Bỏ phố về quê nuôi thỏ

Mạnh Cường
Mạnh Cường
27/09/2018 08:44 GMT+7

Không quen với cuộc sống xô bồ của phố thị, chàng kỹ sư cơ khí quyết định quay về quê cũ ở Quảng Nam và rẽ sang nghề nuôi thỏ.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí Trường CĐ Nghề Quảng Nam, Trần Văn Đoàn (26 tuổi, ở thôn 2, xã Tiên Cảnh, H.Tiên Phước) được nhận vào làm tại một công ty ở TP.HCM với thu nhập ổn định. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, biết mình không hợp với nhịp sống sôi động của thành phố lớn, Đoàn quyết định trở về quê. Nhận thấy nghề nuôi thỏ có khả năng sinh lời cao, ở quê lại chưa có ai theo đuổi mô hình này, nên anh chọn thỏ để khởi nghiệp.
Sẵn nghề cũ cơ khí, Đoàn tự dựng trang trại trên khu đất 200 m2 và mua 50 con thỏ giống về nuôi thử nghiệm. “Bỏ về quê mở trang trại nuôi thỏ, gia đình phản đối nhiều lắm vì chăn nuôi rất nhiều rủi ro. Nhưng thấy mình quyết tâm quá nên gia đình cũng ủng hộ. May là hiện tại mình đã thành công với mô hình này”, Đoàn chia sẻ.

Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, thiệt hại cũng nhiều, nhưng Đoàn không nản lòng, cứ tiếp tục nuôi và tự lai giống. Để tiết kiệm chi phí, anh tận dụng đất trong trang trại trồng rau lang, rau muống... làm nguồn thức ăn cho thỏ (cùng với thức ăn bột phải mua).
Để không bị động đầu ra, anh tự kết nối với các nhà hàng, thương lái. Cứ thế, sau gần 3 năm, trang trại của anh đã có 100 thỏ giống và hơn 500 con thỏ thịt. Theo Đoàn, thỏ dễ nuôi, nhưng người nuôi cần phải kiên trì, chú ý vệ sinh chuồng trại, kiểm tra sức khỏe con vật (vì loài này dễ mắc bệnh ghẻ lở, nấm, tiêu chảy, tụ huyết trùng...).
“Nuôi thỏ đầu tư ít lại thu hồi vốn nhanh, rất hợp với quy mô chăn nuôi nông hộ. Thỏ mẹ mỗi năm đẻ khoảng 8 lứa, mỗi lứa 6 - 10 con. Thỏ nuôi 3 tháng là có thể xuất bán. Mỗi năm, mình cung cấp ra thị trường khoảng 2 tấn thịt với giá 100.000 đồng/kg”, Đoàn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.