Bộ trưởng Giáo dục: Phải xem ép con học 3-4 giờ sáng là bạo lực gia đình

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/04/2022 17:14 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị quy định rõ trong luật Phòng, chống bạo lực gia đình việc cha mẹ ép con học quá nhiều là hành vi bạo lực gia đình.

Chiều 16.4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2022).

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp

gia hân

Nêu ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị những hành vi bạo lực gia đình có liên quan đến việc dạy và học tập của trẻ em cần được làm rõ trong dự thảo luật.

“Thời gian gần đây cũng có những chuyện rất đau lòng. Những kỳ vọng quá lớn của cha mẹ đối với con cái dẫn đến việc yêu cầu các cháu phải học đến 3 - 4 giờ sáng, cũng như việc mong muốn con cái cứ phải được điểm 10, rồi phải đi theo nghề nghiệp cha mẹ mong muốn để cha mẹ cảm thấy hãnh diện… dẫn đến áp lực quá khả năng chịu đựng và đáp ứng, vượt quá năng lực của trẻ em”, ông Sơn nói.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, trong quá trình sửa luật Phòng chống bạo lực gia đình, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp với Bộ VH-TT-DL góp ý và được tiếp thu, tuy nhiên ông vẫn mong muốn cơ quan soạn thảo làm rõ hơn vấn đề này.

"Trong dự thảo, ban soạn thảo cũng quy định "không được tạo áp lực quá lớn trong vấn đề lao động và học tập", tuy nhiên chúng tôi đề nghị làm rõ hơn một chút", ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, theo ông Sơn, tại điều 4 dự thảo luật (về những hành vi bạo lực gia đình - phóng viên) quy định hành vi bỏ rơi không chăm sóc cha mẹ hay người già, trẻ em, song còn hành vi khác cũng nên cân nhắc đưa thành một nội dung được xem là bạo lực gia đình, đó là cha mẹ không thực hiện trách nhiệm dạy con, trách nhiệm phối hợp với nhà trường thì cũng nên xem nó là một hành vi bạo lực gia đình.

“Tức là cả ở 2 thái cực không dạy hoặc dạy thái quá cũng được xem là bạo lực đối với trẻ em”, ông Sơn phân tích.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đề nghị bổ sung hành vi cưỡng ép con cái, thành viên gia đình trong việc lựa chọn nghề nghiệp, định hướng nghề nghiệp trái với mong muốn, nguyện vọng của trẻ em.

"Trong quá trình định hướng nghề nghiệp, theo đuổi nghề nghiệp thì khá phổ biến việc cha mẹ cứ mong muốn con làm nghề không phù hợp với năng lực, nguyện vọng, sở thích, thì đấy cũng còn là câu chuyện mà chúng ta cần lưu ý”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, tại điều 4 dự thảo luật quy định bạo lực gia đình gồm việc ngăn cản các thành viên tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp nhưng ông vẫn mong muốn cơ quan soạn thảo nêu thêm việc ngăn cản các thành viên trong gia đình được tham gia các hoạt động theo nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các thành viên mà nó không phải là hoạt động xã hội.

16 hành vi bạo lực gia đình (Điều 4 dự thảo luật Phòng, chống bạo lực gia đình)

a) Ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây tổn hại về thể chất, tinh thần;

d) Bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người khuyết tật, người bị bệnh không có khả năng tự chăm sóc;

đ) Ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp;

e) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong các mối quan hệ giữa các thành viên gia đình với nhau;

g) Phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó; trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ;

h) Phân biệt giới tính, định kiến giới và các đặc trưng cá nhân của thành viên gia đình liên quan đến giới;

i) Cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép thực hiện hành vi tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; xâm hại tình dục trẻ em hoặc các thành viên khác trong gia đình;

k) Cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc các nội dung, trình diễn hành vi khiêu dâm, kích thích bạo lực và vi phạm pháp luật;

l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

m) Cưỡng ép mang thai, phá thai;

n) Chiếm đoạt, huỷ hoại tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của gia đình;

o) Có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp; cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ;

p) Kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

q) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động, học tập quá sức hoặc ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.