Bộ Thông tin và Truyền thông không đồng ý 'đeo mào' cho Grab

19/05/2019 18:48 GMT+7

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ góp ý về dự thảo thay thế Nghị định 86/2014 quy định hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô dưới 9 chỗ.

Văn bản do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ký đề xuất đầu tiên, cần xem những đơn vị cung cấp nền tảng (platform) như Grab, Uber, GoViet... là một chủ thể riêng biệt, ngoài những chủ thể được quy định hiện nay.
Cụ thể, Bộ TT-TT cho rằng đối với hoạt động kinh doanh taxi truyền thống, có 3 chủ thể đóng vai trò chi phối chính gồm công ty vận tải taxi, người dân và cơ quan quản lý nhà nước. Với mô hình taxi công nghệ, xuất hiện thêm một chủ thể là đơn vị cung cấp nền tảng. Trong 4 chủ thể đó, công ty vận tải và đơn vị cung cấp nền tảng kết hợp cung cấp cho người dân một loại dịch vụ tương đương taxi. Công ty vận tải và đơn vị cung cấp nền tảng không tự mình thực hiện tất cả công đoạn như hoạt động của taxi truyền thống, mỗi chủ thể chỉ cung cấp một số công đoạn.
Do đó, ông Hùng đề nghị thêm vào điều 3 dự thảo Nghị định với nội dung khẳng định vị trí riêng biệt đó: "Đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải là đơn vị kết nối giữa đơn vị vận tải và hành khách, sử dụng công nghệ số giúp hành khách có nhu cầu tìm được đơn vị vận tải có khả năng cung cấp. Tất cả giao dịch đều diễn ra trong môi trường số".
Cơ quan quản lý cần sử dụng chính công nghệ để quản lý và giám sát những hoạt động sử dụng công nghệ Ngọc Dương
Người đứng đầu Bộ TT-TT yêu cầu cần có những quy định riêng và phù hợp đối với đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải, đảm bảo tương ứng với các công đoạn trong hoạt động kinh doanh taxi mà đơn vị này trực tiếp thực hiện.
Cụ thể, cần bổ sung quy định quản lý với đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải như các công đoạn thông qua môi trường số để kinh doanh taxi, minh bạch về giá cước và quãng đường, cung cấp công cụ giám sát cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để kiểm tra, lưu giữ quá trình vận tải, hóa đơn điện tử để hậu kiểm, không hướng dẫn xe đi vào đường cấm…
Đồng thời, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh cơ quan quản lý cần sử dụng chính công nghệ để quản lý và giám sát những hoạt động sử dụng công nghệ. Theo đó, thay vì yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử có “bảng đèn hiệu” hoặc biển số khác màu, cơ quan quản lý có thể yêu cầu đơn vị cung cấp nền tảng đảm bảo khả năng truy cập vào dữ liệu những xe đang tham gia mô hình.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng có thể yêu cầu đơn vị nền tảng chỉ đề xuất lộ trình cho xe hợp đồng đúng quy định về tuyến đường và thời gian vận chuyển... Tất cả lộ trình phải được lưu lại để truy xuất trong trường hợp thanh, kiểm tra. Đây là một hình thức dùng công nghệ để hậu kiểm thay vì tiền kiểm.
Cuối cùng, đại diện Bộ TT-TT cho rằng cần tăng khả năng cạnh tranh cho những mô hình taxi truyền thống thay vì giảm khả năng cạnh tranh của những mô hình taxi sử dụng công nghệ.
"Việc yêu cầu gắn biển điện tử với các xe hợp đồng dưới 9 chỗ như dự thảo mới nhất sẽ làm giảm sự sẵn sàng tham gia của các đơn vị vận tải, đưa thị trường trở lại thời điểm trước khi xuất hiện loại hình kinh doanh sử dụng công nghệ. Thay vào đó, cơ quan quản lý có thể tăng tính cạnh tranh cho các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống bằng các quy định mới phù hợp. Ví dụ: Nếu khách hàng đặt taxi truyền thống thông qua phần mềm của hãng, khi mà các điều kiện minh bạch về lộ trình và giá cước được đảm bảo, thì cũng cho phép hãng taxi và khách hàng có thể thỏa thuận giá phù hợp với nhu cầu ở thời điểm đó, thay vì sử dụng giá niêm yết. Giá niêm yết vẫn tiếp tục áp dụng cho trường hợp khách vẫy và vận chuyển theo đồng hồ" - văn bản của Bộ TT-TT nêu rõ.
Trước đó, Bộ GTVT đã hoàn thành dự thảo nghị định mới lần thứ 8 thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải, gửi các bộ, ngành, cơ quan liên quan để lấy ý kiến góp ý. Nếu được thông qua, các ứng dụng gọi xe công nghệ hiện nay như Go-Viet, Grab, FastGo… sẽ phải đăng ký là doanh nghiệp vận tải, áp dụng các quy định như xe taxi truyền thống hiện nay, trong đó có quy định taxi công nghệ phải có phù hiệu “taxi” và được dán cố định phía bên phải mặt kính trước của xe, có hộp đèn chữ “taxi” gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 15 x 20 cm. Đề xuất này đang vấp phải ý kiến phản đối của nhiều bộ, ngành và các chuyên gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.