Bộ trưởng và cam kết

17/01/2018 04:52 GMT+7

Cuối tháng 9.2017, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ban hành một quyết định lịch sử, cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh mà bộ này quản lý.

Đã có rất nhiều tranh cãi, thậm chí hồ nghi xung quanh quyết định này.

Cũng dễ hiểu. Đằng sau mỗi điều kiện kinh doanh, những giấy phép con, những thủ tục không cần thiết là cơ chế xin - cho và "giấy thông hành" chính là khoản lót tay mà cộng đồng doanh nghiệp phải chấp nhận chi ra nếu muốn được việc.
Chi phí không chính thức đã trở thành "luật bất thành văn", trở thành chất "bôi trơn" trong sự vận hành của cỗ máy thị trường nhiều thập niên nay. Cắt bỏ các thủ tục này là động chạm trực tiếp đến lợi ích của rất nhiều người, nhiều nhóm lợi ích. Cắt bỏ một lúc gần 700 thủ tục thì quy mô và mức độ "động chạm" là rất lớn. Nếu không có một quyết tâm chính trị mạnh mẽ để gạt bỏ những lợi ích cục bộ thì rất khó, thậm chí có thể nói là không thể thực hiện được. Đó là lý do của những hồ nghi.
Thế nhưng sáng 15.1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trình Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Nghị định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong tổng số 1.216 điều kiện, tương đương 55% ngay tại Hội nghị tổng kết của ngành công thương. Có thể nói, đây là hành động hiện thực hóa những cam kết của vị bộ trưởng này trước đó và cũng thể hiện quyết tâm của người đứng đầu ngành công thương trong cuộc cách mạng về thủ tục hành chính, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như ông từng nói.
Tất nhiên Bộ Công thương vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, Bộ vẫn đang tiếp tục rà soát và sẽ công bố những thủ tục sẽ tiếp tục được cắt giảm ngay sau đây. Bộ Công thương đã đi tiên phong, đã nói và làm nhưng câu hỏi đặt ra lúc này là các bộ, ngành khác đã thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh thế nào? Bởi sau Bộ Công thương, rất nhiều cơ quan, đơn vị cũng đã đưa ra những cam kết về cải cách hành chính nhưng thực hiện ra sao đến nay vẫn chưa rõ. Mà cuộc cách mạng cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh lần này chỉ thành công nếu có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các bộ, ngành.
Thực tế nhiều năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta đã chững lại, nội lực trong nước chưa thể phát huy tối đa mà một trong những "điểm nghẽn" chính là các điều kiện kinh doanh. Gỡ bỏ các rào cản này, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân để tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế phát triển kinh tế là yếu tố quan trọng để chúng ta thực hiện khát vọng biến VN thành "con hổ mới ở châu Á" như Thủ tướng yêu cầu trong cuộc họp mới đây.
Muốn vậy, chúng ta phải thực hiện quyền giám sát để những cam kết của lãnh đạo các bộ, ngành không chỉ là lời nói mà phải được thực thi trong thực tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.