Bộ trưởng Công thương: 'Sẽ có một làn sóng đầu tư mới từ châu Âu'

Chí Hiếu
Chí Hiếu
25/06/2019 20:09 GMT+7

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh tin rằng sẽ có một làn sóng đầu tư mới từ châu Âu vào Việt Nam , và nền kinh tế chúng ta sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với việc ký EVFTA và IPA

Chiều 25.6, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí ngay khi có thông tin EU đã thông qua quyết định đi đến ký kết hiệp định EVFTA và IPA với Việt Nam.

Hơn 85% dòng thuế sẽ về 0 vào năm 2020

Việc ký kết EVFTA và IPA có ý nghĩa thế nào với Việt Nam trong bối cảnh hiện này, thưa ông?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Với Việt Nam, chúng ta đã ký nhiều hiệp định (FTA), với 12 FTA, trong đó có cả những FTA thế hệ mới. Tuy nhiên, lần này hiệp định có vai trò rất quan trọng, có tiêu chuẩn cao, có tính toàn diện. Ý nghĩa sâu sắc, sự khác biệt với các FTA khác là yêu cầu mở cửa thị trường khi mà gần như 100% dòng thuế sẽ được hưởng cắt giảm thuế quan trong vòng 7 năm.
Ngay năm sau thôi, năm 2020 hơn 85% dòng thuế sẽ về 0 - chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Không những vậy, hiệp định này rất toàn diện, trải rộng từ hàng hoá, đầu tư, mua sắm Chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ… rất toàn diện. Cho nên nó không chỉ là điều kiện giúp nâng cao kim ngạch hai chiều mà còn có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp chúng ta tham gia vào chuỗi giá trị mới. Châu Âu là đối tác quan trọng cả vốn, công nghệ nên tôi tin rằng quan hệ sẽ rất căn bản, quan trọng trong chiến lược của 2 bên.
Cùng các FTA khác, như CPTPP, thì hiệp định EVFTA và IPA này sẽ cộng hưởng, tạo nên sự phát triển mang tính đột biến, nền tảng để hướng tới phát triển, tiến bộ xã hội, giúp chúng ta hoàn thiện khung khổ luật pháp, thể chế.
Với Việt Nam, cùng với hiệp định này thì vị thế sẽ mạnh lên nhiều, chúng ta trở thành quốc gia có trách nhiệm… Từ đây, các mô hình phát triển trong hợp tác này sẽ là bài học, đóng góp cho toàn cầu, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương, xu thế bảo hộ đang nhen nhóm.
Các ngành nào sẽ được hưởng lợi, hay cần chú trọng nhất khi hiệp định đi vào thực thi, thưa ông?
Hiệp định có mức độ mở cửa thị trường rất cao. Thực tế với Việt Nam dù đây chưa phải là đối tác thương mại lớn nhất nhưng mức độ tăng trưởng cao (17% vào năm ngoái) và tính tương tác, bổ sung cho nhau rất lớn, rất rộng nên dư địa cho hợp tác, xuất khẩu là rất có ý nghĩa.
Căn cứ các ưu đãi, thuế mà ta được lợi như 85,6% dòng thuế cắt giảm ngay trong năm đầu. 7 năm sau đó gần 100% về 0%. Khi Việt Nam đạt được một trình độ nhất định thì việc có hiệp định sẽ rất có ý nghĩa giúp sản phẩm, dịch vụ của ta cạnh tranh được ở châu Âu, tham gia chuỗi giá trị.
Ý nghĩa nữa là toàn bộ sản phẩm xuất khẩu chính được hưởng ưu đãi thuế, thuận lợi hoá thương mại thì đều là ngành mũi nhọn của ta như nông sản: gạo, cà phê, mật ong, chăn nuôi, hoa quả thuỷ sản… đều hưởng ưu đãi từ năm đầu. Tiếp đó, dệt may, da dày, đồ gỗ, tin học và các ngành mới như ô tô, hoá dầu sẽ được nhiều ưu đãi các năm tới.
Tính toán sơ bộ cho thấy, đến 2020 nếu đi vào thực hiện thì tăng trưởng xuất khẩu vào châu Âu là 20%. Năm 2030 có thể tăng trưởng 80%, thúc đẩy tăng trưởng GDP mạnh mẽ. Tính cộng hưởng hiệu quả và tiếp cận các thị trường, hoàn thiện thể chế sẽ giúp ta thu hút công nghệ, vốn để tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của các ngành mũi nhọn.

Quá trình đàm phán đã tiếp tục đưa các nội dung để DN có điều kiện cạnh tranh

Bộ Công thương sẽ có những bước đi nào để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tận dụng hiệp định?
Chúng ta đã có quá trình dài hội nhập nên đó là quá trình rút ra nhiều kinh nghiệm, nhất là xây dựng chính sách gắn với phục vụ DN, người dân. Vì vậy, bài học trong tham vấn ý kiến DN đã được thực hiện tốt. Như khi đàm phán thì tổ chức cùng các hiệp hội, DN để xây dựng các quan điểm trong đàm phán để tối đa hoá lợi ích của nền kinh tế, DN. Vì vậy, quá trình đàm phán này đã tiếp tục đưa các nội dung để DN có điều kiện cạnh tranh.
Tới đây, đầu tiên là có quyết định của Thủ tướng phê duyệt chương trình hành động tổng thể và toàn diện từ cung cấp thông tin cho DN, người dân, bộ máy nắm bắt các nội dung, cam kết, trách nhiệm của chúng ta. Tập trung làm rõ cho các cơ hội, thách thức. Tiếp đó là xây dựng kế hoạch tổ chức thực thi, luật hoá cho phù hợp các kết đã ký.
Trong quá trình quản trị, điều hành cũng luôn phải có những cải cách để quản lý nhà nước gắn với cam kết hộp nhập, hướng vào tạo thuận lợi cho DN; tạo ra các cơ chế, mô hình liên kết để quản lý nhà nước gắn với DN, người dân để tạo thuận lợi cho quá trình thực thi, điều chỉnh chính sách, đảm bảo mang lại hiệu quả cho nền kinh tế...
Nếu được phê chuẩn, thì môi trường đầu tư, trước hết cho DN châu Âu, sẽ được cải thiện đáng kể. Cơ chế giải quyết tranh chấp, bảo hộ sẽ được tổ chức thực hiện sao cho phù hợp luật pháp châu Âu, quốc tế và Việt Nam. Họ sẽ có những điều khoản đảm bảo bảo vệ lợi ích cho họ.
Chúng tôi tin rằng sẽ có các nhà đầu tư châu Âu quan tâm nghiêm túc, tăng trưởng đột biến ở Việt Nam...
Để đi đến ký kết hiệp định này rất khó khăn, ông có thể chia sẻ những điểm nút nào, thậm chí là những khó khăn mà đã có lúc tưởng như đổ bể?
Phải nói rằng hiệp định này vượt cả trình độ của chúng ta trong đàm phán. Vì không chỉ với 12 nước mà có tới 28 quốc gia có nền kinh tế phát triển, có pháp luật rất cao. Đó là quá trình rất dài, 9 năm. 28 nước khác nhau trong cả trình độ quản trị nền kinh tế, nên toan tính của họ cũng khác, và chúng ta đã vượt qua.
Đặc biệt, ở giai đoạn cuối, có cả vấn đề không liên quan đến nội dung đến hiệp định, nhưng họ vẫn đặt ra. Thì tất cả chúng ta đã có lời giải. Ví dụ đánh bắt cá, tốn rất nhiều giấy mực cả hai bên. Hay sản phẩm nông nghiệp, cũng rất phức tạp. Hay thẩm quyền của từng quốc gia khi xử lý tranh chấp của nhà đầu tư với quốc gia. Đó là những nút thắt.
Thậm chí đã có lúc tưởng như chúng ta chỉ ký riêng hiệp định thương mại, bỏ lại hiệp định bảo hộ đầu tư ký sau, nhưng chúng ta đã vượt qua. Phút cuối có những quốc gia đặt lại vấn đề mà trước đó ta đã đàm phán, như thị trường gạo… Cho nên, chúng ta đã có được một kết quả cuối cùng thắng lợi. Trong quá trình đàm phán, sự tham vấn của Chính phủ với DN để khi đi vào thực thi thì có lợi nhất cũng là điều rất tốt mà chúng ta đã làm được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.