trước đại sứ quán Myanmar ở Jakarta phản đối
các chính sách phân biệt đối xử của Myanmar với người Rohingya Hồi giáo - Ảnh: AFP
Chưa tìm ra giải pháp
Trong khi hàng ngàn thuyền nhân đang bị giam giữ ở ngoài khơi, 17 quốc gia bao gồm các nước thành viên ASEAN, Úc, Bangladesh, New Zealand, Mỹ, Nhật Bản và Thụy Sĩ nhóm họp sáng nay 29.5 ở Bangkok, Thái Lan để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng di dân.
Ngoại trưởng Thái Lan Thanasak Patimaprakorn cảnh báo di dân đến các nước Đông Nam Á đang ở mức "báo động", nếu không có biện pháp dòng di dân sẽ tiếp tục đổ về khu vực này, theo trang tin International Business Times (Mỹ).
Tờ Bangkok Post nói rằng không có đại diện nào đưa ra được con số chính xác có bao nhiêu thuyền nhân đang hướng về bờ biển Thái Lan, Malaysia và Indonesia và họ xuất phát từ những nơi nào. Tuy nhiên, Giám đốc Tổ chức Di trú Quốc tế William Lacy cho biết làn sóng di dân ở Đông Nam Á không giống với khu vực Địa Trung Hải, người Rohingya và Bangladesh di cư ngoài lý do kinh tế còn có yếu tố chính trị.
Ông Lacy cho rằng giải pháp chính là ổn định cuộc sống cho người dân ở quê nhà, sao cho họ không còn bị phân biệt, kỳ thị, theo tờ Bangkok Post.
Mynamar, nước bị chỉ trích là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng di dân bắt đầu từ đầu năm nay, phủ nhận trách nhiệm này. Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar, ông Htin Lynn nói: "Không thể đổ hết trách nhiệm lên một mình Myanmar", hãng truyền thông BBC (Anh) cho hay.
BBC cho rằng cuộc họp không đạt được mục tiêu tìm ra giải pháp cho khủng hoảng di dân, các nước thậm chí không thống nhất được nguyên nhân gây ra khủng hoảng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.