Bơ sáp - Truyện ngắn của Nguyên Hương

20/08/2017 04:09 GMT+7

Chẳng rõ vì sao hôm đó cô quyết định nói thật. Vì muốn trở thành mối quen biết nghiêm túc? Không, chẳng ma nào tin mạng mẽo mà trở thành nghiêm túc được, bằng chứng là cô đây, chẳng cố tình lừa ai mà cũng xạo cho khuây khỏa.

Có lẽ vì cô ngán cái việc phải đọc lại những gì mình đã gõ trước đó từ lâu, nói xạo thì sao mà nhớ cho hết, hớ hênh một câu không khớp thì lại phải kiếm cớ giải thích. Và có lẽ vì trời mưa. Phòng trọ mười mét vuông trời nắng thì bốc hơi mà mưa thì tiếng lộp độp xuyên thẳng vô tai.
Không ngủ được đâm ra cô cứ gí mắt nhìn qua khe coi chừng nước có dâng lên thềm mà tràn vô phòng không.
“Xin lỗi anh, em không phải sinh viên. Em là thợ may mà cũng không phải thợ xịn. Em làm công nhân xí nghiệp, chỉ ráp từng bộ phận thôi”.
Cô ngừng, rồi gõ tới tấp, lỡ rồi thì nói luôn cho xong:
“Thật ra thì em cũng là sinh viên được một năm. Lỡ dại. Con trai em bốn tuổi rồi. May mà bà chủ nhà thương. Ngày nào em làm ca tối thì bà chủ đón nhà trẻ giùm rồi cho ăn uống luôn. Em dọn dẹp nhà cho bà chủ coi như bù qua bù lại. Thôi chào anh”.
Gõ xong “Thôi chào anh” là cô định thôi luôn mạng mẽo từ đây, nhưng ngón tay cô vừa đưa tới phím tắt thì màn hình hiện dòng chữ “Anh cũng xin lỗi em”.
Cô thấy đau điếng. Vậy đó, người ta cũng xạo cho vui. Ờ, đợi nghe xạo thêm lần này nữa coi.
“Anh không phải kỹ sư nông nghiệp. Anh chăn bò, làm thuê cho người ta. Nói chăn bò mà đúng ra là chăm bò sữa”.
“Hồi đó cũng tại anh ham chơi quá. Ông bà già nổi giận nói đuổi, anh đi luôn. Nhưng bây giờ anh biết nghĩ rồi. Đang dành tiền định về quê thăm nhà xin lỗi. Anh cũng định mượn vốn ba má mua cặp bò sữa rồi mai mốt...mà thôi, sợ nói trước bước không tới”.
Cô nín thở đọc lại từng chữ, có vẻ như lần này người ta cũng như cô, thật tình.
“Chỉ sợ em chê thằng chăn bò thôi”.
***
Không nói xạo nữa, cô đọc đi đọc lại những câu anh kể, thấy cuộc đời vui hơn nhiều. Cô hình dung công việc chăm bò sữa. Dậy từ ba rưỡi sáng để hốt phân, tắm cho bò... rồi vắt sữa. Mọi công đoạn phải răm rắp để kịp giao sữa cho nhà máy trước sáu giờ. Rồi đi cắt cỏ...
“Cu Tý ở đây thì tha hồ uống sữa tươi”.
Cô đọc đi đọc lại câu này, có phải ý anh là…?
Cô thả tâm trí mình bay xa. Buổi sáng thức dậy cô đứng trong bếp nấu nồi sữa tươi, cu Tý thích ngọt, chắc là phải cho nhiều đường. Đợi sữa nguội rồi rót vô chai bỏ tủ lạnh. Ở đây mỗi ngày cô ra quán đầu đường mua cho cu Tý một hộp thôi, không dám mua nguyên lốc vì hễ có sẵn là cu Tý không biết để dành ngày mai. Cô tưởng tượng cu Tý bưng chai mà tu một hơi đã đời.
Cô hỏi anh coi phim thấy ở nước ngoài người ta lấy sữa làm bơ làm pho mát, ở chỗ anh có làm vậy không? Anh gởi một khuôn mặt cười mím chi “Chưa thấy ai làm. Hay là em học cách làm đi. Chịu về sống ở quê không?”.
Ý tứ vậy là rõ ràng rồi còn gì.
***
Cô kể anh nghe nhà cô có một vườn bơ sáp. Rất ngon. Mới đầu mùa, trái cỡ nắm tay người quen đã dặn dò nhớ để cho họ chục ký làm quà. Mỗi mùa hái được vài ba lứa. Suốt mùa bơ ngày nào cũng có điện thoại, khi nghe trả lời lứa này đã hứa bán cho mấy mối quen trước rồi thì người ta đòi đặt cọc cho lứa sau, đặt cọc cho chắc ăn. Má cô nói vườn bơ sáp này là lộc trời cho vì có người lấy hột bơ này mà trồng chỗ đất khác thì không ngon bằng.
Anh hỏi sao chỉ nghe em kể về má mà không nhắc tới ba?
À, vì ba chết sớm, má ở vậy nuôi hai anh em. Đàn bà ở quê không có chồng thì đã yếu thế lắm, thêm chuyện của cô, má rũ liệt luôn. Nghe cô thú tội cái thai đã sáu tháng, nước mắt má tuôn như mưa. Nhưng đuổi cô ra khỏi nhà là anh trai. Quyền huynh thế phụ.
Cô rời khỏi ký túc xá rồi bỏ đi luôn. Kể ra thì cũng liều, mà lúc đó cô có biết sợ gì nữa đâu, nhiều khi chỉ muốn đâm đầu ra đường cho xong đời.
“Nếu bây giờ có một người đi với em thì anh trai chịu cho vô nhà không?”.
Câu hỏi vào một đêm trời cũng mưa lộp độp thẳng vô tai. Cu Tý trở mình hất tung cái mền và mở bừng mắt “Mẹ hả?” rồi nhắm mắt lại choàng tay qua cổ cô như mỗi khi ngủ gục ở nhà bà chủ đợi mẹ tan ca bế về.
Cô muốn gật đầu quá đi, mà không biết người ta có thương con mình không?
Ờ, mấy lần anh nói cu Tý ở đây thì tha hồ uống sữa tươi còn gì.
Cô nhấn phím “Em không biết”.
*
Chín giờ, tan ca. Thường thì cô về ngay nhưng tối hôm đó nghe tin mình được thưởng nên cô ghé chợ đêm. Tay chưa cầm tiền mà lòng đã muốn mua sắm. Vậy, khi vui cô thích đi chợ. Mua cho cu Tý đôi giày xong, cô phân vân nhìn cái áo sơ mi sọc hai màu xanh xám nhạt, bỗng thấy thích cái áo này quá, chân bước đi rồi mà cứ quay đầu lại. Cô gọi điện thoại “Áo của anh cỡ nào?”.
Xen trong giọng anh trả lời là giọng của cu Tý “Mẹ hả mẹ?”. Cô tự cười mình giỏi tưởng tượng. Gói cái áo lại, cô lo lắng không biết màu này có hợp với anh không. Cô chưa gặp anh lần nào. Hỏi kích cỡ thì còn được chứ chẳng lẽ lại hỏi da anh đen hay trắng.
Anh nói bò sữa nuôi trong chuồng chứ không phải chăn bò thả rông ngoài đồng, vậy thì chắc là da anh không đen, chắc là hợp với màu xanh xám nhạt này.
Về tới phòng trọ, cô đứng sựng ngay cửa vì thấy người con trai làn da sạm đen và cu Tý đang lắp ráp con rô bốt, lung tung trên nền nhà là cái hộp đựng, tờ giấy trang kim nhàu nhò và cái nơ.
Cu Tý vẻ chê anh không biết gì. Anh gãi tóc:
- Có biết đâu, đồ chơi con nít nhìn vậy mà rối rắm quá hả, tháo ra thì dễ mà gắn lại thì…
Bà chủ nhà liếc mắt ý nhị:
- Người lạ thì đời nào bác cho mượn chìa khóa tự do vô phòng. Mà tại vì có can sữa. Sợ để đợi lâu sữa hư hết thì đổ thừa tại bác.
Cô đỏ mặt nhìn can sữa chục lít ở góc phòng rồi nhìn nồi sữa to tướng bốc hơi trên bếp. Bà chủ lại cười:
- Bác cho mượn nồi đó. Trả ơn cho bác một ly nghe. Đời bác chưa bao giờ uống sữa tươi kiểu này.
Cả khu trọ phòng nào cũng được mời một ca sữa tươi, ai nấy cười cười kiếm cớ đi qua đi lại ngang phòng để nhìn mặt anh chàng xấu trai mà biết điều, ra mắt bằng một chầu sữa ngọt ngào thơm phức.
Cô ửng hồng hai má:
- Sao anh không nói trước để em xin đổi ca?
- Bất ngờ mới vui. Mà lạ lắm nghe, lúc em gọi điện thoại, sao cu Tý biết là em gọi, con kêu lên “mẹ hả mẹ” anh phải vội tắt điện thoại đi, sợ em nhận ra thì hết bất ngờ. Em không vui à?
Hỏi ngốc quá đi. Sao không vui cho được.
Nhưng mà rõ ràng là làn da của anh không hợp với màu áo. Ngày mai cô sẽ đổi màu khác. Ờ, có anh ở đây thì rủ cùng đi luôn, mặc thử cái nào đẹp thì biết ngay là đẹp.
***
Chuyến xe về thăm cô hồi hộp biết mấy, mừng vui lo lắng rối tung trong lòng. Nhưng không ngờ.
Niềm vui của má cô khi nhìn thấy anh cầm tay cu Tý chỉ là niềm vui riêng của má. Còn anh trai thì hình như đã quên chính anh đuổi cô ra khỏi nhà. Chỉ có chị dâu là mừng tíu tít mà tíu tít vì lý do khác.
Đại gia từ thành phố về mua đất đai làm trang trại, hàng xóm chung quanh ký giấy bán hết rồi, căn nhà và vườn bơ sáp của gia đình cô lọt thỏm giữa mấy miếng vườn mà đại gia đã gom.
Lọt thỏm nhỏ bé, nhưng được trả giá khá cao vì nó nằm giữa, chia cắt trang trại thành hai nơi, mà đại gia thì muốn liền mạch.
Chị dâu liếc nhìn anh và cu Tý:
- Người ta lui tới, trả giá lần sau cao hơn lần trước mà má vẫn không chịu bán, nói là muốn giữ lại nhà cửa của ông bà với vườn bơ sáp. Thời buổi này... Nay có vợ chồng cô với cháu về thì chắc là má sẽ nghĩ lại vì má thương nhớ cô lắm, thế nào cũng bán chia cho cô có vốn mua bò.
Anh trai cô phẩy tay:
- Đang có công ăn việc làm ở phố mà đâm đầu về quê nuôi bò chi cho cực. Gởi tiền vô ngân hàng lấy tiền lời sống khỏe.
Má cô thở dài:
- Chính vì vậy mà má không muốn bán đó. Không căn cơ mà cầm tiền trong tay là xài hoang lắm, còn sinh tật nữa. Cứ nhìn hàng xóm mình mới bán nhà bán vườn năm ngoái mà nay đã phải vay tiền nóng tiền nguội là biết.
Anh trai cáu kỉnh phủi quần bỏ đi một mạch tới hôm sau mới về. Rồi lại cáu kỉnh bỏ đi...
Cô chẳng biết nói sao. Về quê lần này cô hồi hộp cầu mong sự chấp nhận anh là con rể trong nhà, và vài mâm ra mắt hàng xóm. Mà sự có mặt của anh, rõ ràng về mặt lễ nghĩa thì anh vẫn là người ngoài, cũng không vì ngại ngùng mà giảm đi sự căng thẳng giữa việc muốn và không muốn bán nhà bán vườn khiến cô thấy xấu hổ. Giá mà cô bị mắng chửi như cô từng kể, để anh thấy gia đình mình nề nếp. Rồi chuyện mua bán tính sau.
***
Lần này anh trai đi một mạch ba ngày ba đêm. Chị dâu gởi đứa con mười sáu tháng tuổi nhờ cô giữ giùm, để đi tìm chồng.
Đi hết một ngày trời, chị dâu thất thểu quay về, khóc:
- Thua hết rồi. Đại gia bày chiêu cờ bạc không ăn tiền mà ăn bơ với đất. Ván này đặt một cây bơ, thua thì mất cây bơ với khoảnh đất mà cây bơ mọc trên đó, còn thắng thì được thêm mét đất. Nghe ngon ăn quá. Chơi sao lại với đại gia. Thua hết chín chục cây bơ rồi. Má có sức thì tới sòng bài mà kêu về chứ con nói thì chỉ ăn bạt tai thôi. Đại gia đang kêu chơi ván cuối, thắng thì trả lại chín chục cây bơ mà thua thì xong căn nhà này luôn - Chị dâu khóc to hơn - Tại má đó, hồi đó má chịu bán thì mình lấy được tiền của đại gia rồi chứ đâu đến nỗi này.
***
Sau một đêm, sáng ra má trở thành người ngơ ngác.
Chưa có mâm cơm ra mắt, anh đã trở thành con rể.
Anh bàn với cô đưa má về chỗ anh, thường ngày anh ở nhờ nhà chủ, nhưng bây giờ thì mình thuê phòng trọ. Rồi thì… rồi thì…
Xếp áo quần đưa má đi, cô vẫn chưa biết mặt mũi đại gia méo tròn ra sao. Chỉ một người tự xưng là đại diện của đại gia, biết bơ sáp bán được giá lắm, đại gia tính tình rộng rãi nên cho phép nhà mình được thu hoạch vụ bơ năm nay. Coi như là tình cảm với nhau.
Rồi người đó nhìn ngó chị dâu vừa khóc vừa xếp áo quần chuẩn bị đưa con về nhà ngoại, à, nơi này sẽ xây lên một khu phức hợp, cũng phải vài ba năm mới xong, cần đàn ông làm bảo vệ và đàn bà nấu cơm cho thợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.