Bộ trưởng TT-TT: Quản lý OTT 'mềm hơn, nhẹ tay hơn' dịch vụ viễn thông truyền thống

Mai Hà
Mai Hà
22/06/2023 14:49 GMT+7

Nhiều đại biểu lo ngại phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp dịch vụ OTT và các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ viễn thông truyền thống. Theo Bộ trưởng TT-TT, dự luật sẽ điều chỉnh theo hướng quản lý OTT "mềm hơn, nhẹ tay hơn".

Theo đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng dự thảo luật Viễn thông định nghĩa dịch vụ OTT là dịch vụ viễn thông cơ bản. Đồng thời quy định việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới phải tuân theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bộ trưởng TT-TT: Quản lý OTT 'mềm hơn, nhẹ tay hơn' dịch vụ viễn thông truyền thống - Ảnh 1.

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh)

GIA HÂN

Ông Bình cho rằng, điều này đồng nghĩa với việc đưa ra giới hạn sở hữu nước ngoài với dịch vụ OTT tương tự như các dịch vụ viễn thông trong cam kết quốc tế. Trong khi đó, các nhà cung cấp OTT nước ngoài đang cung cấp những ứng dụng để trao đổi dễ dàng và thuận tiện. “Việc tạo nên những hạn chế tiếp cận thị trường với các doanh nghiệp này sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động KT-XH và trao đổi thông tin”, ông Thạch nói.

Bên cạnh đó, việc phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp dịch vụ OTT và các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ viễn thông truyền thống qua quy định mức trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài có thể sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ OTT trong nước gặp khó khăn trong huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Đại biểu đoàn Trà Vinh cũng nêu thực tế nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính, bảo hiểm nước ngoài hoặc các hoạt động thương mại xuyên biên giới. 

Ông lo ngại các doanh nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hoặc trung tâm dữ liệu nước ngoài không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ.

“Các quy định hạn chế đối với 2 loại hình dịch vụ này cũng có thể khiến môi trường đầu tư tại nước ta kém hấp dẫn và kém cạnh tranh hơn”, đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ và đề nghị nên đưa ra các quy định theo hướng thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Cho phép cung cấp dịch vụ nếu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật thay cho việc yêu cầu về việc đặt văn phòng đại diện hay có thỏa thuận thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam.

Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) cũng cho rằng, các dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet, OTT, dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây cần đưa vào luật Viễn thông để quản lý.

Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát mức độ áp dụng các quy định quản lý với các loại hình dịch vụ này trong luật đến đâu, để đảm bảo vẫn thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư hoạt động có hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo hành lang pháp lý đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh mạng.

“Việc áp dụng các tiêu chuẩn và quy định điều chỉnh dịch vụ OTT giống như đối với dịch vụ viễn thông truyền thống đã thực sự phù hợp với tính chất của loại hình dịch vụ này chưa?”, đại biểu Tân nêu.

Ông Tân cũng băn khoăn việc dự thảo luật nhắc 22 lần thuật ngữ "cơ quan có thẩm quyền" trong việc quyết định yêu cầu, cho phép, kiểm tra, kiểm soát, giám sát… Đây là một khái niệm khá rộng, khiến cho các đối tượng chịu tác động của luật sẽ rất khó khăn và có thể hiểu không thống nhất, lúng túng trong quá trình thực hiện luật. Đề nghị cần cụ thể hóa ngay khái niệm này trong từng điều khoản cụ thể vì có thể là các cơ quan khác nhau.

Bộ trưởng TT-TT: Quản lý OTT 'mềm hơn, nhẹ tay hơn' dịch vụ viễn thông truyền thống - Ảnh 2.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng

GIA HÂN

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây phải được quản lý để chính danh, giải quyết các tranh chấp, các vấn đề phát sinh giữa các doanh nghiệp. Bộ TT-TT sẽ đề xuất Chính phủ chỉnh lý, quy định theo hướng quản lý mềm giống như nhiều quốc gia khác.

“Trung tâm dữ liệu có tính hạ tầng, phát triển phải phù hợp với quy hoạch nên cần đăng ký. Điện toán đám mây là dịch vụ nên chỉ cần thông báo. Các thủ tục đăng ký, thông báo có thể làm trực tuyến dựa trên cam kết của doanh nghiệp mà không tiền kiểm. Về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài thì cho phép đến 100%, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để quản lý như nhau, không bảo hộ ngược”, Bộ trưởng Hùng nêu.

Về dịch vụ OTT viễn thông, theo Bộ trưởng TT-TT, đây là các dịch vụ nhắn tin thoại giống như dịch vụ viễn thông cơ bản nhưng được cung cấp bởi công nghệ internet. Quan điểm của bộ là quản lý dịch vụ không phụ thuộc vào công nghệ, “quản lý phải ít hơn, phải mềm hơn dịch vụ viễn thông truyền thống”.

Bộ trưởng Hùng cho rằng, quản lý OTT giống như dịch vụ viễn thông chủ yếu ở khía cạnh liên quan đến lợi ích công cộng. “Bộ TT-TT nhận thấy nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng, cơ bản là quản lý cần mềm hơn, nhẹ tay hơn, không phát sinh thêm nhiều chi phí tuân thủ cho nhà cung cấp dịch vụ”, ông nêu.

Theo đó, bộ sẽ báo cáo Chính phủ nghiên cứu tiếp thu theo hướng quản lý ở mức tối thiểu nhưng xử phạt thì nghiêm minh. Quản lý cơ bản dựa trên những gì mà nhà cung ứng dịch vụ đã có để tránh phát sinh thêm chi phí tuân thủ. Đồng thời, sẽ không phân biệt nhà cung cấp dịch vụ lớn hay nhỏ, thu tiền hay không thu tiền, trong nước hay ngoài nước.

Các nhà cung cấp dịch vụ phải minh bạch thông tin đối với khách hàng về giá, về điều kiện hợp đồng, về chất lượng dịch vụ nếu có. Yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ bảo mật thông tin của khách hàng, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu, khách hàng khi đăng ký sử dụng dịch vụ thì phải cung cấp thông tin như số điện thoại. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.