'Bom' thực phẩm nhiễm chì: Người tiêu dùng Việt quá thiệt thòi

Tháng 5 vừa qua, tòa án bang Missouri (Mỹ) đã ra phán quyết buộc Hãng Johnson & Johnson (J&J) phải bồi thường 55 triệu USD cho một khách hàng do sử dụng phấn rôm của hãng này để vệ sinh khiến bà bị ung thư buồng trứng và phải cắt bỏ tử cung.

Trước đó, tháng 2.2016, cũng một tòa tại bang này buộc J&J bồi thường 72 triệu USD cho một phụ nữ bị ung thư buồng trứng và đã qua đời cũng do sử dụng phấn rôm của hãng này để vệ sinh liên tục trong 35 năm.
35% ung thư tại VN do thực phẩm bẩn
Luật sư Nguyễn Quốc Toản (Đoàn luật sư TP.HCM): Người tiêu dùng nếu phát hiện sản phẩm bị độc hại, gây ảnh hưởng sức khỏe mình và người thân, nên có thói quen khởi kiện hoặc nhờ tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện nhà sản xuất. Đặc biệt, với những sản phẩm mà khi nạp vào cơ thể, phải sau thời gian tích tụ mới phát bệnh, đừng vì những lo ngại về chứng cứ mà bỏ qua những quyền lợi của mình.
Nghiên cứu cho thấy, ước tính đến năm 2020, VN có khoảng 200.000 ca ung thư mới và trở thành quốc gia có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới. Số liệu từ Hội Ung thư VN cho thấy, số ca mắc ung thư tại VN đang tăng nhanh, trong đó, tác nhân thực phẩm bẩn đứng hàng đầu, chiếm 35%, còn lại là do thuốc lá, di truyền và một số nguyên nhân khác. Những vụ bồi thường ở Mỹ và những người bị ung thư vì thực phẩm bẩn ở VN lại khác nhau một trời, một vực.
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cho rằng người tiêu dùng VN hiện nay quá thiệt thòi. Theo quy định, nguyên tắc phải chứng minh được thiệt hại thì mới có cơ sở khiếu kiện. Cụ thể khi sử dụng sản phẩm, nếu người dùng bị ngộ độc, vô bệnh viện thì mới có chứng cứ khởi kiện để yêu cầu bồi thường. Trong khi uống chai nước ngọt bị nhiễm chì chưa đủ bị ngộ độc ngay nhưng lượng chì đó cứ tích tụ dần trong người, sau bao nhiêu năm mới gây ra nhiều loại bệnh khác thì người dùng cũng không có đủ chứng cứ để khởi kiện các doanh nghiệp sản xuất.
Đó là chưa kể theo quy định, người dùng cũng không có gì chứng minh rằng đã mua và đã sử dụng chai nước ngọt đó. Luật gia Phan Thị Việt Thu phân tích: “Nếu mua hàng có hóa đơn, còn lưu giữ hóa đơn thì còn có chứng cứ. Nhưng mua vài chai nước ngọt ở cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ thì làm gì có hóa đơn mà đòi khởi kiện. Bởi vậy người dùng chỉ có cách chịu thua, bó tay dù biết rằng mình đã ăn uống phải chất độc hại. Ngay cả luật Hình sự mới cũng có bổ sung quy định là khi người dùng đem thực phẩm đi xét nghiệm, nếu có địa chỉ nhà sản xuất rõ ràng thì doanh nghiệp đó sẽ bị xử phạt nhưng cũng không có quy định đến vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dùng. Rõ ràng người tiêu dùng VN đã ăn rất nhiều chất độc hại nhưng không được ai bồi thường. Ngay cả chuyện người dùng phản ánh việc nước giải khát có hiện tượng bị mốc, có ruồi... nhưng cũng không có quy định nào nói về việc đền bù thiệt hại cho người dùng. Có thể nói các quy định của VN còn quá xa rời thực tế, chưa bảo vệ được quyền lợi của người dân”.
Theo chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, thói quen sử dụng tiền mặt thay vì sử dụng thẻ trong thanh toán tại VN hiện gây bất lợi cho người tiêu dùng nếu xảy ra kiện cáo. Chẳng hạn, người tiêu dùng uống chai nước ngọt đã 5 năm, bị ngộ độc chì, muốn kiện nhà sản xuất, rất khó tìm chứng cứ hoặc chứng cứ mỏng để thực hiện việc kiện thành công. “Giao dịch thương mại tại VN không thuyết phục về mặt bằng chứng nên khó bảo vệ quyền lợi của chính mình. Và đó cũng chính là “kẽ hở” trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tẩy chay thực phẩm bẩn
Mặc dù vậy theo các chuyên gia, những nhà sản xuất làm ăn không đàng hoàng về lâu dài cũng khó có đất sống bởi cạnh tranh trên thị trường nước giải khát ngày càng khốc liệt. Càng ngày, người tiêu dùng càng chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đang chở khách đi trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM), anh Hoàng Vũ (tài xế xe dịch vụ Uber) tấp xe vào lề đường hỏi mua chai nước giải khát 10.000 đồng được ướp lạnh trong thùng xốp. Hỏi Vũ có thường xuyên uống nước ngọt không, anh trả lời: “Em không biết uống bia, nhưng nước đóng chai cứ loại nào mát mát ngọt ngọt là uống tuốt. Thỉnh thoảng lại nghe loại này nhiễm chì, loại kia sử dụng nguyên liệu hết date thì lại bỏ tìm loại khác uống”.
Hỏi Vũ có nghĩ mình sẽ khởi kiện nhà sản xuất nếu được kết luận là bị bệnh từ loại nước giải khát mà mình là khách hàng nhiều năm hay không, Vũ lắc đầu: “Nước mình mua, uống vào bụng rồi, vỏ chai cũng ném đi rồi, ai biết mình uống mà kiện. Thôi cứ nghe chỗ nào tai tiếng thì tìm cái khác cho khỏe”.
Ngay trước cổng Trường THCS Lý Thường Kiệt (Thiên Phước, Q.Tân Bình, TP.HCM), chị Nguyễn Thanh Phương, mẹ của bé Thanh Tâm, học sinh lớp 4, cũng thừa nhận, nếu xảy ra vấn đề gì với những sản phẩm nước giải khát bị nhiễm bẩn, chì, chất hóa học vượt ngưỡng cho phép chắc chắn chị là “nạn nhân” đầu tiên bởi ngày nào chờ con học tiếng Anh gần 2 tiếng ở đây, chị đều “tu” một chai nước ngọt cả. “Tôi chọn nước trà xanh đóng chai vì nghĩ trà xanh sẽ giảm béo, ai ngờ” chị bỏ lửng và cho biết chị đã có loại nước thay thế.
Theo quan sát của chúng tôi, những sản phẩm nước ngọt được bày bán trên thị trường, nhãn mác bao bì đều luôn có nhưng công bố hợp quy, số giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đầy đủ. Thậm chí, sản phẩm ghi rõ là “không chất bảo quản”, song thời hạn đến 1 năm. Nhưng các chuyên gia thực phẩm khẳng định, đa số chất bảo quản được ghi trá hình dưới dạng loại muối hữu cơ hoặc tên khoa học mà người tiêu dùng bình thường không thể biết. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc, làm rõ những công bố, khuyến cáo mập mờ của nhà sản xuất để bảo vệ người tiêu dùng trước ma trận thực phẩm bẩn hiện nay.
Yêu cầu tiếp tục thu hồi 2 lô sản phẩm không đạt của URC VN
Ngày 4.8, Thanh tra Bộ Y tế cho biết đã có kết luận chính thức về thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm của Công ty URC tại VN (Công ty TNHH URC VN - Bình Dương, Công ty TNHH URC Central Quảng Ngãi và Công ty TNHH URC Hà Nội).Thời hạn thanh tra từ 20.5 - 30.6.2016.
Theo kết luận, tại Công ty TNHH URC Hà Nội, ngoài 2 lô sản phẩm có hàm lượng chì không đạt so với mức công bố và đã bị buộc thu hồi, xử lý là trà xanh hương chanh C2 (NSX 4.2.2016 - HSD 4.2.2017) và thực phẩm bổ sung nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ (NSX 10.11.2015 - HSD 10.8.2016) thì Thanh tra Bộ Y tế còn cho biết tại đây còn một số tồn tại như kho bảo quản sản phẩm không đảm bảo kín. Thanh tra yêu cầu Công ty URC tại VN thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm. Riêng URC Hà Nội tiếp tục thu hồi 2 lô sản phẩm thực phẩm có kết quả kiểm nghiệm không đạt để xử lý theo quy định; tổng hợp kết quả việc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm không đạt, báo cáo về Thanh tra Bộ Y tế sau khi kết thúc.
Duy Tính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.