Bỏ thuế suất 25% đối với chuyển nhượng BĐS

29/11/2013 03:00 GMT+7

Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Bộ Tài chính áp dụng mức thuế suất 2% trên giá vốn, không áp dụng mức thuế suất 25% trên lợi nhuận.

Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Bộ Tài chính áp dụng mức thuế suất 2% trên giá vốn, không áp dụng mức thuế suất 25% trên lợi nhuận.

Bỏ thuế suất 25% đối với chuyển nhượng BĐS

Thuế thu nhập cá nhân đối với bất động sản gây nhiều tranh cãi - Ảnh: Đ.Sơn

Hạn chế tiêu cực

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng kiến nghị trên để tránh thất thu thuế, hạn chế tiêu cực trong thu thuế, đồng thời tạo điều kiện thuận tiện đơn giản trong xác định, kê khai thuế của cá nhân và việc thu thuế của cơ quan thuế. Trên thực tế, nhiều trường hợp chuyển nhượng, việc xác định giá vốn là rất khó khăn. Nhiều khoản chi phí lãi vay, phí tư vấn, môi giới, quản lý… không thể được ghi nhận hợp lý vào giá vốn làm người bán thiệt thòi; giá trị bất động sản (BĐS) biến động theo thời gian do lạm phát, do các hoạt động đầu tư cải tạo làm gia tăng giá trị của BĐS... Vì thế, nếu áp dụng cả hai mức thuế suất 2% và 25% sẽ xảy ra tình huống, cùng một khu vực địa điểm, do cùng một cơ quan thuế giải quyết, nhưng có trường hợp áp dụng mức thuế suất 2%, có trường hợp áp dụng mức thuế suất 25%. Việc áp dụng 2 mức thuế có thể dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực trong việc xác định và kê khai thuế, thu thuế.

 

Cả 2 mức thuế suất 2% hay 25% đều có điểm bất lợi đối với người nộp thuế. Mức thuế suất 2% trên giá bán thì lỗ hay lời gì người bán nhà cũng phải đóng; còn mức 25% trên lợi nhuận thì trong trường hợp nhà đất không xác định được chi phí, hoặc lạm phát 20 - 30 năm sau mới bán... cũng bất lợi cho người đóng thuế. Luật nhân văn thì cần quy định rõ người dân tự chọn mức thuế suất thực hiện đóng thuế

Luật sư Võ Thanh Hùng

Trước đó, vào tháng 8.2013, UBND TP.HCM cũng đã đưa ra kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận áp dụng một mức thuế suất Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS là 2% trên giá chuyển nhượng để tạo điều kiện cho việc tính và thu thuế chuyển nhượng BĐS.

Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN Cục Thuế TP.HCM, nhận xét: “Bỏ mức thuế suất 25% trên lãi là đúng. Để 2 mức thuế suất đối với BĐS như hiện nay, cán bộ thuế tùy theo cảm nhận của mình mà giải quyết hồ sơ. Cơ quan quản lý như công an, kiểm toán nhà nước, thanh tra... thường dựa vào mức thu thuế cao thì áp dụng mức thuế suất đó, dẫn đến tạo áp lực cho cơ quan thuế. Áp dụng một mức thuế suất 2% trên giá bán cũng giống như trường hợp trước đây áp dụng tiền sử dụng đất, dù có lỗ người dân cũng đóng”.

Anh Quang, một nhà đầu tư BĐS nói rằng, thuế thu nhập quá cao đã khiến người dân phải lách luật tránh thuế, hoặc bằng cách giảm giá trị hợp đồng, hoặc chung chi cho cán bộ thuế. Khi chấp nhận giảm giá trị hợp đồng, người mua sẽ gặp rất nhiều rắc rối về sau.

Để người dân tự chọn

Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty Tấc Đất Tấc Vàng, đây là TNCN nên nếu người kinh doanh có lời thì mới phải đóng thuế. Nếu người dân bán lỗ nhưng vẫn đóng 2% thì số tiền 2% này gọi là TNCN từ chuyển nhượng BĐS liệu có hợp lý? Vì vậy, nên có quy định nếu người dân chứng minh được mình bán lỗ thì không nên đánh thuế.

Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang đặt vấn đề: Chính cách suy nghĩ, hành thu của cơ quan luôn muốn áp mức thuế suất nào có số thu cao dẫn tới những tranh cãi về 2 mức thuế nói trên. Vì vậy, hãy trao quyền chọn mức thuế suất 2% hay 25% cho người nộp thuế”. Trong khi đó, luật sư Võ Thanh Hùng - Giám đốc Công ty luật TNHH Tâm Điểm Luật lại cho rằng: “Cả 2 mức thuế suất 2% hay 25% đều có điểm bất lợi đối với người nộp thuế. Mức thuế suất 2% trên giá bán thì lỗ hay lời gì người bán nhà cũng phải đóng; còn mức 25% trên lợi nhuận thì trong trường hợp nhà đất không xác định được chi phí, hoặc lạm phát 20 - 30 năm sau mới bán... cũng bất lợi cho người đóng thuế. Luật nhân văn thì cần quy định rõ người dân tự chọn mức thuế suất thực hiện đóng thuế”.

Đình Sơn - Thanh Xuân

>> Hai cách tính thuế TNCN đối với chuyển nhượng bất động sản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.