Bố một mình đưa con gái đi sinh, tỉ mỉ cả đêm chăm cháu ngoại

25/11/2022 10:14 GMT+7

Con gái đi sinh, ông Tân “tay xách nách mang” một mình vào bệnh viện chăm sóc. Câu chuyện được cư dân mạng chia sẻ vì ông ngoại không thạo việc chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh, nhưng tình phụ tử thiêng liêng trên hết.

Theo tìm hiểu của PV, người con gái hạnh phúc trên là chị Lê Thị Thương (25 tuổi, ở TX.Bỉm Sơn, Thanh Hóa), còn người bố là ông Lê Duy Tân (48 tuổi).

Ông Tân luôn ở bên hỗ trợ con gái...

NVCC

“Chẳng ai bằng bố mẹ!”

Chị Thương chia sẻ, trước lúc sinh bé thứ hai, gia đình đã sắp xếp để mẹ đưa đi, còn bố ở nhà lo bé đầu (4 tuổi) đi học. Sát ngày sinh, bé đầu bị sốt cao phải nằm viện và chỉ quấn bà ngoại, bà cũng thạo hơn trong việc chăm cháu nên chị định ra Hà Nội sinh một mình. “Lúc đầu mình nghĩ đăng ký sinh ở bệnh viện (BV) tư, có y tá chăm sóc, nếu cần thiết thuê người chăm bé ban đêm, nên nghĩ không có bố mẹ đi cùng cũng không sao. Con trai đầu cũng ở BV vì sốt 5 - 6 ngày chưa hạ. Tuy nhiên, bố mẹ không yên tâm nên khi mình ra trước 1 ngày, bố ra sau đưa mình đi mổ”, chị kể.

... và tỉ mỉ chăm cháu ngoại

Ở BV, chị thấy nhiều người có chồng, mẹ đẻ hoặc mẹ chồng cạnh bên. Bố chị làm nông, làm đồi chưa chăm em bé bao giờ, nhưng khi vào viện đã thức cùng chị cả đêm để trông cháu. Nhìn bố lủi thủi, lo lắng cho cháu, chị không dám khóc, cố nén lại và bảo “Con không đau đâu” để bố đỡ lo.

Chị Thương cho biết bố chị luôn tiết kiệm với bản thân và dành cho con cháu những gì tốt đẹp nhất. “Đến bữa mình bảo bố lên căn tin ăn nhưng bố không đi, cứ đợi mẹ con mình ăn trước. Nhiều lúc bố chỉ ăn mì tôm vì thấy đồ ăn trên căn tin đắt, tiếc tiền và sợ lúc đi ăn mẹ con mình cần gì lại chạy xuống không kịp. Mình sinh dịch vụ nên có y tá làm giúp, bố thường chạy đi, chạy lại nhờ họ pha sữa, cho cháu ăn. Y tá làm gì, bố sẽ chăm chú nhìn để biết cách làm theo. Lần đầu làm nên bố khá run, chỉ sợ làm cháu đau. Ai thấy cũng khen ông chăm cháu cẩn thận, chu đáo làm mình thấy hạnh phúc”, bà mẹ trẻ cho hay.

Sinh bé đầu chị có bố mẹ, có chồng đi cùng nhưng lần này mọi thứ như định mệnh nên chỉ có bố bên cạnh. Chị quay những khoảnh khắc đáng nhớ lên trang cá nhân để gia đình làm kỷ niệm và nhận được sự chúc mừng cảm động từ mọi người. “Lúc lấy chồng mình thấy thương bố mẹ nhiều hơn, nhất là khi mình chưa làm được điều gì giúp đỡ bố mẹ. Mình sinh con, bố mẹ vất vả hơn, mình thấy có lỗi và nhận ra chẳng ai bằng bố mẹ mình”, chị xúc động nói.

Poll TNO
Bạn nghĩ sao về câu chuyện ông bố vào bệnh viện chăm con gái đẻ

Vì con, bàn tán có là gì

Trước đây, chị Thương và bố hay bất đồng quan điểm, ít khi gần gũi hay bày tỏ tình cảm. Bố hay mắng nhưng rất thương con cái, luôn phụ vợ, phụ con đi chợ, làm việc nhà. Nhiều khi bố cũng bảo thủ, chẳng nhận sai nhưng âm thầm suy nghĩ lại và tự thay đổi bản thân. “Mặc dù không nói ra nhưng nhìn những hành động bố chăm con, chăm cháu mình chỉ muốn khóc vì xúc động. Mình muốn nói lời cảm ơn bố mẹ vì đã không bỏ rơi mình những lúc khó khăn”, chị cho hay.

Phần ông Tân vô cùng hạnh phúc, vui mừng vì con gái đã “mẹ tròn, con vuông”. Khi mẹ con chị Thương xuất viện, ông ôm trọn cháu vào lòng vì sợ cháu giật mình. “Ai làm cha làm mẹ cũng muốn bên cạnh con, nhất là khoảng thời gian con sinh. Mỗi nơi mỗi khác nhưng thời của tôi, chồng thường đi cùng vợ, mẹ chồng, mẹ đẻ tới chăm sóc. Vì hoàn cảnh không cho phép nên tôi bỏ qua lời bàn tán đàn ông không đi chăm bà đẻ để vào BV với con”, ông cho biết. Dù ở BV có dịch vụ chăm sóc chu đáo nhưng không muốn con tủi thân nên ông ở bên hỗ trợ.

“Nhiều người nghĩ cứ có tiền thuê dịch vụ sẽ được chăm sóc nhưng tôi hiểu khi sinh ai cũng mong có người nhà đến. Tôi muốn con có thêm động lực từ gia đình. Làm bố, làm mẹ lúc nào cũng nghĩ đến con, luôn dành tình cảm yêu thương cho con. Con gái tôi cuộc sống gia đình không được hạnh phúc nên tôi càng đùm bọc, quan tâm hơn”, ông chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.