Bộ trưởng Quốc phòng kể chuyện tình trạng khẩn cấp khi chống dịch Covid-19

24/05/2023 18:22 GMT+7

Nhắc lại tình trạng khẩn cấp trong giai đoạn chống dịch Covid-19 trước đây, theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, việc chuẩn bị từ sớm, từ xa để ứng phó sự cố cũng như lập Quỹ Phòng thủ dân sự là cần thiết.

Chiều 24.5, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật Phòng thủ dân sự. Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nhấn mạnh sự cần thiết có Quỹ Phòng thủ dân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng kể chuyện tình trạng khẩn cấp khi chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang

PHẠM QUANG VINH

Nhắc lại câu chuyện chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, thời điểm đó ông được Tổng Bí thư giao trực tiếp vào đây chống dịch.

“Ban đầu quân đội được giao lập bệnh viện dã chiến tầng 1, rồi dần dần lên đến tầng 2, tầng 3 và sau đó tầng cao nhất. Từ tầng 1 đến tầng 2, 3 là rất khó. Có bộ trưởng nói với tôi, lập bệnh viện dã chiến 300 giường rất khó, có thiết bị cả trăm tỉ nhưng lúc đó cũng không mua được”, ông Giang nói.

Bộ trưởng Quốc phòng kể chuyện tình trạng khẩn cấp khi chống dịch Covid-19

Trong giai đoạn chống dịch, quân đội đã thiết lập hàng nghìn giường bệnh, lập 16 bệnh viện với quy mô 500 - 1.000 giường ở cả miền Trung như Khánh Hòa; miền Nam như Đồng Nai, TP.HCM hay miền Bắc như Hải Dương, Bắc Giang…

“Thủ tướng yêu cầu tôi phải tiến hành khử khuẩn ngay khi Bắc Giang có dịch. Chỉ trong 1 ngày, chúng tôi đã thực hiện được cách ly vùng dịch. Nếu không có lực lượng dự bị thì chúng ta không thể làm được”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói.

Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng vận chuyển vắc xin đến tất cả các vùng cả nước. Quân đội đã sử dụng cả máy bay trực thăng để vận chuyển vắc xin đến những vùng ô tô không tiếp cận được như vùng núi cao, đảo xa. Có những chỗ phải khôi phục lại xe U oát để chạy lên như vùng biên giới, vì các phương tiện khác không chạy được.

Hay quân đội đã sử dụng xe cơ động sản xuất ô xy cung cấp cho tất cả các bệnh viện khi ô xy thiếu. “Chuẩn bị từ sớm, từ xa chính là ở chỗ này. Đề nghị các đại biểu ủng hộ việc lập Quỹ Phòng thủ dân sự cũng như lực lượng dự bị”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu.

Theo ông, việc lập quỹ sẽ không làm tăng biên chế, mà giao Bộ Tài chính quản lý tương tự như Quỹ Vắc xin, do Thủ tướng quyết định.

Đề cập tới các cấp độ phòng thủ trong tình trạng khẩn cấp nêu trong dự luật là cấp huyện, cấp tỉnh, cấp T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng cho biết, khi xây dựng, cơ quan soạn thảo đã có nghiên cứu một số nước hay có bão lụt như phía bắc Philippines, Bangladesh hay phía bắc Trung Quốc. Nước Nga thậm chí lập cả Bộ Tình trạng khẩn cấp.

Trước đó, báo cáo tiếp thu giải trình luật Phòng thủ dân sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định tiêu chí để xác định cấp độ phòng thủ dân sự có tính đến yếu tố khách quan, chủ quan, điều kiện tự nhiên, xã hội của từng địa phương. Việc lượng hóa, mô tả cụ thể từng cấp độ phải căn cứ từng loại sự cố, thảm họa như thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, ô nhiễm. Do đó, cơ quan chuyên môn cần căn cứ từng luật chuyên ngành để áp dụng biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả phù hợp.

Đối với đề nghị quy định rõ căn cứ xác định và thẩm quyền công bố, bãi bỏ "tình trạng khẩn cấp" và "tình trạng chiến tranh", Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thẩm quyền ban bố, bãi bỏ đã được quy định bởi pháp luật về tình trạng khẩn cấp và luật Quốc phòng.

Luật Phòng thủ dân sự chỉ quy định cụ thể biện pháp đặc thù về phòng thủ dân sự trong hai trạng thái rất đặc biệt là tình trạng chiến tranh và tình trạng khẩn cấp. Quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và biện pháp gắn với tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp sẽ do luật chuyên ngành điều chỉnh.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị rà soát biện pháp trong cấp độ phòng thủ dân sự để bảo đảm khả thi, tránh chồng chéo. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định cụ thể biện pháp cần áp dụng trong từng cấp độ là cần thiết, bảo đảm tính bao quát chung đối với các dạng sự cố, thảm họa quy định tại luật chuyên ngành.

Đồng thời, đề nghị chỉnh lý theo hướng áp dụng biện pháp tăng dần theo từng cấp độ và quy định cụ thể thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh và Thủ tướng trong từng cấp độ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.