Bỏ việc văn phòng sau 13 ngày, cô gái rẽ sang thiết kế váy cưới

23/11/2022 12:13 GMT+7

Tốt nghiệp ngành quốc tế học và từng làm việc văn phòng nhưng cô gái này đã sớm từ bỏ để bắt tay vào xây dựng cửa hàng thiết kế váy cưới của riêng mình.

Với vỏn vẹn 20 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Hương Giang (32 tuổi) gây dựng thương hiệu thiết kế váy cưới với tên gọi Ciel de Gia Bridal. Giờ đây “đứa con tinh thần” của chị đã trở thành một trong những cửa hàng váy cưới nổi tiếng ở Hà Nội.

Chập chững làm váy cưới

Niềm đam mê thời trang đã nhen nhóm trong chị Giang từ nhỏ khi chỉ mới lên 5-6 tuổi, chị đã có thể tự mình thêu thùa váy, áo cho búp bê. Tuy nhiên, theo lời kể vì bố mẹ chị làm nhân viên công chức nên trong mắt họ, thời trang là thế giới khá phù phiếm. Sau này, chị có mong muốn thi vào khối ngành năng khiếu nhưng rồi cũng đành gác lại dự định đó vì nhận thấy mình không được trui rèn bài bản và không đủ tự tin để theo đuổi.

Chị Giang trong những ngày đầu khởi nghiệp

Trong 4 năm học tập tại Trường ĐH Hà Nội, nhờ việc biết cách chứng minh năng lực bản thân, chị Giang có cơ hội làm stylist cho chuyên mục thời trang của một số trang tin điện tử. Cũng từ những trải nghiệm như thế, cảm quan của chị về thời trang đã được định hình rõ nét hơn.

Năm 2012, sau khi ra trường, bố chị đã giới thiệu cho chị vào làm việc tại một văn phòng của một đơn vị nhà nước, nhưng chị từ bỏ chỉ sau 13 ngày và quyết định bước chân vào “lãnh địa” thời trang. “Khi đó, tôi cảm thấy khá bức bối và nhận ra bản thân cần theo đuổi những gì mình mơ ước. Tất nhiên, điều này đã khiến gia đình tôi bất ngờ và chưa thể chấp nhận trong một thời gian dài”, chị thổ lộ.

Hiện thương hiệu của chị Giang đã có đại lý ủy quyền ở nước ngoài

NVCC

Dù vậy, vì thương con và muốn góp vốn cho con khởi nghiệp, bố chị Giang đã cho chị 20 triệu đồng. Theo đó, chị Giang dùng 12 triệu đồng để thuê 1 mặt bằng chưa đến 10 m2 ở khu phức hợp cũ Zone 9, số tiền còn lại chị bỏ vào việc mua dụng cụ, vải vóc, trang thiết bị cho cửa tiệm.

Lúc bấy giờ, cửa hàng của chị Giang chỉ bán quần áo và đầm dạ hội. Tình cờ thay, có 1 khách hàng ở Đà Lạt đặt chị may riêng một chiếc váy để mặc trong ngày trọng đại của người đó. Và rồi khi nhiều khách hàng có ý nguyện tương tự, chị Giang suy nghĩ nghiêm túc về việc tự tay mình thiết kế những sản phẩm váy cưới chất lượng.

Cũng một thời gian sau đó, tháng 11.2014, cửa tiệm của chị chuyển sang cơ sở mới tại tầng 2 của một ngôi nhà trên đường Thanh Niên, Hà Nội do khu Zone 9 phải đóng cửa. Đây cũng là cột mốc đánh dấu việc chị chính thức chuyên tâm vào mảng thiết kế váy cưới.

Thấy “sóng cả” vẫn không “ngã tay chèo”

Để hiện thực hóa mục tiêu, chị mày mò tự học về thiết kế, song song là tìm đọc nhiều sách báo, tạp chí thời trang của nước ngoài. Ngoài ra, chị còn tham khảo nhiều mẫu thiết kế tại các showroom thời trang quốc tế.

Chị chia sẻ: “Qua quá trình như vậy, tôi nhận thấy váy cưới của các nước này có sự đầu tư rất lớn từ chất liệu bên ngoài đến phom dáng bên trong. Trong khi đó, thị trường thời trang ở Việt Nam có khá nhiều tiềm năng nhưng lại hạn chế ở chi phí, kỹ thuật may”.

Chị Giang tự mình đảm nhận cả mảng hình ảnh cho thương hiệu

NVCC

Vì muốn góp làn gió mới cho hình ảnh váy cưới nước nhà, chị quyết tâm nâng cao tay nghề, thậm chí tìm mua nguyên vật liệu ở cửa hàng của những nhà mốt thời trang cao cấp. Khi làm ra những sản phẩm thiết kế chỉn chu như thế, chị cho biết phân khúc giá từ đó tất nhiên sẽ cao hơn.

“5 năm trước, có chiếc váy cưới tôi cho thuê giá 20 triệu đồng và bị chê là đắt, không đáng tiền khi mặt bằng chung lúc đó là từ 10 triệu đồng trở xuống. Lại có người bảo tôi phải xưng mình học thiết kế ở Pháp mới kinh doanh được. Với những nhìn nhận như vậy, tôi chỉ biết mình phải tiếp tục lao động để chứng minh giá trị sản phẩm mình làm ra”.

Thiết kế của chị Giang là sự hài hòa giữa vẻ đẹp cổ điển của Hà Thành với vẻ đẹp hiện đại của phương Tây. Chị cũng nói thêm, dù có mang hơi hướng nước ngoài đến đâu thì sản phẩm của mình vẫn phải toát lên dấu ấn của người Việt.

“Chẳng hạn, ở những tiệc cưới trên bãi biển, cô dâu có thể mặc kiểu phóng khoáng theo phong cách bohemian nhưng tại một số vùng miền nước ta, váy cưới lại đòi hỏi sự nữ tính, kín đáo. Làm thời trang vì vậy phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa và gu thẩm mĩ của khách hàng”, chị nêu ví dụ.

2 năm dịch Covid-19 đã giáng đòn tấn công mạnh mẽ vào ngành thời trang và cửa tiệm của chị Giang cũng không ngoại lệ. Thậm chí, trong đợt giãn cách xã hội năm 2020, chị bị bên cho thuê đòi lại mặt bằng. Trong khi đó, tiệm của chị vừa được sửa sang và mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm. Đồng thời, chị cũng phải đóng cửa chi nhánh chị mới mở rộng tại TP.HCM lúc bấy giờ.

Khó khăn dồn dập là thế, chị Giang vẫn không chùn bước. Chị chia sẻ: “Những trở ngại như vậy chỉ càng khiến tôi máu lửa hơn. Bên cạnh đó, trong dịch Covid-19, tôi cũng liên tục tìm cách để cải tiến chất lượng sản phẩm của mình”.

Nỗ lực ‘đơm hoa kết trái’

Giờ đây, thương hiệu của chị Giang đã có đại lý ủy quyền ở các nước Malaysia, Mỹ, Philippines, Cộng Hòa Séc. Mức giá sản phẩm tại cửa tiệm của chị dao động từ 6 triệu đồng đến 100 triệu đồng và ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong ngành váy cưới. Đặc biệt, năm 2021, thương hiệu của chị lọt vào đề cử ở hạng mục “Nhà thiết kế trang phục cưới của năm” trên tạp chí Style-Republik.

Chị Đinh Linh Chi (30 tuổi, ngụ Ninh Bình) cho biết: “Thiết kế của Ciel de Gia Bridal rất đặc trưng, không cầu kỳ và rất tinh tế, sang trọng, lại thuận tiện sử dụng trong tiệc cưới. Chất lượng phục vụ của chị Giang rất tốt và khác so với những cửa tiệm tôi từng đến xem qua”.

Là bạn thân và đồng hành cùng chị Giang từ những ngày “chân ướt chân ráo”, chị Phan Di Linh (32 tuổi, sống tại Hà Nội) chia sẻ: “Giang là người có ý chí, không chạy theo xu hướng một cách nhất thời và cũng không chọn cách quảng bá thương hiệu rầm rộ. Giống như tiếng lành đồn xa, khách hàng của Giang sau khi sử dụng sản phẩm đều cho phản hồi tốt và từ đó giới thiệu với những người khác. Nhờ vậy mà thương hiệu của Giang mới có ngày hôm nay”.

Hiện đang trong mùa cưới nên chị Giang khá tất bật với công việc. Theo chị, hạnh phúc nhất ở hiện tại chính là thương hiệu được nhiều người tin yêu ủng hộ cũng như được nhìn thấy khách hàng tỏa sáng rực rỡ trong ngày trọng đại của họ. “Khi ước mơ của bạn đủ lớn, doanh thu không còn là vấn đề duy nhất khiến bạn quan tâm nữa. Điều quan trọng nhất là hãy nỗ lực theo đuổi khát khao của mình”, chị tâm niệm.

Là bạn thân và đồng hành cùng chị Giang từ những ngày “chân ướt chân ráo”, chị Phan Di Linh (32 tuổi, sống tại Hà Nội) chia sẻ: “Giang là người có ý chí, không chạy theo xu hướng một cách nhất thời và cũng không chọn cách quảng bá thương hiệu rầm rộ. Giống như tiếng lành đồn xa, khách hàng của Giang sau khi sử dụng sản phẩm đều cho phản hồi tốt và từ đó giới thiệu với những người khác. Nhờ vậy mà thương hiệu thiết kế váy cưới của Giang mới có ngày hôm nay”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.