Bộ xương voi ma mút 10.000 năm còn gân, da được tìm thấy từ đáy hồ Siberia

06/08/2020 20:00 GMT+7

Các nhà khoa học Nga đang nghiên cứu bộ xương được bảo quản vô cùng tốt của một con voi ma mút lông xoắn 10.000 năm tuổi sau khi hoàn toàn chiến dịch trục vớt nó từ đáy hồ ở Siberia.

Nhóm chuyên gia đã mất 5 ngày sục sạo lớp bùn bên dưới hồ Pechenelava-To ở bán đảo Yamal xa xôi của vùng Siberia để thu thập bộ xương của voi ma mút, vẫn còn dây chằng, da và thậm chí cả chất thải. Vào thời điểm kết thúc, khoảng 90% bộ phận của con vật đã được trục vớt.
Con voi ma mút lông xoắn vừa tìm thấy có thể sẽ được đặt tên là Tadibe, theo tên gia đình người địa phương đã phát hiện và báo cho các nhà nghiên cứu. Đây là con đực, tuổi từ 15-20 vào thời điểm chết và cao đến 3m.
Chuyên gia Andrey Gusev của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Cực đánh giá rất cao mức độ bộ xương được bảo quản, với phần dưới cột sống vẫn kết nối với dây chằng và da. Tuy nhiên, chiến dịch trục vớt gặp nhiều khó khăn vì phần xương cốt còn lại lẫn lộn với nhau.

Băng vĩnh cửu tan, lộ xương voi ma mút ở Bắc Cực

“Ban đầu chúng tôi cho rằng bộ xương được sắp xếp hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên và thứ hai khi lặn xuống đáy hồ, chúng tôi phát hiện chỉ có phần lưng vẫn còn nguyên vị trí”, theo báo The Guardian dẫn lời ông Gusev.
Bên cạnh đó, chuyên gia Evgenia Khozyainova của viện bảo tàng Shemanovsky ở Salekhard cho biết: “Chúng tôi có một chân trước và chân sau được bảo quản rất tốt, với gân, mô mềm và da. Đồng thời chúng tôi cũng có phần xương cùng với đốt sống liền kề, và cả phần đuôi với dây chằng và một mảnh da lớn”.
Liên quan đến chất bài tiết tìm được, các nhà nghiên cứu Nga đặc biệt quan tâm vì mẫu vật này sẽ cung cấp chi tiết về chế độ ăn của con vật khi còn sống, cũng như các manh mối liên quan đến phấn hoa và các yếu tố môi trường khác.
Vẫn chưa rõ nguyên nhân con voi ma mút tử vong, vì họ vẫn chưa phát hiện có chấn thương trên bộ xương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.