Bộ sưu tập chiêng quý

13/10/2015 10:27 GMT+7

Ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, H.Sa Thầy (Kon Tum) có một già làng đang sở hữu nhiều bộ chiêng quý .

Ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, H.Sa Thầy (Kon Tum) có một già làng đang sở hữu nhiều bộ chiêng quý.

Chiếc chiêng già làng A Ram đổi 100 triệu đồng với 3 con trâu mộng - Ảnh: Phạm AnhChiếc chiêng già làng A Ram đổi 100 triệu đồng với 3 con trâu mộng - Ảnh: Phạm Anh
Bộ sưu tập đặc biệt
Đó là già làng A Ram. Sau nhiều lần tới lui, tôi mới gặp được ông vào một buổi trưa. A Ram hôm đó mặc bộ quần áo vàng, hút thuốc xì gà, giống như điền chủ thời xưa. Ông vừa là già làng có uy tín, vừa là người giàu có nhất nhì ở cái làng người Ja Rai ở ven thị trấn Sa Thầy này.
Chiêng là tài sản
Theo Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Kon Tum, ông Phan Văn Hoàng, ngoài nhạc cụ thì cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum cũng là tài sản, làm thước đo cho sự giàu nghèo trong cộng đồng, gia đình, dòng họ. Đồng bào ở đây có nhiều loại chiêng quý, coi như tài sản: chiêng Pôm, chiêng Pát, chiêng Honh, chiêng Lào, chiêng Nỉ, chiêng Goong, chiêng Ngô, chiêng HLeng, chiêng Tha, chiêng Buar.
Theo chân lên căn gác sặc sỡ treo nhiều tranh ảnh nhuốm màu tâm linh, tôi ngỡ ngàng khi thấy dưới sàn nhà đặt ngay ngắn khoảng mười mấy cái ghè thiêng. "Ghè này rẻ nhất là 20 triệu đồng, nhiều nhất 60 triệu đồng một cái đấy!", già A Ram khoe. Thế nhưng, những cái ghè thiêng này với già A Ram xem ra không quý giá bằng "kho" chiêng quý để riêng biệt ở một gian nhà.
Dắt khách đến kho này, già A Ram giới thiệu đây là bộ chiêng Honh 18 lá, bán ra 60 triệu đồng. Kia là bộ chiêng Lào 2 lá cũng 60 triệu đồng. "Hai bộ chiêng này là do ba mẹ truyền lại, mình gìn giữ nó không chỉ nó là chiêng quý của dân tộc mình mà còn là kỷ vật truyền đời. Còn đây là lá chiêng Pôm 150 triệu đồng và đây nữa, bộ chiêng đặc biệt: chiêng Pát, giá trị còn cao gấp chiêng Pôm kia. Ở làng Plei Xa, xã Ya Chim, TP.Kon Tum có người có chiêng này nhưng nhỏ hơn nhiều, tiếng chiêng kém hơn nhiều".
Quả thật, chỉ quanh sàn nhà vị già làng đầy quyền uy này, tài sản quý bày ra nhan nhản. Không biết phía sau trong những căn phòng kín kia, còn có bộ vật dụng nào quý hơn không nữa. Với người Ja Rai nói riêng, đồng bào vùng bắc Tây nguyên nói chung, hễ nhà nào, làng nào có nhiều chiêng, ghè như thế là gia đình, làng ấy giàu sang, quyền quý. Với già làng A Ram, tưởng như những vật quý xứ này đều ở trong nhà ông. Ấy vậy mà ông cứ tiếc rẻ khi bán cho một cán bộ tỉnh này ba cái ghè và một bộ chiêng giá 150 triệu đồng cách đây vài năm: "Nó mà không phải cùng họ hàng là tao không bán đâu".
Mua chiêng quý về ngắm
Giới thiệu hết ghè, chiêng, già làng A Ram cầm chiếc chiêng Pát đường kính chừng 60 cm lên, bảo: "Tất cả các bộ chiêng kia cộng lại cũng chưa quý bằng chiêng này. Tao đi rồi, cả 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, chỉ có chiêng của tao là quý nhất".
Chiếc chiêng Pôm giá trị 150 triệu đồng của già làng A Ram
Chiếc chiêng Pôm giá trị 150 triệu đồng của già làng A Ram - Ảnh: Phạm Anh
Thế rồi A Ram kể, có một lần đi mua bán chiêng tận Campuchia, ông để ý trong một gia đình có họ hàng xa với mình có chiêng này. A Ram hỏi mua, người họ hàng nọ bảo: "Mày không mua nổi nó đâu!". Hơn nữa, người họ hàng kia cũng không muốn bán chiêng quý này. Tức khí, chuyến sau đi sang nhà họ hàng nọ, A Ram đổi luôn 3 con trâu mộng (mà theo như ông nói giá trị cũng 50 triệu đồng/con) và chồng tiền mặt 100 triệu đồng. Nhờ vậy, A Ram mới mang nó về được đến giờ.
Khi đưa chiêng Pát về đến nhà, A Ram bắt đầu cúng chiêng với lễ vật rất lớn gồm: trâu, dê, heo, gà và rượu ghè ngon nhất để lâu ngày. Cả làng Chốt uống rượu, ăn thịt nhà A Ram hai ngày mới tan. Nghe chuyện lạ lùng, tôi hỏi vì sao chiêng Pát quý đến thế? A Ram lấy chiêng ra chỉ cho xem núm chiêng, giải thích: núm chiêng này có hai lớp, vành chiêng dày hơn và khác biệt với các loại khác. Người ta còn dùng vật "bạt" núm chiêng này từ gốc đến đỉnh núm chiêng cho láng bóng, óng ánh.
Đó là chưa kể, dù chưa ai xác định nhưng hợp kim chế tạo chiêng Pát nghe đồn còn có cả đồng đen. Theo già A Ram, chiêng Pát của mình phục vụ tất cả các lễ hội, đám tang trong làng. Mỗi khi đánh lên, nó ngân vang hết đồi nọ, đến làng kia và đặc biệt trong đêm thanh vắng, đứng xa 5 km có thể nghe thấy tiếng chiêng này cao vút lên và khác biệt so với tiếng chiêng thường khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.