Bộ nhớ cấp nguyên tử

25/07/2016 08:20 GMT+7

Tờ IB Times ngày 19.7 đưa tin các nhà khoa học Hà Lan vừa phát triển thành công một thiết bị lưu trữ dữ liệu ở cấp nguyên tử với khả năng ghi 500 TB dữ liệu trên 6,5 cm2, gấp 500 lần ổ cứng hiện đại nhất.

Công trình được công bố trên tạp chí Nature Nanotechnology. Các nhà khoa học, thuộc Đại học Kỹ thuật Delft (Hà Lan), mô tả thiết bị này có thể lưu trữ được toàn bộ đầu sách của nhân loại với kích cỡ của một con tem bưu điện.
TS Sander Otte, dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết họ sắp xếp các nguyên tử Clo trên một bề mặt bằng đồng và mỗi bit dữ liệu đại diện cho vị trí một nguyên tử Clo. Các nhà khoa học sử dụng một kính hiển vi quét xuyên hầm (STM) để dò chính xác từng nguyên tử trong mạng lưới và kéo những nguyên tử kề cận vào khoảng trống.
Mỗi khi một nguyên tử Clo mất đi, trên mạng lưới sẽ xuất hiện một khoảng trống - tạo thành những trạng thái tắt/bật của nền tảng lưu trữ nhị phân. Nếu nguyên tử Clo ở vị trí bên trên, tức là bên dưới có một lỗ trống, bit đó được quy định là 1. Ngược lại, khi Clo ở phía dưới, bên trên lỗ trống sẽ là bit 0. Chính vì các nguyên tử Clo gần nhau nên sẽ giúp nhau cố định, khiến phương pháp này hiệu quả hơn sử dụng các nguyên tử tự do.
Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển thiết bị vì hiện nay tốc độ đọc - ghi vẫn còn chậm và quá trình lưu trữ phải diễn ra ở nhiệt độ cực thấp, -196 độ. Nhưng thành công bước đầu này đã là bước tiến lớn khi thiết bị sẽ trở thành nền tảng quan trọng cho việc lưu trữ cấp độ nguyên tử trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.