Bỏ quên di sản Chăm: Huyền thoại Thành Lồi

25/04/2016 08:06 GMT+7

Thành Lồi là một thành cổ độc đáo của Vương quốc Chămpa, gắn liền với nhiều huyền thoại, hiện còn tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế). Di tích vừa được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích lịch sử quốc gia.

Huyền thoại về cuộc chiến tranh không đổ máu
Thành Lồi tọa lạc trên đồi Long Thọ, ở địa bàn hai phường Thủy Xuân và Thủy Biều (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế). Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép: “Ở xã Nguyệt Biều, H.Hương Thủy, thế truyền đây là chỗ ở của vua Chiêm Thành gọi là thành Phật Thệ”. Từ trung tâm TP.Huế theo đường Lê Lợi đi về phía ga Huế, rẽ theo đường Bùi Thị Xuân đi khoảng 4 km, rẽ trái theo đường Huyền Trân Công Chúa 500 m là đến di tích.
Huyền thoại dân gian của vùng Thừa Thiên-Huế từ lâu vẫn lưu truyền rằng, trong quá trình mở cõi về phương nam của quốc gia Đại Việt, giữa người Việt và người Chăm đã xảy ra một cuộc chiến giành chủ quyền vùng đất Thuận Hóa. Hai dân tộc đã đi đến một thỏa ước, cùng nhau xây đắp thành trong một thời gian được ấn định, nếu bên nào xây dựng được thành cao hơn thì bên còn lại phải rút lui để nhường đất lại cho bên thắng cuộc. Người Chăm thật thà đã ngày đêm huy động sức dân đào đất, xây thành. Khi còn thời hạn một đêm nữa là đến ngày giao ước, phía người Việt vẫn không có bất kỳ động tĩnh nào. Người Chăm đã vui mừng tổ chức ăn uống mừng công cho trường thành của mình đã xây dựng cao. Sau một đêm no say, sáng hôm sau khi thức dậy, quân dân người Chăm nhìn sang bên kia chiến tuyến của người Việt đã thấy hiện lên một tòa thành nguy nga tráng lệ. Tòa thành to lớn và cao hơn thành của người Chăm vạn lần. Thời gian đã hết, người Chăm đã không còn cơ hội để chiến thắng nên đã tự nguyện rút quân, nhường đất cho người Việt. Tòa thành mà người Chăm đã tốn bao nhiêu công sức xây dựng đêm ngày đó chính là Thành Lồi hôm nay. Còn tòa thành nguy nga tráng lệ của người Việt hóa ra chỉ là tòa thành giả được làm bằng giấy.
Truyền thuyết trên không chỉ được lưu truyền trong dân gian của người Việt mà điều thú vị là trong sử thi của đồng bào dân tộc Tà Ôi - Pa Cô... ở miền núi phía tây Thừa Thiên-Huế cũng được nhắc đến. Theo đó, sử thi của người Tà Ôi đến nay vẫn lưu truyền rằng, cái tên Tà Ôi (có nghĩa là đi lên phía núi) nhằm nhắc nhớ về nguồn gốc của họ từ miền xuôi đi lên phía núi. Theo sử thi Tà Ôi, họ chính là dân tộc đã thua cuộc trong cuộc thi xây đắp thành ở miền xuôi, buộc phải nhường lại đất cho người anh em để đi lên phía núi, sinh cư, lập nghiệp.
Không chỉ trong sử thi của người Tà Ôi được truyền miệng qua bao đời mà theo ghi chép của H.Parmentier (1871 - 1949), nhà khảo cổ học người Pháp, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Chăm ở VN và các nước Đông Dương, có kể lại rằng “khi bị bắt làm con đường từ Thành Lồi đến Vạn Niên, những người miền núi (người dân tộc Tà Ôi, Pa Cô) cho rằng tòa thành (Thành Lồi) là của tổ tiên họ. Vì làm con đường nên ngôi miếu quốc vương Chiêm Thành bị phá, những người miền núi phản ứng dữ dội, họ kéo đến tòa khâm sứ đòi phạt vạ. Và để giải quyết tình hình, triều đình nhà Nguyễn đã xây dựng một ngôi miếu khác cạnh đó, những người miền núi này thường lui tới ngôi miếu Hồi này (miếu quốc vương Chiêm Thành) mà cầu khấn”.
Hoang phế
Theo tài liệu lý lịch di tích của Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế (đơn vị đang quản lý di tích quốc gia Thành Lồi), Thành Lồi là một trong những công trình kiến trúc quân sự khá độc đáo của người Chăm. Thành có quy mô tương đối lớn, vừa được đào đắp, xây dựng kiên cố, vừa lợi dụng địa thế tự nhiên (có sông Hương làm hào chắn) tạo nên một công trình phòng thủ vững chắc. Tuyến phòng thủ ở bờ nam sông Hương như bức bình phong che chắn cho phía bắc kinh đô của Chămpa ở phía nam. Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, “Thành Lồi là một thành Chiêm lớn, xây dựng trên vùng đồi Dương Xuân Thượng với đầy đủ hệ thống hào, hệ thống thoát nước...”, niên đại của Thành Lồi không thua kém thành Trà Kiệu, khoảng thế kỷ 5 - 6. Như vậy, Thành Lồi ra đời khá sớm, trước thế kỷ thứ 8.
Tài liệu của Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế mô tả thành tọa lạc trên đồi Long Thọ (độ cao từ 30 - 50 m), phía nam, tây, đông đều có các khe nước chảy qua, phía bắc giáp sông Hương. Nhìn tổng thể, Thành Lồi có dạng gần hình vuông, chu vi dài khoảng 2 km, với cấu trúc khép kín bốn mặt. Các lũy thành nằm đúng theo các hướng tây - nam - đông - bắc. Cấu trúc mặt cắt của tòa thành gồm 3 tầng: Tầng thứ nhất từ bề mặt của thành xuống 1,8 - 2 m bằng đất nện chặt; tầng thứ 2 dày 0,5 - 1 m được đắp bằng gạch, đá cuội xen lẫn và tầng thứ 3 cách bề mặt 2,5 - 3 m dày 1,8 - 2 m được đắp bằng đất nền chặt. Nguyên vật liệu xây đắp Thành Lồi chủ yếu bằng đất đồi, gạch và đá cuội. Kỹ thuật xây gạch theo kiểu “mài chập liên kết thành khối vững chắc, không có mạch vữa như kỹ thuật xây dựng các công trình kiến trúc Chăm”.
Do trải qua hàng thế kỷ, chịu sự tác động của thiên nhiên và con người nên ngày nay các dấu tích liên quan đến Thành Lồi đều đã ít nhiều thay đổi. Hiện tại, chỉ còn đoạn thành phía nam là tương đối bảo lưu được dấu tích, nên Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế đã chọn đoạn thành này để khoanh vùng bảo vệ di tích, với tổng diện tích của cả hai khu vực là 18.126,4 m2, trong đó khu vực 1 có diện tích là 12.085,3 m2, khu vực 2 có diện tích là: 6.041,1 m2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.