'Bội thực' phim Việt làm theo xu hướng thịnh hành

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
04/08/2019 06:14 GMT+7

Không hiếm phim Việt thời gian gần đây được làm theo 'trend' (từ tiếng Anh có nghĩa 'xu hướng') để bắt kịp và phục vụ thị hiếu số đông.

Cứ thể loại phim và nội dung nào đang thu hút người xem là nhà sản xuất đổ xô vào thực hiện. Nhà sản xuất Hồng Ánh cho biết: “Nếu cứ cho ra các phim na ná nhau thì người làm nghệ thuật đã bỏ quên sự sáng tạo. Khán giả hiện đang bội thực với phim hài, phim thanh xuân, ngôn tình, học đường... theo “hot trend” (xu hướng thịnh hành) bởi nhà làm phim chạy theo đề tài này quá nhiều. Đâu phải phim nào theo nội dung này cũng thắng về doanh thu, vậy mà đổ xô vào làm để rồi thị trường bão hòa, thậm chí có phim lỗ nặng”.
Ở VN hay có kiểu “thấy người ta ăn khoai, vác mai đi đào”. Trong lĩnh vực điện ảnh cũng vậy, các nhà sản xuất khi thấy một dạng phim, thể loại nào đó ăn khách là lao vào làm tiếp kiểu phim tương tự. Chạy theo “trend”, nhưng đáng tiếc khi phim làm xong để ra chiếu thì “trend” đã nguội, bởi riêng thời gian tiền kỳ, hậu kỳ ít nhất cũng mất vài tháng nên có phim kéo dài cả năm cho đến vài năm.
Thành công của phim học đường Em chưa 18 với kinh phí thấp lại đạt doanh thu 171 tỉ đồng khiến nhà làm phim Việt nháo nhào chọn kịch bản đề tài này để thực hiện, như: Em gái mưa, Hạ cuối tình đầu, Trường học bá vương, Tình đầu thơ ngây... Rồi khi trào lưu làm phim “ngôn tình” lên ngôi với 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy thì tiếp đó có ngay 4 năm 2 chàng 1 tình yêu, Thử yêu rồi biết, Cà chớn anh đừng đi, Thật tuyệt vời khi ở bên em...
Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ ăn khách, mở đầu cho làn sóng phim remake (làm lại) phim Hàn Quốc, ngay sau đó có Ông ngoại tuổi 30, Sắc đẹp ngàn cân, Yêu em bất chấp (Cô nàng ngổ ngáo), Tìm vợ cho bà, Kế hoạch đổi chồng... Sắp tới sẽ có tiếp Anh trai yêu quái được làm lại từ My annoying brother. Khi phim cung đấu Diên Hi công lược của Trung Quốc “làm mưa làm gió” màn ảnh nhỏ thì nhà sản xuất Việt làm liền phim chiếu rạp Xóm trọ 3D: Cung tâm kế. Dạng phim “cung đấu” này sẽ còn tiếp với các phim chuẩn bị ra rạp dù có cải biên ở bối cảnh hiện đại: Chị chị em em, Gái già lắm chiêu 3: Tứ đại mỹ nhân, Cậu chủ ma cà rồng...
Những người làm sau cứ nghĩ có lối đi là sẽ “dễ làm, dễ hưởng”, mà không thấy sự cũ kỹ và lặp lại khi chạy theo “trend”. Khán giả càng ngán ngẩm khi cứ phải xem những mô típ phim giống nhau, không khai thác được mảng miếng, câu chuyện riêng.
Phải khẳng định rằng thị hiếu của khán giả rất khó lường, và phim trước thành công không có nghĩa là phim làm theo kiểu đó cũng sẽ hốt bạc. Nếu cứ chăm chăm làm phim theo “trend” thì không chỉ làm cho chất lượng phim Việt tụt giảm mà còn hạn chế tính sáng tạo trong mỗi tác phẩm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.