Bò nội, bò ngoại (Kỳ 2): Thời no đủ

02/04/2013 14:47 GMT+7

Như đã nói, món ngon phần nào thể hiện địa phương tính hoặc cao hơn là dân tộc tính. Điều này dễ nhận thấy ở các món bò ngoại. Trước tiên, tính chuyên nghiệp và đồng bộ luôn đặt lên hàng đầu. Tuyệt nhiên không có chuyện hôm nay bán bò non, ngày mai bán bò sồn sồn vì... hết hàng như ở ta.

Như đã nói, món ngon phần nào thể hiện địa phương tính hoặc cao hơn là dân tộc tính. Điều này dễ nhận thấy ở các món bò ngoại. Trước tiên, tính chuyên nghiệp và đồng bộ luôn đặt lên hàng đầu. Tuyệt nhiên không có chuyện hôm nay bán bò non, ngày mai bán bò sồn sồn vì... hết hàng như ở ta.

>> Bò nội, bò ngoại (Kỳ 1): Tươi nguyên, đượm tình quê
>> Bí quyết làm xốt ngon tuyệt cho thịt bò

Nổi danh khắp Á châu và thế giới là bò Kobe của Nhật. Ngoài chế độ dinh dưỡng đặc biệt, bò còn được cho uống bia, tắm nước ấm, nghe nhạc hòa tấu, massage... theo định kỳ. Số lượng có hạn nên giá cao ngất ngưỡng, ấy vậy mà vẫn có đơn đặt hàng nườm nượp.

Bò nội, bò ngoại (Kỳ 2): No đủ
Rạo rực bít-tết thăn bò thiến! - Ảnh: Quang Tâm

Một đại gia ở Q.5, chuyên ngành “bia bọt”, diễn tả cảnh ăn thịt bò này tại đất nước “hoa anh đào” như sau: “Miếng thịt hồng hào, mỏng tanh, lớn bằng ngón tay út, nghe mềm mại mà dẻo dai, thơm mùi sữa, ngọt thanh, rồi giòn tan lúc nào không hay nơi vòm miệng... Chợt tôi giật mình thầm nhủ: vậy là tiêu đời bốn - năm ký thịt bê ta xứ mình rồi!”

Tuy nhiên, nói như các nhà kinh tế chiến lược, cái thiếu chung của nông sản Việt là “chuỗi gia tăng giá trị”. Cụ thể hơn, nếu có người kết hợp bán một dĩa bê thui với tour ra thăm đồng cỏ non còn mờ hơi sương, để rình bắt dế, thả diều, tắm sông... với giá nửa ký bò Kobe, chắc không ít khách tây vẫn vui vẻ khen “vé - ri” (rất) rẻ!

Với một điều kiện vàng, người thiết kế phải chỉ ra cái khác biệt của nghệ thuật ẩm thực Việt là hòa mình vào sinh cảnh của vật thực, là sống chậm, gần gũi cùng chim muông hoa cỏ... Ấy cũng chính là nỗi khát khao của những công dân công nghiệp: luôn chạy đua với thời gian, áp lực công việc và stress.

Xét về “bề dày” ăn thịt và khả năng dung nạp đạm động vật, thì dân “Hai Lúa” như người viết chỉ đáng xách dép mấy anh tây. Do vậy, xin giới hạn ở món thông dụng: bít-tết.

Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên có lần la toáng lên giữa cơ quan: “Trời ơi cái thằng “xơ-mít” (giám đốc sáng tạo một group báo giải trí ở Q.4, TP.HCM) nó ngốn sạch bách đĩa bít - tết cả nữa ký lô thịt bò Úc. Nó còn nói, ăn như vậy mới đủ năng lượng để làm việc! Khiếp quá!”

Trong khi đó, một đồng nghiệp có tiếng mạnh ăn khác phải than thở: “Tui no cả ngày với món bít - tết tỏi, ở quán Tín Hưng”, số 370 Bis An Dương Vương, Q.5, TP.HCM.

Bò nội, bò ngoại (Kỳ 2): No đủ
Quên thôi! Bít-tết bò Úc - Ảnh: Tùng Châu

Đây là món độc đáo của quán này. Quán mở cửa khoảng ba giờ chiều. Tức thì, một giờ sau món này sẽ hết. Miếng thịt nặng gần 240g, nóng hổi, màu ửng hồng (chín tái) hoặc vàng nâu (chín vừa) tùy khách chọn. Ăn kèm nhúm tỏi xắt lát chiên vừa vàng sẽ dễ tiêu, bớt ngấy. Chấm mù tạt hoặc pha thêm nước tương tùy thích.

Sớ thịt bò không chỉ thơm thanh, mềm dẻo mà còn dai dai lẫn beo béo, nhờ có những sớ mỡ luồn bên trong. Thế nên, lúc nào khách  cũng đầy quán. Khoảng 5, 6 giờ chiều, nhiều thực khách không đủ kiên nhẫn xếp hàng chờ bàn trống đành mua mang về, chấp nhận ăn không còn nóng.

Nếu hương vị bít - tết quán vừa kể có phần lai Hoa, thì miếng thịt bò ở quán 52 trên đường Lê Thị Riêng, Q1, TP.HCM lại nửa tây nửa ta. Chính xác hơn là đĩa bít - tết kiểu tây dành cho khách ta.

Nổi bật trên đĩa là miếng thăn bò Mỹ (loại bò thiến) màu vàng dịu, hơi phớt sẫm. Đặc biệt, có một lớp mỡ giòn thanh, không gây ớn ngán bên ngoài miếng thịt thật dày. Mẹo nhỏ là, đầu bếp ướp vào đấy một tí muối, đem áp chảo. Cận kề có mấy miếng khoai tây vàng ruộm, vài cọng xà - lách xanh tươi.
Phủ lên trên là một lớp nước xốt, làm từ một loại giấm màu nâu đỏ hoặc rượu chát, được cô đặc bằng lửa riu riu không dưới 60 phút. Lại thêm một chút yaourt trắng tươi, chua dịu, ngọt béo, như một phương cách  giúp trợ tiêu hiệu quả.

Đã nói, quán này theo phong cách tây nên chuyện cân bằng dinh dưỡng gồm lượng đạm, tinh bột, chất xơ được chú trọng hàng đầu. Anh Lý Anh Tú, bếp trưởng của quán cho biết: “Khẩu phần ăn thông thường của dân ta ta gồm: 50% tinh bột, 20% đạm, 30% chất xơ.” Bên cạnh đó, vẫn cần một chút vị chua ngọt từ nước xốt, ít men tiêu hóa từ yaourt và rượu vang giúp người ăn “nhẹ” bụng hơn.

Tấn Tới

Tài liệu tham khảo:
1 “Giới thiệu về thịt bò Úc”, nguồn thucphamnhapkhau.vn
2 “Thịt bò Mỹ miếng ngon ấn tượng”, nguồn thaotien.vn
3 “Thịt bò Kobe”, nguồn tự điển mở Wikipedia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.