Bỏ phố về quê, người trong cuộc nói gì?

21/05/2021 08:11 GMT+7

Cứ mỗi lần cảm thấy áp lực hay chán nản cuộc sống ở nơi 'đất chật người đông', không ít bạn trẻ lại nghêu ngao câu hát: '..cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau' của rapper Đen Vâu, và rủ nhau bỏ phố về quê.

 
Bỏ phố về quê có đơn giản vậy không? Bạn trẻ cần chuẩn bị những gì trước khi muốn rời phố về quê lập nghiệp?

Nhiều đêm trằn trọc với nước mắt

Mới đây, khi câu chuyện về Trần Văn Luân (31 tuổi, ở Hậu Giang), chàng trai từ bỏ phố về quê đăng trên mạng xã hội hình ảnh hiện tại đối lập lúc còn ở phố ngày nào cũng mặc đồ vest bảnh bao, đến khi về quê quần áo suốt ngày lấm lem bùn lầy, đã được rất nhiều bạn trẻ quan tâm.
Sau nhiều nỗ lực và cố gắng ở thành phố, Luân lên được vị trí giám đốc kinh doanh chi nhánh khi mới 25 tuổi. Từ ngày giữ vị trí giám đốc, Luân lao vào công việc bất kể ngày đêm và những bữa ăn nhậu với đối tác, khách hàng cứ triền miên. Đến nỗi ngày cưới vợ, anh cũng không cần xem ngày mà cứ chọn chủ nhật cưới, để hôm sau là thứ hai có thể quay lại công việc được liền. Rồi đến một ngày Luân nhận ra mình cần những bữa cơm gia đình hơn là những bữa nhậu triền miên không hồi kết, thế là anh chàng quyết định thôi việc để bỏ phố về quê.
Sau gần 2 năm bỏ phố về quê, Luân tâm sự: “Từ ngày bỏ phố về quê trong ví mình không có 1 triệu đồng, tiền kiếm được một tháng có thể không bằng bữa nhậu với bạn bè lúc còn ở thành phố, nhưng đổi lại mình được sự bình yên, được tự do, thoải mái về đầu óc… Nói chung cái gì cũng có cái giá của nó và nếu bạn nào có ý muốn bỏ phố về quê thì phải dự trù được cuộc sống sẽ khác xa hoàn toàn khi còn ở phố, phải can đảm và cố gắng hết mình với sự lựa chọn của bản thân”.
Tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đi làm một thời gian, Đậu Thị Kiều (24 tuổi, ở Ninh Thuận) cảm thấy ngao ngán cuộc sống ồn ào và suốt ngày kẹt xe ở thành phố. Sau khi quen người yêu thì cả hai quyết định bỏ phố về quê ở Ninh Thuận làm đám cưới và gắn bó với công việc làm nông từ đó.
“Mình thích cuộc sống ở nông thôn hơn vì tuổi thơ của mình gắn liền với những cánh đồng, làng mạc và thiên nhiên giản dị. Nhưng có lẽ, ai quyết định về quê cũng đều gặp trở ngại đầu tiên là vấn đề kinh tế, rồi phải làm gì, bắt đầu từ đâu...? Cưới xong là tụi mình ra riêng, có chút vốn quà mừng hai bên gia đình đầu tư máy móc, tụi mình bắt đầu cuốc đất trồng cây neem (một loại cây đặc trưng ở Ninh Thuận) và khởi nghiệp với những sản phẩm từ cây này. Lúc đầu làm sản phẩm ra bán không được nhiều, sợ thất bại. Đêm nào cũng trằn trọc, kể cả nước mắt ngắn dài, nhưng cả 2 vợ chồng cùng động viên nhau cố gắng, may mắn được mọi người biết đến nhiều hơn, nên bán dần lấy lại vốn và có tiền để sinh hoạt hằng ngày”, Kiều kể.

Nên cân nhắc kỹ trước khi về quê

Từng có công việc ổn định ở quê nhưng cách đây 5 năm, Nguyễn Nhâm Được (30 tuổi, ở Hậu Giang) đã chọn cách rời quê lên phố với mộng làm giàu, nhưng cuộc đời không như mơ, cuối cùng anh lại quyết định bỏ phố về quê nuôi heo, làm vườn.
Bỏ phố về quê, người trong cuộc nói gì?1

Anh Lã Hồng Thép về quê với công việc nuôi heo

ẢNH: NVCC

Được cho biết từ ngày về quê thu nhập không bằng ở phố, tuy nhiên đổi lại không phải thuê nhà, cũng không phải mua sắm nhiều như ở phố. Được khuyên: “Các bạn trẻ đừng suy nghĩ như vậy mà cuốn gói về quê hết. Bạn nào chưa lập gia đình thì nên ở lại thành phố lập nghiệp, vì ở đó có nhiều cơ hội để phát triển. Và quan trọng là không phải ai bỏ phố về quê cũng thành công. Mặc dù có sẵn ruộng đất, nhưng lúc đầu về mình cũng xất bất xang bang vì chưa có kinh nghiệm nên trồng cây cứ bị bệnh rồi không phát triển được. Phải mất một thời gian dài mình mới thích nghi được với công việc hiện tại ở quê. Nên nếu đang ở phố có công việc tốt thì cũng đừng nản hay thấy áp lực mà từ bỏ sớm, không ai mà một sớm một chiều có thể thành công được liền”.
Sau thời gian bỏ phố về quê, Kiều cũng khuyên: “Làm nông không phải chỉ biết cầm cuốc mà còn phải có cả vốn tri thức, trải nghiệm thực tế. Vì thế, nếu các bạn cứ thấy chán công việc ở phố đã vội quyết định về quê thì không nên. Vì để có được cuộc sống yên bình cũng phải đánh đổi rất nhiều, nhất là những bạn về quê và đi lên từ bàn tay trắng”.

Cần có sự chuẩn bị kỹ càng

Cách đây 2 năm, Đỗ Minh Thịnh, tốt nghiệp Trường ĐH Luật TP.HCM, quyết định gác tấm bằng cử nhân luật để về quê Lâm Đồng làm chàng nông dân thực thụ.
Sau từng đó thời gian bỏ phố về quê theo đuổi đam mê, Thịnh chia sẻ: “Mọi người cứ nghĩ trốn sự bon chen ở thành phố là về quê sẽ an nhàn. Nhưng thực sự không như vậy. Ở quê sẽ có áp lực khác, nhịp sống chậm hơn nên các bạn thấy ở quê bớt bon chen hơn mà thôi. Về quê có rất nhiều thử thách mà người trẻ phải đối diện, đó là sự thiếu hụt kinh nghiệm kiến thức, tài chính… cùng với sự không ủng hộ của người thân hay những lời bàn ra tán vào từ nhiều người. Bên cạnh đó, sự bỡ ngỡ về một cuộc sống không như chúng ta từng mơ cũng là thử thách rất lớn”.
Từng bỏ phố về quê không phải vì chán cuộc sống đô thị, mà vì muốn làm điều gì đó cho quê nhà, nhưng anh Lã Hồng Thép (38 tuổi, ở Hưng Yên) cũng đã phải đối diện với nhiều thử thách trong những năm đầu về quê lập nghiệp.
Anh Thép nhớ lại: “5 năm trước khi mình chập chững về quê nuôi heo và đã thất bại ngay mẻ đầu tiên. Dịch bệnh, giá rớt thê thảm làm dập tắt khả năng tái đàn. Bước đệm ban đầu về quê thật không dễ dàng, phải treo chuồng một thời gian dài coi như công sức bỏ ra mua bài học đầu tư về làm nông nghiệp”. Từ đó anh Thép khuyên: “Trước khi bỏ phố về quê sinh sống thì nên tự vấn xem tính cách, lối sống của bản thân có phù hợp nơi thôn cùng ngõ hẻm hay không. Quyết định về quê cần xác lập rõ những điều kiện cần có như nền tảng của gia đình như thế nào, yếu tố hỗ trợ giúp phát triển nghề nghiệp, tìm hiểu nhu cầu địa phương thay đổi ra sao trong vài năm gần nhất. Từ đó có được ý tưởng công việc thích hợp. Khi về quê điều cần thiết phải trang bị thêm kỹ năng làm công việc vặt, tiết giảm chi phí tối đa. Từ sửa ống nước, xây tô tường, làm vườn, bếp núc đến các kiến thức chăm sóc cây cối, heo gà, trâu bò đều phải hiểu và học hỏi…”. (còn tiếp)
Phải hiểu được bản thân mình muốn gì
Đỗ Minh Thịnh khuyên: “Trước khi bỏ phố về quê thì phải hiểu được bản thân mình muốn gì, có những điểm mạnh và điểm yếu gì để cân đo xem có phù hợp với công việc định hướng khi về quê không. Ngoài ra cần có kế hoạch, mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Và nếu được thì nên chuyển giao từng bước. Ví dụ như với những người về quê trồng rau như mình thì mình hay khuyên các bạn nên làm thực tập sinh ở các vườn để trải nghiệm trước. Để xem bản thân có phù hợp với công việc này hay không. Một yếu tố quan trọng khác là khi tính toán và ra thực tế sẽ có nhiều sai lệch, phải chuẩn bị tâm lý vững để có thể ứng biến khi có tình huống xấu xảy ra”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.