Bỏ quên di sản Chăm: Bất ngờ tháp Mỹ Khánh

20/05/2016 13:37 GMT+7

Sau hàng thế kỷ bị chôn vùi, năm 2001 tại vùng cát ven biển thuộc thôn Mỹ Khánh (xã Phú Diên, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) các ngành chức năng đã phát hiện một tháp Chăm độc đáo còn khá nguyên vẹn.

Phát hiện bất ngờ
Ngày 18.4.2001, tại thôn Mỹ Khánh, cách TP.Huế khoảng 30 km về hướng đông nam, theo QL 49B, trong quá trình đào hố khai thác titan nhóm công nhân thuộc phân xưởng Phú Diên (Công ty Khoáng sản Thừa Thiên-Huế) phát hiện một khối gạch bị vùi sâu trong lòng cát, ở độ sâu từ 5-7m so với mặt đất. Ngay sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo Sở VHTT (nay là Sở VH-TT-DL), Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (nay là Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế) phối hợp với các ngành liên quan tiến hành khảo sát, thám sát di tích.
Trong thời gian từ ngày 3-5.8.2001, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã tiến hành đào thám sát, sau đó phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật và phát hiện một tháp Chăm (gọi là tháp Chăm Mỹ Khánh). Kết quả khảo cổ cho thấy di tích là một khối kiến trúc hình chữ nhật, không có phần mái (chóp) được xây dựng bằng vật liệu duy nhất là gạch có kích thước 30 x 20cm, dày 6cm, diện tích khoảng 30 m2, độ dày của mỗi bức tường từ 90cm-0,1m. Chính giữa 4 bức tường được thiết kế 4 vòm cửa, riêng cửa phía đông là cửa chính ra vào, 3 vòm của còn lại là cửa giả, trang trí họa tiết, hoa văn, kích thước cơ bản giống nhau. Chính giữa lòng di tích, ở độ sâu 1,4 m có một Yoni kích thước 60cm x 60cm, dày 10cm, vôi dày 12cm, được làm bằng chất liệu đá xám (xilicat). Yoni được đặt trên bệ gạch (80cm x 80cm) ở giữa Yoni và bệ thờ có hai mảnh kim loại màu vàng dát mỏng. Cách móng tháp về hướng đông nam 2,95m có một nền gạch dài 1,95m, rộng 55cm, ngoài là dấu vết của một đoạn tường bao quanh tháp. Cách cửa phía đông tháp 15m là một khối gạch có kích thước 1m x 1m, cao 1,25m trên mặt bệ là một vòng tròn đường kính 74cm xếp hình núi, giữa có một lỗ tròn 18cm.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn phát hiện có một bờ đê với hàng cọc kè về hướng đông nam 12m… Từ những phát hiện có thể khẳng định đây là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm-pa rất có giá trị về khoa học và lịch sử, kiến trúc bởi từ kiến trúc đến hình dáng, kỹ thuật xây dựng, các họa tiết trang trí ngoài tường tháp đều mang đậm phong cách kiến trúc Ấn Độ giáo. Đặc biệt là sự có mặt của Yoni đã khẳng định đây là một di tích Chăm-pa.
Các nhà chuyên môn nhận định, tháp Chăm Mỹ Khánh được xây dựng và trang trí khá hoàn chỉnh, cân đối, hài hòa. Sự liên kết các mảng trang trí của tháp có tính liên tục, hòa nhập, đối xứng, tạo ấn tượng thuyết phục, tỉ mỉ mà không rườm rà, mạnh mẽ nhưng không thô cứng. Từ chân đế đến thân, diềm mái và đặc biệt là 4 vòm cửa đều có tính đăng đối, uy nghi. Kỹ thuật xây dựng sử dụng duy nhất là gạch nung kết nối với nhau bằng mạch mài, không có vôi vữa, đây là kỹ thuật xây dựng đặc trưng của người Chăm.
Từ kiến trúc, trang trí, vật liệu xây dựng và các hiện vật liên quan, kết hợp với kết quả phân tích mẫu vật bằng C14 của Viện Khoa học xây dựng (Bộ Xây dựng) các nhà chuyên môn đã kết luận tháp Chăm Mỹ Khánh có cùng niên đại với kiến trúc Mỹ Sơn E1 sang kiến trúc tháp Hòa Lai, thuộc đầu thế kỷ thứ 8. Việc phát hiện tháp Chăm Mỹ Khánh đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Di sản chờ... khách
Ngay sau khi phát hiện di tích độc đáo này, tháng 12.2001, Bộ VHTT đã có quyết định xếp hạng di tích tháp Chăm Mỹ Khánh là di tích quốc gia. Đến tháng 10.2005, Bộ VH-TT và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phê duyệt dự án trùng tu với kinh phí gần 4 tỉ đồng. Dự án được giao cho Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung thực hiện các hạng mục: gia cố nền móng chân tháp; gia cường kết cấu chống sụp đổ công trình; bảo quản vật liệu xây tháp, chống xuống cấp; tạo không gian môi trường thuận lợi cho bảo vệ, nghiên cứu và tham quan du lịch. Sau 2 năm triển khai, tháng 5.2007 công trình trùng tu tháp Chăm Mỹ Khánh hoàn thành.
Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế cho biết: Do di tích nằm ở vùng sát biển, nên các hạng mục bảo vệ như các hệ khung inox, nhà kính sau thời gian ngắn xây lắp đã bị hoen gỉ, xuống cấp… Nguồn kinh phí hằng năm dành cho công tác quản lý, bảo vệ cũng hạn chế nên chưa bảo quản và phát huy tốt giá trị của di tích. Tuy nhiên, theo ông Hùng, đây cũng là di tích được quan tâm đầu tư và quản lý tương đối tốt nhất so với các di tích khác tại Thừa Thiên-Huế.
Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc chi nhánh Vietraval tại Huế cho biết, trong các tour đến Huế, Vietraval đều có đưa di tích tháp Chăm Mỹ Khánh vào điểm đến để cho du khách lựa chọn. Tuy nhiên, do việc quảng bá, giới thiệu di tích chưa nhiều nên cũng rất ít du khách chọn điểm đến này. Cũng theo ông Khánh, hiện nay có một số hãng tổ chức theo hình thức du lịch khám phá có đưa khách tới những điểm này, nhưng cũng hạn chế vì lượng du khách thích các tour khám phá không nhiều. Không có du khách, không có nguồn thu nên di tích này hiện tại vẫn rất hoang vắng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.