Bộ trưởng KH-ĐT: Vốn nhà đầu tư PPP ít quá thì Nhà nước làm còn hơn

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/11/2023 17:16 GMT+7

Đại biểu đề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước trong các dự án giao thông đường bộ đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) lên tối đa 80%. Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, mức 70 - 75% là hợp lý và có thể nâng cao hơn.

Ngày 9.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Tại dự thảo, Chính phủ trình Quốc hội cho phép nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án giao thông đường bộ PPP lên tối đa 70% thay vì 50% như hiện tại để thu hút nhà đầu tư cho loại dự án này.

Đề xuất nâng vốn nhà nước lên 80%

Nhiều đại biểu đồng tình với việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia lên tối đa 70% như Chính phủ trình, khi mức 50% quy định tại luật PPP hiện nay "vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở".

Bộ trưởng KH-ĐT: Vốn nhà đầu tư PPP ít quá thì Nhà nước làm còn hơn - Ảnh 1.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) nêu ý kiến thảo luận tại phiên họp

GIA HÂN

Tuy nhiên, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) nói rất băn khoăn với tỷ lệ 70% vì nếu cơ chế đưa ra không khả thi, không áp dụng được thì sẽ không có công trình, dự án và không có lợi ích khác đem lại.

Đại biểu Thái Bình đề nghị Chính phủ cân nhắc và nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP giao thông lên 80%. Theo ông Hiếu, tỷ lệ 70% được Chính phủ tham chiếu từ Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù của TP.HCM là cần thiết; tuy nhiên, không nhất thiết phải lấy đúng con số 70%.

Cạnh đó, ông Hiếu cho rằng, tỷ lệ 80% mà ông đề xuất chỉ là tỷ lệ tối đa phần vốn nhà nước có thể tham gia. Việc nâng tỷ lệ này sẽ tạo dư địa cho các địa phương đàm phán với các nhà đầu tư chứ không có nghĩa các dự án luôn có tỷ lệ vốn nhà nước là 80%.

"Các địa phương tùy vào từng hoàn cảnh, có thể có những bài toán, có những đàm phán mà tỷ lệ tham gia của Nhà nước có thể dưới tỷ lệ tối đa mà chúng ta cho phép", ông Hiếu nói.

Ngược lại, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) phản ánh tình trạng những dự án PPP yêu cầu Nhà nước phải "giải cứu" với lý do rất phản khoa học là đường huyết mạch nhưng lưu lượng xe quá ít, thu không đủ nên đề nghị Nhà nước mua lại.

Trong khi đó, dự án BOT quá nhiều, thậm chí quá tải thì Bộ GTVT lại tìm cách cắt bớt thời hạn thu phí, cắt bớt thời gian thu lợi nhuận trái với hợp đồng đã thỏa thuận. "Ở đây tôi muốn nói tính hợp lý và tính hiệu quả, ai chịu trách nhiệm về việc này", ông Nghĩa nói.

Về tỷ lệ 70% mà Chính phủ đề nghị, ông Nghĩa nói "đây là lợi bất cập hại". "Nhiều nhà đầu tư cũng không thích trở thành một cổ đông thiểu số trong dự án PPP", ông Nghĩa nói.

Tham gia ít quá thì làm đầu tư công còn hơn

Giải trình sau đó, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là vấn đề khó, nhạy cảm trong các dự án PPP. Trước đây, không quy định về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia. Khi sửa đổi luật PPP thì quy định là tối đa 50%, nhưng bây giờ lại thấy không còn phù hợp.

Bộ trưởng KH-ĐT: Vốn nhà đầu tư PPP ít quá thì Nhà nước làm còn hơn - Ảnh 2.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên họp

GIA HÂN

Ông Dũng dẫn ví dụ các dự án đi qua địa phương mà lưu lượng xe thấp, nhu cầu vận tải không cao, khả năng thu hồi vốn thấp nên các nhà đầu tư không quan tâm như các dự án ở khu vực miền núi phía bắc hoặc Tây nguyên.

"Tất cả các dự án này lưu lượng xe không đủ tính toán để ra phương án tài chính để có thể thu hồi vốn", ông Dũng nói, cho rằng khi nhà đầu tư không tham gia thì các ngân hàng cho vay cũng không tham gia khiến dự án không còn tính hấp dẫn, khả thi. Điều này đòi hỏi tỷ lệ vốn của Nhà nước phải cao hơn.

Theo ông Dũng, việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP là cần thiết, song nâng lên bao nhiêu để giữ được nguyên tắc hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, đồng thời đảm bảo tính khả thi.

"Nếu thấp quá thì các nhà đầu tư hay các tổ chức tài chính không tham gia. Nhưng nếu chúng ta nâng cao quá thì không còn ý nghĩa của dự án PPP nữa. Tỷ lệ vốn nhà đầu tư tham gia không còn nhiều nữa thì làm đầu tư công còn hơn. Làm đầu tư công nâng cao được năng lực cạnh tranh cho địa phương mà không phải thu phí người dân, doanh nghiệp", ông Dũng nói và cho biết, đã rất đắn đo khi thiết kế tỷ lệ này.

Theo Bộ trưởng KH-ĐT, trước đây, bộ đã tính thử một vài lần, tỷ lệ vốn nhà nước khoảng 70 - 75% là hợp lý. "Việc này nếu được nên để ở mức cao hơn một chút, có thể là 80%. Đây là quan điểm cá nhân, tất nhiên tôi phải báo cáo lại Chính phủ, thống nhất trong Chính phủ rồi báo cáo sang Quốc hội", ông Dũng nói.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý tùy từng dự án cụ thể, người có thẩm quyền sẽ quyết định là bao nhiêu và tùy khả năng cân đối vốn của Nhà nước có thể tham gia được bao nhiêu thì mới quyết định chứ không phải nói tỷ lệ 70 - 80% thì đương nhiên sẽ được Nhà nước bố trí vốn như thế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.