Bộ trưởng Đào Trọng Kim - Vinh quang mở đầu

02/09/2021 10:11 GMT+7

Kỹ sư Công chính Đào Trọng Kim là người giữ chức vụ Bộ trưởng Giao thông Công chính (nay là Bộ GTVT) đầu tiên trong Chính phủ Lâm thời ra mắt quốc dân ngày 2.9.1945. Cuộc đời của vị Bộ trưởng có vinh quang mở đầu ấy đến nay vẫn ít người biết.

KỸ SƯ CÔNG CHÍNH NGƯỜI VIỆT ĐẦU TIÊN
Nhà riêng của cụ Đào Trọng Kim ở không xa cơ quan Bộ. Trong lịch sử, cụ vẫn được nhắc đến là vị nhân sĩ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ chức Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời. Nhưng nhắc trên giấy vậy thôi, hầu như tiểu sử về cuộc đời cụ vẫn là khoảng trống… Thậm chí, có một nhà sử học khi viết về Bộ trưởng Đào Trọng Kim nhân dịp 70 năm thành lập Bộ GTVT (1945 – 2015) đã không cung cấp được cho bạn đọc nhân thân của cụ mà còn nhầm nghề nghiệp của cụ từ kỹ sư công chính thành kỹ sư… canh nông!
Thân sinh kỹ sư Đào Trọng Kim là một nhà Nho cuối mùa sống giữa Hà Nội – thủ phủ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp. Việc học hành dang dở, với một ít vốn chữ Quốc ngữ và một ít tiếng Pháp, cụ xin được một chân thợ sắp chữ tạm thời tại nhà in báo Tương lai của Bắc Kỳ (Avenir du Tonkin). Công việc cũng không ổn định, cụ lại phải ra làm thợ đóng hòm và vali rồi qua đời năm 1929.
Tự biết hoàn cảnh gia đình, Đào Trọng Kim chăm học, luôn vươn lên hàng đầu lớp. Năm 1910, thi đỗ điểm cao vào hệ trung học trường Bảo hộ (thường gọi là trường Bưởi) nên được học bổng, cậu học trò họ Đào được xếp ở nội trú trong ký túc xá của trường. Đỗ bằng thành chung sau bốn năm học, cậu thi vào trường Công chính Đông Dương.
Sau khi tốt nghiệp trường Công chính, Đào Trọng Kim vẫn tiếp tục tự học thêm. Ông theo lớp học hàm thụ của trường Cao đẳng Công chính Pháp ở Paris (Ecolerdes Nationale Ponts et Chaussées de Paris). Năm 1931, ông trúng tuyển kỳ thi kỹ sư Đông Dương cùng với một số người Pháp để lấy bằng kỹ sư công chính ngạch Pháp. Đào Trọng Kim trở thành người Việt Nam đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam đỗ kỹ sư công chính của Trường Cao đẳng Công chính Pháp ở Paris.
Đi làm, ông có 12 năm liên tục làm việc ở các tỉnh miền núi, lần lượt làm Trưởng ty Công chính – thời đó thường gọi là ông Chánh lục lộ tại Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn Tây... Người con trai thứ của ông chia sẻ: “Những người cộng sự dưới quyền cha tôi nay còn sống đều công nhận cha tôi có đạo đức, liêm khiết, bình đẳng và hay giúp đỡ những người gặp khó khăn”.
BỘ TRƯỞNG – ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Sau ngày phát xít Nhật đảo chính, kỹ sư Đào Trọng Kim được bổ nhiệm Giám đốc Nha Công chính Bắc Bộ. Người Nhật trả lại độc lập cho Việt Nam. Vẫn biết nền độc lập đó là bánh vẽ nhưng khi cơ hội đến thì những trí thức Việt Nam yêu nước làm công chức trong các công sở đã tranh thủ ra nắm quyền đặng chờ cơ hội sẽ giành lấy nền độc lập thật sự. Cách mạng Tháng Tám, kỹ sư họ Đào sớm ủng hộ Cách mạng. Cùng với một số nhân sĩ trí thức khác, kỹ sư Đào Trọng Kim được mời tham gia Chính phủ Lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính trong 181 ngày của Chính phủ Lâm thời (28.8.1945 – 2.3.1946).
Không chỉ am tường chuyên môn kỹ thuật, nhà trí thức Đào Trọng Kim còn am hiểu các vấn đề xã hội. Chính điều này đã giúp ông tự tin ra ứng cử Đại biểu Quốc hội đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại tỉnh Sơn Tây (6.1.1946). Người dân địa phương đã tín nhiệm “chọn mặt gửi vàng” khi dành số phiếu bầu rất cao cho ông. Không phụ tấm lòng của cử tri, Đại biểu Quốc hội Đào Trọng Kim đã cất tiếng nói của mình tại nghị trường với nhiều vấn đề quốc kế dân sinh. Một trong số đó là việc thảo luận thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước.
Một Tiểu ban Dự thảo Hiến pháp thuộc Quốc hội với 11 thành viên do ông Tôn Quang Phiệt làm Trưởng ban được thành lập. Một bản Dự thảo Hiến pháp được ban hành để trình Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I, từ ngày 2.11.1946 các đại biểu đã sôi nổi tranh luận về bản Dự thảo Hiến pháp này.
Thuyết trình viên Đỗ Đức Dục trình bày trước Quốc hội bản Dự thảo Hiến pháp xong, đại diện các đảng phái trong Quốc hội đã phát biểu ý kiến. Lần lượt các vị Đại biểu Quốc hội Hồ Đức Thành - đại diện Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội, Trần Huy Liệu - đại diện nhóm mácxít, Hoàng Văn Đức - đại diện nhóm Dân Chủ, Lê Thị Xuyến - đại diện nhóm Xã hội, Nguyễn Đình Thi - đại diện Việt Minh, Trần Trung Dung - đại diện Việt Nam Quốc dân đảng bày tỏ quan điểm của nhóm mình. Đại diện các nhóm đều nêu lên những ưu điểm, tính chất tiến bộ của dự thảo, góp ý thêm ở một số phương diện cụ thể và cuối cùng đều tán thành bản Dự thảo Hiến pháp. Hai đại biểu Trần Trung Dung và Phạm Gia Đỗ - đại diện Việt Nam Quốc dân đảng không đồng ý chế độ Quốc hội một viện.
Các đại biểu Hồ Đức Thành, Đỗ Đức Dục, Đinh Gia Trinh, Đào Trọng Kim, Nguyễn Sơn Hà và nhiều đại biểu khác đã phát biểu ý kiến tán thành chế độ một viện. Đại biểu Sơn Tây, ông Đào Trọng Kim nhấn mạnh: “Hiến pháp đã phản ánh được nguyện vọng của dân chúng, chế độ tập quyền và phân công rất thích hợp để có thể ứng phó mau lẹ với thời cuộc luôn biến chuyển”.
Cuối cùng, bản Hiến pháp được Quốc hội nhất trí thông qua.
Khi tiếng súng Toàn quốc kháng chiến khai hỏa, kỹ sư Đào Trọng Kim bị mắc kẹt trong nội thành. Thực dân Pháp đã bắt ông cùng luật sư Vũ Văn Hiền, giáo sư Hoàng Xuân Hãn, ông Phạm Khắc Hòe – nguyên Đổng lý Văn phòng của Hoàng đế Bảo Đại và các nhà trí thức khác giam vào Hỏa Lò. Ngót ba tháng trong lao tù, khi được thả ra, mặc dù không ít lời dụ dỗ, mua chuộc, ông cáo ốm không ra làm việc với thực dân Pháp.
Năm 1955, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, kỹ sư Đào Trọng Kim được mời ra công tác tại Văn phòng Bộ GTVT. Mấy tháng sau đó, ông được bổ nhiệm Phó Giám đốc Cục Khảo sát thiết kế, sau đổi thành Phó Giám đốc Viện Khảo sát thiết kế Thuỷ lợi và Thuỷ điện - Bộ Thuỷ lợi (nay là Bộ NN-PTNT) cho đến ngày nghỉ hưu. Với vốn tri thức dồi dào, ông đã lên lớp trao truyền lại cho những học trò kế cận nguồn tài nguyên tri thức đó. Trong ký ức của ông Phan Khánh, chuyên viên cao cấp của Bộ Thủy lợi (Bộ NN-PTNT hiện nay) vẫn nhớ về người thầy đã đào tạo mình. Ông kể:
“Tôi vinh dự được học khoa Thủy lợi khóa đầu tiên của trường Cao đẳng Giao thông công chính của nhà nước ta, được các bậc cha anh đều là những đại trí thức lúc ấy như các thầy Trần Đăng Khoa, Đào Trọng Kim, Nguyễn Hạp… trực tiếp giảng dạy”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.