Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đề nghị Singapore có điều chỉnh phù hợp

08/06/2019 07:24 GMT+7

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Singapore chiều qua 7.6 liên quan đến phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long ngày 31.5, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị Singapore có điều chỉnh phù hợp.

Sau khi có công hàm gửi Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam, chiều 7.6, theo đề nghị của phía Singapore, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan về phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long ngày 31.5, trong đó ông Lý đã dùng từ “xâm lược”, “chiếm đóng” để nói về việc quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ năm 1979. Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan khẳng định Singapore hết sức coi trọng mối quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam, giải thích bối cảnh của phát biểu trên và mục đích của phát biểu không có ý xúc phạm Việt Nam và Campuchia.

Gây phản ứng tiêu cực

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long đã gây phản ứng tiêu cực, đặc biệt trong bối cảnh nhân dân Campuchia vừa kỷ niệm trọng thể 40 năm thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot và Tòa án đặc biệt tại Campuchia đã có phán quyết về tội ác diệt chủng chống nhân loại của Khmer Đỏ, trả lại công bằng cho các nạn nhân và gia đình của họ, được LHQ và cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Phó thủ tướng khẳng định tính chính nghĩa và những đóng góp, hy sinh to lớn của quân tình nguyện Việt Nam đã giúp đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị Singapore có điều chỉnh phù hợp. Hai bộ trưởng cũng nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm củng cố và phát triển quan hệ song phương Việt Nam - Singapore cũng như tăng cường đoàn kết và thống nhất của ASEAN.
Trước đó, chiều 6.6, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan liên quan đã giao thiệp chính thức và không chính thức với đối tác Singapore. Chúng tôi đã có công hàm gửi tới Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội. Tôi tin rằng phía Singapore hiểu rõ thông điệp của chúng ta”. Ngày 4.6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng đã lên tiếng, cho biết Việt Nam “lấy làm tiếc” về những nội dung “phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận” của ông Lý. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhấn mạnh, đóng góp và hy sinh của Việt Nam trong việc cùng nhân dân Campuchia chấm dứt tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ là sự thật đã được thừa nhận rộng rãi.

Xúc phạm sự hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam

Đến nay, Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn chưa có bình luận gì sau khi đưa ra phát ngôn phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận của mình. Bài viết trên Facebook của ông Lý vẫn giữ nguyên với những từ như “xâm lược”, “chiếm đóng”. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin hôm qua lại đăng đàn trên Facebook cá nhân, chỉ trích những người Singapore thể hiện quan điểm trái ngược với Thủ tướng Lý về Việt Nam. Thay vì trực tiếp đưa ra phát ngôn như ông Lý, Chủ tịch Quốc hội Singapore đính kèm những đường dẫn bài báo cũng như phát biểu của chính khách Singapore đều có nội dung “xâm lược”, “chiếm đóng” để nói về việc quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ năm 1979. Những nội dung ông Tan đưa ra rõ ràng phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, nhưng ông Tan lại viết trên Facebook của mình rằng: “Làm ơn dành một ít thời gian để đọc và có một cái nhìn đúng về những gì đã xảy ra và chúng đã định hình chúng ta như thế nào”.
Cũng trong ngày 7.6, Bộ Ngoại giao Campuchia ra thông cáo phản đối gay gắt phát ngôn của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Trước đó, tối 6.6, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đăng tuyên bố bằng cả tiếng Khmer và tiếng Anh trên trang Facebook cá nhân, chỉ trích mạnh mẽ phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long. Ông Hun Sen viết: “Tôi rất lấy làm tiếc về đăng tải trên Facebook hôm 31.5 của ngài Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore, khi ông bày tỏ lời chia buồn trước sự ra đi của đại tướng Thái Lan Prem Tinsulanonda, trong đó ông nói rằng tướng Prem (lúc đó là thủ tướng Thái Lan) đã cùng các thành viên ASEAN (khi đó có 5 quốc gia) chống lại việc Việt Nam xâm lược Campuchia và chống lại việc chính phủ Campuchia mới thay thế Khmer Đỏ. Tuyên bố này phản ánh lập trường của Singapore lúc đó ủng hộ chế độ diệt chủng và muốn nó quay lại Campuchia. Singapore là nước chủ nhà tổ chức một cuộc họp dẫn đến việc thành lập chính phủ hỗn hợp ba phái Campuchia dân chủ và đã kéo dài cuộc chiến tại Campuchia, cũng như sự thống khổ của nhân dân Campuchia hơn 10 năm. Đó là hành động chống lại sự tồn vong của nhân dân Campuchia”.
Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh: “Phát biểu đó (của ông Lý Hiển Long - NV) cũng xúc phạm đối với sự hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam, những người đã giúp giải phóng Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Những bình luận của ông Lý Hiển Long cũng phơi bày cho nhân dân Singapore và thế giới thấy rằng lãnh đạo Singapore lúc đó thực sự góp phần vào cuộc thảm sát người dân Campuchia”. Kết lại, ông Hun Sen đặt câu hỏi: “Vậy cuối cùng, tôi muốn hỏi ngài Thủ tướng Lý Hiển Long, liệu ông có coi phiên tòa xét xử các thủ lĩnh Khmer Đỏ là hợp pháp hay không?”.
Trước đó, nhiều chính khách Campuchia cũng đã lên tiếng phản ứng về phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long. Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh đã yêu cầu người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen thông báo cho Thủ tướng Lý Hiển Long cải chính bình luận của mình. Bộ trưởng Tea Banh nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể chấp nhận những điều ông ấy nói. Chúng tôi đã nói rõ rằng quân tình nguyện Việt Nam đến giải phóng nhân dân chúng tôi. Chúng tôi vẫn luôn coi đó là những người đến cứu giúp nhân dân chúng tôi. Điều đó có ý nghĩa vô cùng lớn với chúng tôi”. Ngày 4.6, nghị sĩ Hun Many, con trai Thủ tướng Hun Sen, phát biểu với báo giới: “Trong khi tất cả đều đang chơi trò chính trị, người Campuchia đã cầu mong không quan trọng đó là ai và sự giúp đỡ đến từ đâu, chỉ cần chúng tôi được cứu khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Và rồi cuối cùng chỉ có nước láng giềng Việt Nam chìa tay ra giúp đỡ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.