Bộ NN-PTNT đề xuất chủ động giám sát cúm lợn ở lợn và người

18/07/2020 06:28 GMT+7

Bộ NN-PTNT đề xuất Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức giám sát cúm lợn ở lợn và ở người.

Ngày 17.7, Bộ NN-PTNT cho biết, đã có văn bản báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất một số giải pháp phòng, chống bệnh cúm trên động vật, trong đó có bệnh cúm lợn được các nhà khoa học nhận định có thể lây sang con người.
Bộ NN-PTNT dẫn thông tin giám sát dịch cúm lợn từ Trung Quốc cho biết, kết quả giám sát huyết thanh học từ công nhân, người chăn nuôi lợn, các nhà khoa học đã phát hiện được 35/338 người chăn nuôi lợn có kháng thể kháng vi rút cúm EA H1N1/G4, đặc biệt là những người có độ tuổi từ 18 - 35 có kết quả huyết thanh dương tính là 20,5% (9/44 người). Điều này cho thấy, vi rút H1N1 G4 đã tăng sự thích nghi trên người, làm tăng mối lo ngại về khả năng tạo ra chủng vi rút mới có thể gây đại dịch. Nhưng theo các chuyên gia Trung Quốc, vi rút cúm lợn H1N1 G4 không phải là mới và không gây bệnh cho con người và động vật một cách dễ dàng. Một chủng tương tự như G4 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan liên quan ở Trung Quốc theo dõi, giám sát liên tục kể từ năm 2011.
Tại VN, trong các năm 2010 - 2018, Cục Thú y phối hợp với Viện Thú y Nhật Bản tổ chức thực hiện giám sát chủ động, lấy 14.600 mẫu dịch hầu họng và huyết thanh lợn tại 270 cơ sở chăn nuôi lợn và 10 cơ sở giết mổ lợn tại các tỉnh phía bắc và phía nam. Các nhà khoa học phát hiện 527 mẫu vi rút cúm bao gồm: 104 mẫu H1N1, 1 mẫu pdm/09 H1N1, 151 mẫu H1N2 và 272 mẫu H3N2. Qua phân tích di truyền HA, chuyên gia Nhật Bản phát hiện 1 mẫu vi rút cúm H1N1 thu thập cuối năm 2018 tại Bắc Ninh thuộc dòng EA, clade 1C.2.3. Tuy nhiên, để khẳng định chủng vi rút này có kiểu gien G4 hay không, các chuyên gia Nhật Bản đang tiếp tục phân tích và trả lời trong thời gian sớm nhất.
Bộ NN-PTNT đề xuất Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức giám sát cúm lợn ở lợn và ở người, đặc biệt là chủng pdm/09 H1N1 và các chủng có khả năng lây sang người; tiếp tục phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về cúm lợn. Đối với các địa phương, cần chủ động triển khai các biện pháp giám sát, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện cúm lợn và tuyên truyền để người dân hiểu được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nhưng không gây hoang mang cho cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.