Bollywood đang lung lay, vì đâu đến nỗi?

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
03/09/2022 11:10 GMT+7

Bollywood, một trụ cột văn hóa của Ấn Độ hiện đại, đang mất dần sức hấp dẫn và có thể bị phá vỡ.

Đó là nhận định của Akshay Kumar - một trong những ngôi sao lớn nhất và sáng nhất của Bollywood sau khi ngành công nghiệp điện ảnh nói tiếng Hindi vốn đã mê hoặc người Ấn Độ và thế giới gặp thất bại.

“Điện ảnh không còn hoạt động. Đó là lỗi của chúng tôi, lỗi của tôi”, Akshay Kumar nói với các phóng viên trước khi bộ phim mới anh đóng là Raksha Bandhan ra rạp. “Tôi phải thay đổi, phải hiểu khán giả muốn gì. Tôi muốn xóa bỏ cách nghĩ về thể loại phim mà tôi nên làm”.

Cảnh nhảy múa và ca hát không thể thiếu trong phim Bollywood

t.l

Gia tăng các dịch vụ phát trực tuyến trong đại dịch Covid-19 đã gây ra sự mệt mỏi ngày càng tăng cho Bollywood khi mà thế hệ trẻ, những người xem nhiều phim Ấn cho là lỗi thời và không hợp thời trang.

Trong số các bản phim Bollywood phát hành năm nay, hơn một nửa thất bại về doanh thu, theo trang web Koimoi, chuyên theo dõi dữ liệu ngành điện ảnh.

Con số này cao gấp đôi so với tỷ lệ thất bại là 39% vào năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 gây chấn động xã hội và buộc hàng trăm triệu người Ấn Độ phải từ bỏ rạp chiếu phim. Trong nhiều thập kỷ trước, pháo đài Bollywood luôn là nguồn doanh thu lớn.

Christina Sundaresan, một bà mẹ 40 tuổi có hai cô con gái tuổi teen ở Mumbai, từng xem ít nhất một phim Bollywood mỗi tuần trong rạp trước đại dịch. Giờ đây cô rất hiếm đến rạp. “Các con gái của tôi thường xem mọi bộ phim cùng tôi, nhưng giờ chúng cũng không còn hứng thú nữa. Chúng rất thích các chương trình và loạt phim Hàn Quốc phát sóng trên các nền tảng trực tuyến”.

Các gã khổng lồ phát phim trực tuyến như Netflix, Amazon Prime ra mắt vào năm 2016 cung cấp nội dung đa dạng ở Mỹ, châu Âu cũng như Ấn Độ và một số khu vực châu Á các bom tấn từ Parasite, Avengers đến Squid Game, Game of Thrones...

Một phần tư trong số 1,4 tỉ người Ấn hiện đang sử dụng các dịch vụ như vậy, tăng mạnh từ khoảng chỉ 12% so với năm 2019, theo công ty dữ liệu thị trường Statista. Con số này dự kiến ​​sẽ đạt 31% vào năm 2027 và vẫn còn dư địa để tăng trưởng, có thể chiếm khoảng 80% như Bắc Mỹ.

Đại dịch Covid-19 là nguyên nhân?

Doanh thu phòng vé Ấn Độ tăng hằng năm trong một thập kỷ trước, đạt khoảng 2 tỉ USD vào năm 2019 trước khi sụt giảm khi đại dịch ập đến. Doanh số bán vé đã giảm hằng tháng kể từ tháng 3 năm nay. Theo nghiên cứu từ Ngân hàng đầu tư Elara Capital, doanh thu của các bộ phim Bollywood dự kiến ​​sẽ giảm 45% trong quý 3 từ tháng 7 đến tháng 9.2022 so với mức trước đại dịch.

Qua các cuộc phỏng vấn của Reuters với người hâm mộ điện ảnh, cũng như hàng loạt công ty trong ngành điện ảnh bao gồm nhà sản xuất, nhà phân phối phim và điều hành rạp chiếu thì Bollywood không còn xem khán giả đến rạp là điều hiển nhiên, buộc phải thích ứng nếu muốn tồn tại và phát triển.

Poster phim Laal Singh Chaddha tại một rạp chiếu ở New Deli, Ấn Độ ngày 17.8.2022

Reuters

Bốn trong số các giám đốc điều hành đã vẽ nên một bức tranh về sự bối rối và lo lắng cho ngành điện ảnh Ấn khi các hãng phim tung những bộ phim được lên kế hoạch ra rạp trước khi đại dịch xảy ra nhưng phải hoãn. Trong khi đó khán giả ngày càng gia tăng thuê bao dịch vụ sử dụng bộ truyền phát, được gọi là OTT hoặc over-the-top ở Ấn Độ.

Rajender Singh Jyala, giám đốc phát hành INOX, cho biết các nhà sản xuất đang chạy đua để làm lại kịch bản và cân nhắc việc chi trả cát-xê diễn viên theo hiệu suất phòng vé thay vì trả trước.

“Trong thời đại dịch không có phim nào phát hành, mọi thứ đều đóng cửa. Mọi người có nhiều thời gian hơn để xem trên OTT với nhiều nội dung khác nhau. Vì vậy, doanh thu phim chiếu rạp từ các năm trước không có giá trị vào thời điểm hiện nay”, Singh Jyala nhận định.

Không thể quay ngược đồng hồ trở lại thời kỳ hoàng kim của Bollywood nhưng các nhà sản xuất nói rằng một vài bom tấn có thể thổi luồng sinh khí mới và hi vọng tìm thấy sự cân bằng doanh thu với dịch vụ phát trực tuyến.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Toàn cầu OP Jindal gần New Delhi nhận thấy rằng phim Ấn Độ đều dựa vào doanh thu chiếu rạp với gần 3/4 doanh số. Ngược lại, các bộ phim trên toàn cầu chỉ thu được ít hơn một nửa thu nhập từ các phòng vé, theo số liệu của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ.

Đâu là giải pháp cứu Bollywood?

Những người hâm mộ Bollywood, một ngành điện ảnh có tuổi đời hàng thế kỷ, nói rằng có thể phát triển để phù hợp hoàn cảnh hiện tại. Những thay đổi gần đây về nội dung phim xoay quanh việc giới thiệu các mối quan hệ đồng tính nam, nhân vật chuyển giới...

Đối với Vaishnavi Sharma, sinh viên Đại học New Delhi, các hãng phim chỉ cần đẩy mạnh kịch bản. “Cốt truyện là vấn đề chính. Kể từ hai năm qua, khán giả đã tiếp xúc với rất nhiều chủ đề mới và họ cũng được làm quen với các khái niệm mới của điện ảnh toàn cầu. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng Bollywood đang thiếu những điều đó”, cô nói.

Sự thể hiện kém cỏi doanh số bán vé của phim Raksha Bandhan là minh chứng mới nhất cho việc làm phim kém hiệu quả.

Laal Singh Chaddha là phiên bản làm lại của bom tấn Hollywood Forrest Gump năm 1994, chỉ thu được khoảng 7 triệu USD tiền bán vé - đạt một phần tư kinh phí sản xuất - dù được phát hành vào ngày 11.8, trước lễ hội Ganesh Chaturthi. Rajender Singh Jyala cho biết phim chiếu trực tuyến đã làm giảm một phần tư số buổi chiếu của Laal Singh Chaddha.

Nhân viên soát vé đợi khán giả đến xem phim Laal Singh Chaddha do Aamir Khan đóng chính

Reuters

Một nhà sản xuất phim của Bollywood hiện có hai bộ phim kinh phí lớn đang xếp hàng để phát hành, nói với Reuters (yêu cầu giấu tên) rằng các nhà sản xuất đang “cân chỉnh lại mọi thứ” cho các dự án mới, từ ngân sách, kịch bản cho đến việc lựa chọn diễn viên.

“Chúng tôi phải thích nghi với yêu cầu khán giả và những gì họ muốn. Tôi không có câu trả lời”, nhà sản xuất này nói.

Chi phí đến rạp phim là một vấn đề quan trọng được những người hâm mộ điện ảnh và những người làm trong ngành quan tâm vào thời điểm mà Ấn Độ, giống như phần lớn thế giới, đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế, khi chi phí sinh hoạt gia tăng.

Một buổi đi xem phim trên màn ảnh rộng thường tiêu tốn của một gia đình từ 3.000 đến 5.000 rupee (35- 60 USD), một mức giá cao ở quốc gia có nhiều người sống trong cảnh nghèo khổ, thu nhập trung bình hằng năm 160.000 rupee (2.000 USD) trong khi phí thuê bao tháng cho dịch vụ phát trực tuyến chỉ khoảng 150 rupee (1,8 USD).

Anil Thadani đang sở hữu một công ty sản xuất và phân phối phim, kết hôn với nữ diễn viên Bollywood Raveena Tandon, cho biết: “Phải có sự điều chỉnh ở đâu đó, ngân sách đầu tư phim cần được xem lại, chi phí xem phim cũng phải giảm. Ngành công nghiệp điện ảnh Bollywood đang sản xuất những bộ phim xa rời đại chúng. Một phần lớn dân số của chúng tôi không phải lúc nào cũng đồng tình với những bộ phim này”.

Sundaresan, mẹ của các cô gái tuổi teen ở Mumbai, lặp lại bình luận này. Cô nói: “Đến rạp, ngồi một chỗ mà không xem được bộ phim đúng sở thích của mình dường như là sự lãng phí thời gian. Có rất nhiều thứ hay hơn để xem trên OTT”.

Karan Taurani, nhà phân tích truyền thông tại Elara Capital, cho biết ông mong đợi sự thay đổi cát-xê trả cho các diễn viên chính. Hầu hết các nhà sản xuất hướng tới mô hình chia sẻ doanh thu và ngân sách của bộ phim với diễn viên.

“Đã hơn năm tháng từ khi các rạp chiếu phim hoạt động bình thường trở lại nhưng chỉ có ba phim thành công về doanh thu dù không có các ngôi sao lớn”, Taurani nói thêm.

Dĩ nhiên, sẽ không có “cuộc đại tu Bollywood ngay lập tức”, Taurani cảnh báo. “Sự rung chuyển sẽ xảy ra vào đầu năm tới sau khi mùa phim hiện tại được thực hiện trong và trước khi đại dịch xảy ra”.

Bollywood là tên gọi không chính thức được đặt cho ngành công nghiệp sản xuất điện ảnh nói tiếng Hindi có trụ sở tại Bombay, Ấn Độ. Tên Bollywood là sự kết hợp giữa Bombay, tên gọi cũ của thành phố Mumbai và Hollywood, kinh đô điện ảnh của Mỹ. Đây được coi là ngành công nghiệp sản xuất phim lớn nhất thế giới tính theo số lượng phim sản xuất hằng năm cũng như số vé bán ra tại các rạp chiếu phim.

Bollywood đã trở thành một phần quan trọng của văn hóa không chỉ ở Ấn Độ, tiểu lục địa Ấn mà còn lan rộng sang Trung Đông, một phần của châu Phi, một phần khu vực Đông Nam Á và cộng đồng người Nam Á trên toàn thế giới. Bollywood có lượng khán giả đông nhất tại các nước như Anh, Canada, Úc, Mỹ nơi có một lượng lớn người nhập cư gốc Ấn với các bộ phim mang nội dung xã hội kèm theo hát và nhảy múa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.