Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý dự thảo luật Công chứng sửa đổi

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
22/03/2024 21:33 GMT+7

Sáng 22.3, tại TP.Quy Nhơn (Bình Định), Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm đóng góp ý kiến dự thảo luật Công chứng (sửa đổi).

Tham dự tọa đàm có đại diện Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Sở Tư pháp, Hội Công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây nguyên và một số cơ quan, đơn vị liên quan.

Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý dự thảo luật Công chứng sửa đổi- Ảnh 1.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), phát biểu khai mạc tọa đàm

HƯƠNG KHÊ

Cần bổ sung quy định rút vốn tại văn phòng công chứng

Công chứng viên Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh Quảng Nam, cho rằng dự thảo luật Công chứng (sửa đổi) quy định văn phòng công chứng phải tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh là phù hợp. Trong đó, bắt buộc phải có điều lệ và công chứng viên hợp danh phải góp vốn vào văn phòng công chứng là những điểm mới tiến bộ, phù hợp với luật Doanh nghiệp và thực tiễn.

Tuy nhiên, công chứng viên Nguyễn Văn Hải đề nghị bổ sung thêm quy định về việc rút vốn bằng hình thức chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại văn phòng công chứng cho công chứng viên hợp danh khác, nếu được sự chấp thuận của các công chứng viên hợp danh còn lại. Trường hợp các công chứng viên hợp danh còn lại không chấp thuận thì không thể thực hiện việc chuyển nhượng này.

Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý dự thảo luật Công chứng sửa đổi- Ảnh 2.

Đại biểu trình bày ý kiến tại buổi tọa đàm

HƯƠNG KHÊ

"Quy định thêm điều này là cần thiết vì việc rút vốn khỏi công ty rất phức tạp, nếu rút vốn sẽ phải điều chỉnh giảm vốn điều lệ, dẫn đến xáo trộn tỷ lệ sở hữu của các thành viên còn lại. Mặt khác, nếu sau đó bổ sung thêm thành viên hợp danh mới thì phải làm thủ tục tăng vốn điều lệ, rất mất thời gian công sức cho các thủ tục hành chính", ông Hải đề nghị.

Công chứng giao dịch về động sản theo thẩm quyền địa hạt

Công chứng viên Ngô Ngọc Trình, Văn phòng công chứng Hoàng Long (Khánh Hòa), cho rằng hệ thống dữ liệu công chứng chưa được liên thông trên toàn quốc và một số tỉnh chưa hình thành dữ liệu công chứng, nên việc công chứng các giao dịch về động sản không theo thẩm quyền địa hạt gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn.

Chẳng hạn như không xác thực được động sản này đã thực hiện bất kỳ giao dịch nào tại nơi cấp giấy đăng ký hoặc các tỉnh khác, không phải tỉnh mà mình đang hành nghề công chứng. Tại nơi cấp giấy đăng ký có bị phong tỏa/ngăn chặn việc giao dịch do áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời hay không? Đồng thời, việc xác minh các giao dịch đối với động sản tại các tỉnh khác cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp thông tin vì công chứng viên cho rằng phải bảo mật thông tin cho người yêu cầu công chứng nên không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin còn dè dặt.

"Để khắc phục vấn đề này và tạo hành lang pháp lý an toàn cho việc công chứng giao dịch có đối tượng là động sản nên quy định theo thẩm quyền địa hạt. Theo đó, các giao dịch có đối tượng là động sản thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng nơi có động sản đăng ký mới được quyền công chứng", ông Trình đề nghị.

Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý dự thảo luật Công chứng sửa đổi- Ảnh 3.

Công chứng viên Ngô Ngọc Trình phát biểu tại buổi tọa đàm

HƯƠNG KHÊ

Công chứng viên Ngô Ngọc Trình cũng đề nghị Ban soạn thảo dự thảo luật Công chứng (sửa đổi) phải rà soát lại quy định của luật Đất đai, luật Nhà ở về điều kiện tặng, cho quyền sử dụng đất và nhà ở. 

Theo quy định của hai luật này, điều kiện để tặng cho đối với hai tài sản là quyền sử dụng đất và nhà ở, là phải có giấy chứng nhận. Do vậy, thực tiễn đã có nhiều cơ quan đăng ký đối với hai tài sản này đã không chấp nhận cho việc tặng, cho được thực hiện đồng thời với việc phân chia di sản.

"Việc luật Công chứng cho phép các bên được tặng, cho nhau hai di sản này khi thỏa thuận phân chia di sản là để tạo điều kiện cho những người thừa kế khi thực hiện việc xác lập quyền sở hữu của mình đối với di sản. Nhưng quy định của luật Công chứng cũng cần phải thống nhất với quy định của các luật khác có liên quan. Để đảm bảo cho giá trị thi hành của văn bản công chứng, tôi đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại nội dung này", ông Trình đề nghị.

Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Lê Văn Tuấn ghi nhận các tham luận, thảo luận có tính lý luận và thực tiễn cao, gợi mở thêm nhiều vấn đề bổ ích, thiết thực cho việc thẩm tra dự án luật. Cục Bổ trợ tư pháp sẽ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp. Từ đó, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, tiếp thu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội trong quá trình hoàn thiện và trình Quốc hội dự thảo luật Công chứng (sửa đổi).

Thực hiện hơn 41 triệu việc công chứng

Theo Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), sau hơn 8 năm thi hành luật Công chứng năm 2014, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước thực hiện hơn 41 triệu việc công chứng, tổng số phí công chứng thu được hơn 13.000 tỉ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được hơn 2.000 tỉ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 2.300 tỉ đồng.

Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác chiếm tỷ lệ từ 70 - 80% số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn, đóng vai trò là phương tiện sản xuất cơ bản trong nền kinh tế…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.